Sự thống trị về khí đốt tự nhiên của Mỹ có thể sắp kết thúc
(PetroTimes) - Sản lượng khí đốt thiên nhiên tại Mỹ đã sụt giảm cho đến khi cách mạng dầu khí đá phiến xảy ra. Sản lượng khí đốt tại Mỹ đã tăng mạnh mẽ 86% trong giai đoạn 2005 - 2020, đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong số các nhà sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất.
Ảnh: David MsNew/Getty Images |
Mỹ đã thống trị sản xuất khí đốt thiên nhiên toàn cầu cho đến những năm 1980, thời điểm nước này nhường vị trí dẫn đầu cho Nga. Các nước Trung Đông cũng đã phát triển trữ lượng khí đốt thiên nhiên của mình với tốc độ nhanh chóng trong vòng 50 năm qua và đang trên đà dẫn đầu toàn cầu. Chuyên gia phân tích dầu khí Robert Rapier của trang tin Oilprice mới đây đã có bài viết tiếp theo xoay quanh báo cáo Thống kê năng lượng toàn cầu (Statistical Review of World Energy 2021) của tập đoàn dầu khí BP. Bài viết tập trung và tình hình về sản xuất và tiêu thụ khí đốt thiên nhiên của Mỹ.
Sản lượng khí đốt thiên nhiên tại Mỹ đã sụt giảm cho đến khi cách mạng dầu khí đá phiến xảy ra. Sản lượng khí đốt tại Mỹ đã tăng mạnh mẽ 86% trong giai đoạn 2005 - 2020, đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong số các nhà sản xuất khí đốt thiên nhiên lớn nhất.
Tiêu thụ
Mức tiêu thụ khí đốt của Mỹ đã tăng lên nhanh chóng khi các nhà máy điện than được chuyển đổi sang tiêu thụ nhiên liệu khí và đảm bảo công suất dự phòng cho các nguồn phát điện NLTT. Sự gia tăng các nguồn cung khí đốt thiên nhiên và chuyển đổi nhiên liệu trong các nhà máy điện đã khiến khí đốt thiên nhiên trở thành nhiên liệu hóa thạch có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Trong thập kỷ vừa qua, tiêu thụ khí đốt thiên nhiên toàn cầu đã gia tăng với tốc độ trung bình hàng năm đạt 2,9% so với mức 1,5%/năm của dầu và 0,9% đối với nhiên liệu than.
Tiêu thụ khí tự nhiên toàn cầu và Tiêu thụ và sản xuất khí tự nhiên của các nước Chau Á không thuộc OECD (2010-2050)/tỷ phút khối/ngày. Nguồn: EIA |
Sản lượng tiêu thụ khí đốt toàn cầu sụt giảm mạnh trong năm 2020 do những tác động của đại dịch. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khí đốt sẽ phục hồi trở lại sau đợt suy giảm, tương tự như những gì xảy ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009.
Mỹ đã liên tục là nước tiêu thụ khí đốt thiên nhiên hàng đầu thế giới kể từ năm 1965. Kết thúc năm 2020, Mỹ chiếm vị trí số 1 trong số các nước tiêu thụ khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 21,8%. Trong TOP 10, xếp sau Mỹ là các quốc gia Nga, Trung Quốc, Iran, Canada, KSA, Nhật Bản, Đức, Mexico và Anh.
Tiêu thụ khí toàn cầu năm 2020. Nguồn: BP |
Sản xuất
Trong số tất cả các quốc gia sản xuất khí đốt, Mỹ cũng duy trì vị trí số 1 thế giới từ năm 2011 và tiếp tục tăng trưởng khai thác khí đốt trong giai đoạn 2011-2019. Trong năm 2020, sản lượng khai thác khí tại Mỹ đã giảm 1,9% do những tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ vững thị phần 23,7% trong cơ cấu khai thác khí toàn cầu. Sản lượng khí đốt thiên nhiên của Mỹ năm 2020 đạt 1,87 tỷ m3/ngày. Xếp sau Mỹ trong TOP 10 là các nhà sản xuất: Nga, Iran, Trung Quốc, Qatar, Canada, Úc, KSA, Na Uy và Algeria.
Xuất khẩu
Một kết quả khác của sự bùng nổ sản xuất khí đốt là sự gia tăng đáng kể sản lượng xuất khẩu loại nhiên liệu hóa thạch này. Xuất khẩu khí đốt của Mỹ cả bằng đường ống và dưới dạng nhiên liệu LNG đã tăng mạnh trong vòng 10 năm. Trong đó, xuất khẩu LNG của nước này trong năm 2020 đã tăng lên 61 tỷ m3 (năm 2010 chỉ đạt 1,5 tỷ m3). Mỹ cũng là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới, sau Úc (106,2 tỷ m3) và Qatar (106,1 tỷ m3).
Xuất khẩu khí đốt đường ống của Mỹ cũng tăng mạnh, tăng gần 3 lần trong thập kỷ vừa qua, đạt 76,1 tỷ m3 trong năm 2020. Mexico là thị trường tiêu thụ mạnh khí đốt đường ống của Mỹ với sản lượng 54,3 tỷ m3. Canada xếp ở vị trí tiếp theo với 21,8 tỷ m3.
Dự trữ
Mỹ có thể tiếp tục dẫn đầu thế giới về sản xuất khí đốt thiên nhiên trong vài năm nữa, nhưng với trữ lượng khí đốt được chứng minh không còn dồi dào, vị trí dẫn đầu của quốc gia này có thể sẽ sớm kết thúc trong tương lai gần. Để so sánh, trữ lượng khí đốt thiên nhiên đã được chứng minh của khu vực Trung Đông vào cuối năm 2017 là gần 80.000 tỷ m3, trong khi trữ lượng đã được chứng minh của Mỹ là 12.629 tỷ m3, thấp hơn 6,3 lần so với trữ lượng tại Trung Đông và chỉ chiếm 6,7% tổng trữ lượng khí đốt toàn cầu.
Bên cạnh khu vực Trung Đông, Nga cũng được đánh giá là quốc gia có trữ lượng khí đốt thiên nhiên lớn nhất thế giới với 36.811 tỷ m3. Tiếp sau Nga là Iran với trữ lượng 31.148 tỷ m3. Tổng trữ lượng khí đốt thiên nhiên toàn cầu đã được chứng minh tính đến cuối năm 2020 được đánh giá là đủ để đáp ứng sản lượng khai thác khí như hiện tại thêm 48,8 năm nữa.
Tiến Thắng