Chính sách "khoan thư sức dân" và kịch bản vượt làn sóng dịch thứ 4
Chúng ta có một tình cảm đồng bào hiếm có. Trong đau thương mất mát mới thấy được tình người, tình đồng bào ấy thiêng liêng như thế nào.
Tôi nắm bắt thông tin về đại dịch Covid-19 qua rất nhiều "kênh", từ trên báo đài, mạng xã hội Facebook, tới thông tin từ anh em, bạn bè, bạn học gửi cho, nhưng có so sánh, đối chiếu và sàng lọc để nhận diện thông tin xác thực nhất. Rất nhiều câu chuyện, hình ảnh về truyền thống yêu nước, thương nòi, tương thân, tương ái của người dân Việt Nam trong khi đương đầu với dịch bệnh, vô cùng xúc động.
Đó là hình ảnh các địa phương ít chịu tác động của dịch bệnh, bà con gói bánh, làm giò, làm ruốc gửi vào TPHCM. Các tổ chức, cá nhân, các "Mạnh Thường Quân" làm từ thiện, hỗ trợ người dân khốn khó hết đợt này tới đợt khác không mảy may suy nghĩ.
Có những y, bác sĩ ghìm nỗi đau thương vào bên trong khi nhận tin người thân là mẹ cha từ trần, kiên trì điều trị cho người bệnh tới hết ca trực của mình, rồi lặng lẽ ra một góc nhà để khóc. Đồng đội biết chuyện lập bàn thờ để họ cúng vọng cha mẹ ngay trong bệnh viện dã chiến hay khu cách ly…
Khi Thủ tướng phát động xây dựng Quỹ vắc xin phòng Covid-19 thì cũng là lúc để người dân bộc lộ cao nhất quyền công dân của mình và lôi cuốn được rất nhiều người tham gia, từ cụ già có vài chục triệu tiền tiết kiệm đến những cháu bé đóng góp vài chục ngàn tiền ăn sáng. Tôi đánh giá cao các doanh nhân Việt Nam yêu nước đã sẵn sàng bỏ ra cả trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng để chia sẻ trách nhiệm cùng Nhà nước phòng chống dịch bệnh.
Chúng ta có một tình cảm đồng bào hiếm có. Trong đau thương mất mát mới thấy được tình người, tình đồng bào ấy thiêng liêng như thế nào.
Đại dịch Covid-19 năm nay có diễn biến khác với năm 2020 rất nhiều. Biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh hơn, độc lực của nó mạnh hơn với độ nguy hiểm cao hơn. Với đặc điểm đó, vũ khí để phòng ngừa và chống đỡ đại dịch lần này không chỉ là 5K, mà chủ công chính là vắc xin.
Nếu những tháng đầu năm nay, kinh tế phục hồi được là nhờ vào mấy tháng cuối năm 2020 khá yên ổn, thì từ cuối tháng 4/2021 khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 trở lại, cũng là lúc những gian khó ập đến với Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Với người dân, doanh nghiệp cũng vậy. Năm ngoái không chỉ dịch bệnh, mà có cả thiên tai, bão lũ lịch sử tàn phá nhiều tỉnh miền Trung ruột thịt. Sức kháng cự của người dân, doanh nghiệp với khó khăn, dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng rất nhiều tới sản xuất, tiêu dùng so với trước.
Chúng ta đã rất bình tĩnh để tìm ra những phương pháp thích ứng với dịch bệnh. Nếu trước đây chúng ta triển khai đồng bộ việc khoanh vùng, truy vết dập dịch, thì bây giờ không chỉ tiếp tục duy trì hợp lý những biện pháp ấy ở những địa bàn trọng điểm, mà còn phải tiếp tục củng cố các giải pháp kết hợp giữa 5K và tiêm phòng vắc xin.
