Bản tin năng lượng trong nước từ ngày 30/8 - 5/9
(PetroTimes) - Từ ngày 30/8 đến ngày 5/9/2021, ngành năng lượng trong nước ghi nhận một số tin tức như sau:
Thêm 2 bản vùng sâu của Lai Châu có điện lưới quốc gia
Đóng điện TBA Tìa Khí - bản Tìa Khí, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ |
Sáng ngày 29/8, Công ty Điện lực Lai Châu (Pc Lai Châu) đã tổ chức lễ đóng điện, đưa điện lưới quốc gia đến với 140 hộ dân 2 bản Tìa Khí và Phi Én, thuộc xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Đây là dự án cấp điện lưới quốc gia cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Lai Châu sử dụng vốn ngân sách nhà nước với quy mô xây dựng trên 325 km đường dây 35 kV, trên 152 km đường dây 0,4 kV, 115 trạm cấp điện cho trên 7.700 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh, dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2021.
Từ đầu năm đến nay, PC Lai Châu đã tập trung quyết liệt các giải pháp để triển khai dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Lai Châu và đã cấp điện cho 1.067 hộ dân tại 20 thôn bản trên địa bàn các xã Hồng Thu, Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải thuộc huyện Sìn Hồ. Từ nay đến cuối năm 2021, PC Lai Châu sẽ phấn đấu hoàn thiện dự án và sẽ cấp điện thêm cho gần 600 hộ dân tại một số xã còn lại của huyện Sìn Hồ.
Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án điện khí Bạc Liêu
Phối cảnh Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu |
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định số 1715/QĐ-BTNMT ngày 1/9/2021 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu”.
“Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu” do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd. (DOE, Singapore) làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Các hạng mục công trình chính chủ yếu của dự án gồm: tuabin khí, lò thu hồi nhiệt, tuabin hơi, nhà điều khiển trung tâm; các hạng mục, công trình phụ trợ của dự án…
Dự án có tổng diện tích 252,81ha và nhiên liệu sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, công suất khoảng 3.200 MW (gồm 4 tổ máy với mỗi tổ có công suất khoảng 800MW). Khi dự án được hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần quan trọng vào việc đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.
Chuẩn bị có dự án điện gió 1 tỷ USD tại Vũng Tàu
Công trình điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa) |
Tập đoàn HBRE vừa ký kết 2 thỏa thuận hợp tác ghi nhớ đầu tư với EVN GENCO 3 và Sapura Energy (Malaysia) để cùng hợp tác đầu tư dự án điện gió HBRE Vũng Tàu. Đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên và lớn nhất tại Vũng Tàu với công suất 500MW, tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, tọa lạc tại vùng biển ngoài khơi cách bờ khoảng 35km của xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Chủ tịch Tập đoàn HBRE Hồ Tá Tín cho biết, lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi được HBRE bắt đầu quan tâm và đề xuất các ý tưởng khảo sát đầu tư với dự án đầu tiên tại Bình Thuận vào năm 2016. Đến năm 2019-2020, dự án nhà máy điện gió trên biển Vũng Tàu đã được HBRE Group xúc tiến đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát đo gió và nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án vào tháng 5/2019. Tháng 11/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương thẩm định bổ sung dự án nhà máy điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn tất việc lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và đang trình Chính phủ bổ sung dự án này vào quy hoạch điện VIII.
Đẩy mạnh "xanh hóa" ngành năng lượng
Xanh hóa ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (Ảnh minh họa) |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, "xanh hóa" ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước. Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả. Xanh hóa ngành năng lượng theo hướng phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện chương trình tiết kiệm điện trong sản xuất, truyền tải và phân phối; bảo đảm an toàn và chống thất thoát điện...
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, khuyến khích phát triển lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo và sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm.
Tìm giải pháp phát triển hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ Phát biểu khai mạc hội thảo trực tuyến ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D |
Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Event) vừa được báo Giao Thông phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức vào sáng ngày 3/9.
Một số tham luận đáng chú ý được trình bày tại hội thảo như: Thực trạng phát triển xe điện trên thế giới và giải pháp thúc đẩy phát triển xe điện tại Việt Nam; Chính sách thuế, phí nhằm thúc đẩy ô tô thân thiện với môi trường; Hiện trạng và các bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia về xe điện hiện nay tại Việt Nam; Đề xuất lộ trình cho xe điện hoá tại Việt Nam; Phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam…
Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi về xu thế phát triển các loại xe thân thiện với môi trường, xe điện; rà soát các quy định, chính sách hiện có; bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật đồng bộ, phù hợp, góp phần phát triển loại phương tiện này.
Đóng điện trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập (Quảng Trị)
Trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập đóng điện thành công (Ảnh minh họa) |
Ngày 3/9, trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập 48MW tại xã Tân Liên, xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được đóng điện thành công và an toàn.
Trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Liên Lập được đầu tư xây dựng trong khuôn viên trạm biến áp 110kV Nhà máy điện gió Hướng Tân với quy mô 1 MBA 110/35kV 63MVA. Phía 110kV vận hành theo sơ đồ hai thanh cái gồm 1 ngăn lộ tổng máy biến áp T1 đấu nối vào thanh cái 110kV trạm biến áp nhà máy điện gió Hướng Tân. Phía 35kV được thiết kế theo sơ đồ hệ thống một thanh cái gồm 1 ngăn lộ tổng máy biến áp, 1 ngăn đo lường và 3 ngăn xuất tuyến đi các tuabin gió.
Dự án Nhà máy điện gió Liên Lập có tổng vốn đầu tư hơn 1.970 tỷ đồng. Công suất thiết kế dự án gồm 12 tuabin gió, công suất mỗi tuabin gió khoảng 4MW, tổng công suất 48MW. Nhà máy khi đi vào vận hành thương mại sẽ cung cấp lượng điện ổn định trung bình 158,8GWh/năm cho hệ thống lưới điện quốc gia, giúp tăng cường khả năng cung cấp điện, nâng cao độ tin cậy của lưới điện và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Trị cũng như các khu vực lân cận.
Lâm Anh (t/h)