Vượt "bão Covid-19" bằng nông nghiệp số, nông dân số
Hơn 350.000 tấn vải đến kỳ thu hoạch ở phía Bắc rơi đúng đợt dịch lần thứ 4, nhưng chúng ta đã tiêu thụ hết. Chưa bao giờ quả vải từ Bắc Giang vào đến Tây Ninh chỉ có 2 ngày!
- Phóng viên: Thực tế tại các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội, khi có thông tin chuẩn bị giãn cách xã hội thường xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua, tích trữ lương thực, thực phẩm. Trong bối cảnh dịch dự báo còn kéo dài như hiện nay, liệu ngành nông nghiệp có đảm bảo sản xuất, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu trong nước?
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm nay chúng ta phấn đấu sản xuất đạt 43,19 triệu tấn lúa. Với sản lượng lúa như vậy, theo chúng tôi tính toán, tiêu thụ trong nước sẽ khoảng hơn 14 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn. Do đó về mặt hàng lúa gạo là hoàn toàn yên tâm.
Ngoài ra, rau củ quả cũng không thiếu. Sản lượng thịt, thủy sản đều tăng.
Như vậy, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng khẳng định nguồn cung lương thực, thực phẩm của chúng ta hoàn toàn đáp ứng được. Chúng ta không lo thiếu lương thực thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh. Khẳng định, nông nghiệp luôn là "trụ đỡ", là nền tảng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Theo chỉ đạo của Thủ tướng, có thể nói, Bộ NN&PTNT là một trong những đơn vị sớm nhất thành lập Tổ công tác đặc biệt để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh mới trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; nhất là công tác chỉ đạo để đảm bảo sản xuất, lưu thông và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc thời gian qua. Xin Thứ trưởng cho biết phương pháp, cách thức chỉ đạo và hoạt động của hai Tổ công tác đặc biệt của Bộ thời gian qua?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thành lập 2 Tổ công tác, một tổ phía Nam và một tổ phía Bắc do hai Thứ trưởng của Bộ làm Tổ trưởng.
Tại các tỉnh phía Nam có năng lực sản xuất rất lớn đối với các mặt hàng như: tôm, cá tra và các sản phẩm trồng trọt như xoài, nhãn… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lượng tiêu thụ của người dân giảm đáng kể, vận chuyển nông sản cũng gặp khó khăn; nguồn lực để thu hoạch cũng bị ảnh hưởng nhất định.
Trước thực trạng này, Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT ở phía Nam đã kết nối với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hợp tác xã, các trang trại cũng như các Hội Nông dân… và đã tổ chức được gần 1.000 điểm tiêu thụ nông sản. Vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay cơ bản được tháo gỡ. Các chuỗi ngành hàng tuy có ảnh hưởng nhưng chưa có chuỗi nào bị đứt gãy.
Tiếp theo, Tổ công tác lên phương án để làm sao vật tư đầu vào thông suốt. Tất cả việc này đều có bước chuẩn bị trước, để khi khống chế được Covid-19, chúng ta bắt tay ngay vào kế hoạch sản xuất cho các vụ tiếp theo.
Nếu chúng ta không làm tốt 2 việc nói trên, nông sản đến thời kỳ thu hoạch sẽ khó đảm bảo tiêu thụ hết với giá ở mức tương đối. Nếu nông sản không tiêu thụ, không thu hoạch được sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ sau và có nguy cơ thiếu nông sản.
Còn các tỉnh phía Bắc khống chế dịch Covid-19 tương đối tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải thúc đẩy tăng trưởng.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở phía Bắc trước hết là phục vụ cho chính các địa phương, cho xuất khẩu và cuối cùng là chuẩn bị lượng dự trữ để khi Covid-19 được khống chế, nếu nông sản ở phía Nam thiếu hụt, phần nông sản dự trữ ở phía Bắc sẽ sẵn sàng chi viện cho các tỉnh phía Nam. Có làm như vậy chúng ta sẽ không bị đứt gãy nguồn cung cấp, không bị thiếu hụt nông sản, thực phẩm.