Việc duy trì phương pháp chống dịch chung của cả nước phải đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo của các địa phương. Dịch bệnh lây lan giống nhau nhưng cách chống dịch, dập dịch có một số nơi khác nhau, do phản ứng nhanh chậm khác nhau, nên dẫn tới hệ quả khác nhau.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đều tham gia vào việc phát động nhân dân chống dịch. "Lời hiệu triệu" lần thứ 2 của Tổng Bí thư cho thấy mức độ chống đỡ dịch bệnh đã ở mức độ cam go như thế nào. Rồi Chủ tịch nước, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc xông xáo, đi vào tâm dịch, nơi có nguy cơ lây lan cao nhất để kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tình hình và đưa ra những chỉ đạo ứng phó.
Quốc hội vừa qua cũng đã rút ngắn kỳ họp 2 lần; lần thứ nhất rút ngắn 5 ngày, lần thứ 2 rút ngắn 3 ngày họp để các đại biểu Quốc hội trở về địa phương cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tham gia chống dịch. Quốc hội cũng bổ sung vào nghị quyết của kỳ họp các vấn đề rất quan trọng liên quan đến phòng chống dịch. Có thể thấy cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng và người dân, đặc biệt là ở tuyến đầu, đều đã và đang căng mình ra chống dịch. Đây là lúc mà ý chí vươn lên rất mạnh mẽ của người dân Việt Nam được thể hiện, không bao giờ chùn bước trước gian nan.
Đại dịch vẫn đang tiếp tục khó lường, diễn biến phức tạp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và bây giờ đang có dấu hiệu loang ra ở các tỉnh miền Trung.
Hiện tại TPHCM đang phải đối diện với một khó khăn rất lớn, đó là làn sóng người lao động ngụ cư ở TPHCM có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh tìm đường khăn gói trở về quê, vì cuộc sống quá thúc bách. Họ đã cầm cự suốt thời gian qua nhờ sự tiếp sức của chính quyền và những nhà hảo tâm trong việc cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt ở mức tối thiểu, nhưng đến giờ không thể chịu đựng nổi nữa. Tiền thuê nhà, tiền mua thức ăn hàng ngày ở mức tối thiểu đều đã trở nên quá sức với họ, đã đến hồi cạn kiệt.
Tôi đọc báo, nghe bạn bè, anh em kể lại, cuộc sống vô cùng khó khăn của người lao động. Có người không có tiền chi trả, có người bị chủ nhà đuổi ra khỏi nhà. Tôi thấy rất đau buồn và xót xa!
Nhiệm vụ bây giờ đặt ra cho TPHCM là làm sao đảm bảo cuộc sống cho họ ở mức tối thiểu nhất. Họ đã cạn kiệt nguồn tiền tiêu dùng rồi. Điều đó phải được xem xét thấu đáo và cấp bách hơn lúc nào hết.
Nhà nước đã có những gói cứu trợ, gần đây nhất là gói 26.000 tỷ đồng. Phải tìm thêm các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn dịch bệnh, cứu người và hạn chế tử vong ở mức thấp nhất.
Chúng ta cũng phải ước lệ thời gian khống chế dịch bệnh, để có kịch bản và chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường, thích nghi với lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bảo đảm cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Tôi cho rằng có mấy công việc các cấp cần phải quan tâm.
Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin với tỷ lệ càng cao càng tốt. Nếu lúc trước chúng ta đặt ra mục tiêu sẽ tiêm được 70-80% thì bây giờ, với diễn biến tình hình mới, có thể phải đặt mục tiêu tiêm chủng 100% càng tốt. Bằng mọi cách để tìm nguồn vắc xin, thúc đẩy nhiều nguồn, nhiều kênh hơn nữa; không chỉ mua ở nước ngoài, nhận tài trợ mà phải xúc tiến khẩn trương các quy trình, thủ tục rút gọn để nhanh chóng sản xuất vắc xin trong nước. Đó chính là tự chủ, tự lực, tự cường và cũng là một trong những nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, đồng thời với chống dịch, phải sơ kết, tổng kết thường xuyên các phương pháp chống dịch trong thời gian qua để khắc phục ngay những hạn chế đáng tiếc. Đã có những bài học rút ra từ dịch bệnh, nhưng do chưa được tổng kết, đánh giá cụ thể, nên chưa đúc rút thành những kinh nghiệm sâu sắc cả về cách thức lãnh đạo, quản lý và phương án, phác đồ điều trị dưới góc độ chuyên môn. Đến giờ, việc chuyển trạng thái và phương pháp chống dịch, như việc phân chia thành các tầng điều trị bệnh nhân là phù hợp với mức độ nặng nhẹ và sự lây nhiễm ở các đối tượng khác nhau.