- Thực tế trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp chống dịch có thể nói là "cực đoan", dẫn đến nông sản ở các địa phương có dịch ách tắc. Thời điểm đó, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để tháo gỡ vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Trước thực trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có 2 văn bản gửi Chính phủ và các tỉnh thành về việc tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đến lúc có văn bản của Chính phủ liên quan đến mặt hàng thiết yếu lương thực thực phẩm, thì quan niệm về mặt hàng thiết yếu ở các tỉnh không đồng nhất, dẫn đến gây ách tắc.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã triệu tập cuộc họp. Tôi thay mặt Bộ NN&PTNT phát biểu về phần vật tư nông nghiệp phục vụ đàn gia cầm, đàn thủy sản đang nuôi. Để đạt mục tiêu kép thì không được cấm các loại vật tư này lưu thông. Sau đó chúng ta đã tháo gỡ vấn đề này.
Tuy nhiên, vừa rồi tôi đi khảo sát một số doanh nghiệp và họp với các tỉnh, người ta đều nói là còn có những khó khăn nhất định. Trong văn bản số 5187 Văn phòng Chính phủ truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, chỉ có hàng hóa cấm là đương nhiên không được lưu thông, còn đâu được lưu thông hết. Bộ NN&PTNT cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải để cùng với các địa phương chỉ đạo dứt điểm, để luồng hàng của chúng ta được phân phối lưu thông như lúc chưa có Covid-19.
Chúng ta phải hiểu, virus SARS-CoV-2 không lây qua xe, không lây qua thức ăn, không lây qua thực phẩm, mà chỉ có thể lây qua lái xe. Do đó, chỉ cần tăng cường kiểm soát chặt ông lái xe và những người trên xe. Đến thời điểm này việc lưu thông hàng hóa đã tương đối ổn định.
- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bài học ứng phó nhanh nhạy với những biến động của thị trường là rất quan trọng. Từ thực tế triển khai các giải pháp của ngành nông nghiệp thời gian qua, Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về bài học kinh nghiệm này?
- Chúng ta đã trải qua nhiều làn sóng Covid-19, lần này là làn sóng thứ 4. Đợt Covid-19 nào, nông sản Việt Nam cũng ở dạng thu hoạch hoặc sắp thu hoạch.
Tôi lấy ví dụ, hơn 350.000 tấn vải đến kỳ thu hoạch ở phía Bắc rơi đúng đợt dịch lần thứ 4, riêng Bắc Giang là trên dưới 200.000 tấn, còn lại ở Hải Dương và một số tỉnh khác. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra giải pháp để tiêu thụ lượng vải cao nhất từ trước đến nay là nhiệm vụ cấp bách.
Chúng ta phải từ thực tiễn đó để bàn bạc đưa ra những hình thức, tổ chức tiêu thụ và có kịch bản cụ thể, như thay đổi hình thức thương mại, ngoài truyền thống đã chuyển dần sang thương mại điện tử, livestream bán hàng trên mạng, bán hàng online... Chưa bao giờ quả vải từ Bắc Giang vào đến Tây Ninh chỉ có 2 ngày.
Ngoài ra, chúng tôi còn xúc tiến thị trường thương mại với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Trung Quốc, đưa sản phẩm quả vải của Việt Nam sang các thị trường này.
Với sản lượng vải nhiều như thế, nhưng chúng ta vẫn giải quyết một cách ổn thỏa. Từ kinh nghiệm quả vải đó, chúng ta chỉ đạo cho các lĩnh vực khác như: xoài, nhãn, lúa gạo…và chúng ta đã có bước chủ động kết nối từ vùng sản xuất đến cơ sở tiêu thụ, bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Việc hình thành những đầu mối kết nối, cung - cầu nông sản có thể là nền tảng để chúng ta hình thành một mô hình kết nối tiêu thụ nông sản kiểu mới trong tương lai; trong đó nổi bật là việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Vậy thời gian tới, Bộ có chủ trương như thế nào để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã về nội dung này?
- Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, chúng ta đã từng bước thích ứng với thương mại điện tử, bán hàng qua mạng. Đây chính là kết quả bước đầu cho thấy kết nối nông sản theo một hình thức mới.
Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số, nông dân số là đòi hỏi đặt ra. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã thành lập ban, có quy chế làm việc và đã họp phiên đầu tiên, trong thời gian ngắn, Bộ NN&PTNT sẽ họp để triển khai nội dung kinh tế số.
Việt Nam có 7 vùng kinh tế sinh thái, có 3 trục sản phẩm: sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, sản phẩm OCOP (one commune, one product - chương trình mang tên "mỗi xã, phường một sản phẩm").
7 vùng sinh thái này là 7 vùng khí hậu khác nhau, thổ nhưỡng khác nhau, cho nên từ việc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, với chất đất, khí hậu đó đã hội tụ, kết tinh vào sản phẩm nông nghiệp. Do đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị về tinh thần kết tinh vào sản phẩm, phải được đánh giá rất đúng. Chính vì thế, sản phẩm nông sản Việt Nam được rất nhiều thị trường ưa chuộng.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan ra mắt điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn trong mùa dịch Covid-19. Đến nay, có thể nói các điểm tiêu thụ nông sản này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Đây chính là căn cứ thực tiễn, kết quả để cho chúng ta sắp tới xây dựng một nền nông nghiệp số, Bộ NN&PTNT số, nông nghiệp số và nông dân số.
- Những tháng cuối năm, khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp phải đối mặt là rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương? Xin Thứ trưởng cho biết một số giải pháp quan trọng mà Bộ NN&PTNT ưu tiên để vừa giữ vững chuỗi cung ứng, vừa đảm bảo chống dịch an toàn?
- Sản xuất nông nghiệp đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, như: dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trên vật nuôi là thủy sản; đang đứng trước mùa mưa bão; do Covid-19 nhiều tỉnh phía Nam có những ngành hàng, có những lĩnh vực chịu ảnh hưởng tổn thất tương đối nặng nề.
Trước thách thức này, 2 Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT phải hoạt động tích cực hơn nữa.
Hiện nay theo tôi nắm được, 14 cảng cá, một số cơ sở giết mổ, chế biến nông sản, thủy sản ở khu vực phía Nam đã có F0. Do đó, việc làm cấp bách là phải sàng lọc tách số F0 này ra, phải xử lý khâu phòng, chống dịch Covid-19 thật nghiêm túc để sản xuất, chế biến hoạt động trở lại. Việc này rất quan trọng, vì các cơ sở chế biến kết nối với nhiều vùng nguyên liệu, nếu không được hoạt động sẽ gây ách tắc.
Ngoài ra, hệ thống chuỗi phân phối như các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các cửa hàng siêu thị phải cho hoạt động, tại TPHCM một số chợ đã hoạt động trở lại. Vì các chuỗi này chiếm 65-70% nông sản, nếu không tổ chức được các địa điểm an toàn để tiêu thụ nông sản, có chỗ thì ách tắc, có chỗ thì thiếu thốn.
Một việc nữa, phải tổ chức tiêm vắc xin cho những người trong chuỗi nông sản. Vì có con người này thì mới có hệ thống tiêu thụ và những con người này đứng sau họ là mấy chục triệu nông dân. Làm được những việc này cũng góp phần ổn định được nông thôn trong bối cảnh Covid-19 như vậy.
Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam cũng như các ngành kinh tế khác chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, với sự chủ động là sau khi tổng kết năm trước bao giờ cũng có kịch bản điều hành cho năm sau. Chính nhờ có sự bám sát kịch bản điều hành của Bộ NN&PTNT đề ra, đồng thời được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cho nên kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm, có những tiêu chí cập nhật đến 7 tháng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt được 3,82%, cao nhất trong 10 năm qua (từ 2011 đến nay). Trong đó, xuất khẩu nông sản (cập nhật 7 tháng) đạt 28,6 tỷ USD, giá trị thặng dư là 3,9 tỷ USD. Tất cả các lĩnh vực sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. |
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dân trí