Khi giãn cách xã hội phải lấy ý thức công dân làm trọng, thực hiện tốt các mục tiêu khác, chứ bây giờ tôi thấy vẫn cứng nhắc quá trong việc phong tỏa, cách ly tập trung, vô hình trung làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông của các quan hệ kinh tế- xã hội. Phương pháp đó có thể phù hợp với giai đoạn đầu, khi nguồn lây dễ phát hiện, nhưng bây giờ mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh, không triệu chứng, truy vết khó khăn nên phải thay đổi cho phù hợp.
Thứ ba, phải thúc đẩy nhanh các chiến lược thích ứng với hậu đại dịch, trong đó có củng cố các dự án thu hút đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới để thu hút đối tác cả trong và nước ngoài. Phải tính tới các gói kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân. Sức chống đỡ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình cần được điều tra kỹ lưỡng, bởi dịch bệnh đã làm năng lực tài chính của họ suy kiệt rồi.
Về chính sách tài khóa cũng vậy, phải tiết kiệm chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên ở các cấp, các ngành. Nghị quyết của Quốc hội, chính sách của Chính phủ đã có rồi, nhưng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở phương diện tài khóa cũng cần xem xét để giãn, hoãn, miễn thuế cho từng đối tượng phù hợp, phân loại ra các doanh nghiệp, hộ gia đình thực sự gặp khó khăn trong 2 năm qua. Tôi ví dụ, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đương nhiên phải đóng cửa trong đại dịch, nhiều công ty phải đóng cửa vì không tiêu thụ được sản phẩm, không có nguồn nhiên liệu, thu không đủ chi. Đặc biệt những ngành nghề như hàng không, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng đóng cửa hoàn toàn. Đấy chính là chính sách nhằm "khoan thư sức dân" để nuôi dưỡng nguồn thu về sau.
Ngoài ra, cũng phải tính tới các kế sách lâu dài khác đảm bảo an sinh cho người dân. Có thể phải tính tới việc điều chỉnh một số mục tiêu phát triển kinh tế, mặc dù con số về sản xuất, tiêu dùng mấy tháng đầu năm 2021 là khả quan, nhưng đó là do những kết quả gối đầu cuối năm ngoái, năm nay chỉ có 4 tháng yên ổn làm ăn thôi. Thế nên những tháng cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng phải tính tới kịch bản điều chỉnh mục tiêu năm nay cho phù hợp, làm sao lượng được sức mình cho phù hợp để mà phấn đấu, không cố căng mình ra đạt bằng được cả hai mục tiêu thì rất khó.
Chúng ta thực hiện chống dịch quyết liệt nhưng phải duy trì sản xuất kinh doanh để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hai mục tiêu đó tùy hoàn cảnh cụ thể để điều chỉnh sự tập trung mọi nguồn lực cho phù hợp.
Đồng thời, cũng phải có kịch bản chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh lần thứ 5 với chủng virus mới mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo là sẽ phức tạp hơn có thể quay trở lại. Đây là khoảng thời gian giữa năm, thời điểm thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt, nên phải lường trước để chuẩn bị đối phó cho phù hợp với thảm họa kép có thể xảy ra.
Bức tranh dịch bệnh, thiên tai năm 2021 chắc chắn rất phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương, và với ý chí vươn lên mạnh mẽ của từng người dân, tôi tin rằng chúng ta có thể sớm vượt qua đại dịch này.
Theo Dân trí
Na Uy: Biểu tình rầm rộ chống chính sách dầu mỏ |
Hà Nội: Giải ngân hơn 10 tỷ đồng trả lương ngừng việc cho 2.279 lao động |
Miễn, giảm 138.000 tỷ đồng tiền thuế: Mong đợi "gói" bổ sung |