Bí mật hang Phia Muồn
(Petrotimes) - Người Việt từ đâu đến, đã tồn tại trên dải đất hình chữ S từ bao giờ là một câu hỏi mà đáp án của nó sẽ còn phải thay đổi theo thời gian. Là bởi, những phát hiện khảo cổ ở đâu đó từ khắp nơi sẽ chứng minh quan niệm mới và bác bỏ quan niệm cũ về sự tồn tại của loài người. Những phát hiện từ hang Phia Muồn, bản Nà Lạ, xã Sơn Phú, Na Hang, Tuyên Quang biết đâu cũng chứng minh được điều gì đó.
Vượt rừng vào hang Phia Muồn
Hang Phia Muồn! Cái tên nghe lạ hoắc trên bản đồ khảo cổ nước ta. Từ miền rừng hoang vu, cái thông tin về hang Phia Muồn nghe đâu đó như một câu chuyện huyền thoại. Bí mật về hang Phia Muồn bắt đầu từ việc anh Bàn Hữu Chiêu, giáo viên ở Trường tiểu học Sơn Phú đi rừng nhặt được một chiếc rìu. Chiếc rìu nhỏ bằng khoảng 3 đầu ngón tay, được làm bằng đá có màu trắng xám rất mịn, cán rìu nhẵn thín và mòn vẹt một bên, chứng tỏ nó đã được sử dụng rất nhiều. Anh Chiêu vốn từng là dân sơn tràng từ nhỏ, mọi thứ dao rựa, giáo mác, rìu búa của người miền này anh đều rất quen thuộc nên khi trông thấy chiếc rìu với hình dáng lạ như thế, anh Chiêu không khỏi hoài nghi. Ở giữa khu rừng già không dấu chân người, ngàn đời nay chỉ có lau lách và cỏ dại như thế này lại có một chiếc rìu đá trắng “không giống ai” nên anh Chiêu sinh nghi, anh bèn cầm chiếc rìu băng rừng chạy về nhà.
Trưởng bản Triệu Sơn Phú đang tìm những dấu tích còn lại
Nhưng rồi những ngày sau đó, anh chẳng chú ý gì đến việc ấy nữa. Chiếc rìu lạ vẫn ở yên trong gùi ngô treo ở góc nhà. Cho đến một ngày, anh Chiêu mơ một giấc mơ rất lạ. Anh Chiêu kể: “Mấy ngày liền, tôi đều mơ một giấc mơ giống nhau. Tôi nhìn thấy cả một đám người vừa giống người, vừa giống vượn cầm giáo hú hét quanh một con vật vừa săn được trên bãi đá. Họ ăn thịt sống, uống nước suối và ngủ ở trong hang. Khi phát hiện thấy tôi, cả bầy người hò hét lao theo ném đá, phóng tên tới tấp. Tôi sợ hãi băng rừng bỏ chạy, chạy đến khi cuồng chân ngã dúi dụi thì tỉnh dậy. Mấy ngày liền đều mơ tương tự như nhau nên tôi bắt đầu thấy hoang mang”.
Vốn có chút hiểu biết về lịch sử và cùng lúc đó anh chợt nhớ ra chiếc rìu đá mà anh nhặt được trong khu rừng hoang lạnh dưới chân núi Phia Muồn kia biết đâu là của người tiền sử và giấc mơ lạ là một điềm báo hoặc thông tin gì đó từ quá khứ xa xưa truyền về. Nhưng rồi anh cũng cho rằng, chắc bị ám ảnh bởi chiếc rìu mà anh nghi của bầy người vượn, ám ảnh quá nên nằm mơ chứ thực ra chẳng có mối dây liên hệ nào giữa những chuyện này.
Sau đó, anh đem chiếc rìu đá lên xã nộp lại cho cán bộ văn hóa xã, rồi từ xã nộp lên huyện. Và cũng từ đó, người dân huyện Na Hang bắt đầu quan tâm thông tin về hang Phia Muồn. Nhiều người khẳng định, hang Phia Muồn là nơi vua chúa ở, là chỗ để cất giấu những kho báu cổ xưa. Cũng từ những thông tin này, người ta tiếp tục thêu dệt những câu chuyện vô cùng kỳ bí đến khó tin về hang Phia Muồn.
Sau khi cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang báo cáo sự việc lên Viện Khảo cổ học, các chuyện gia của Viện đã lập tức lên đường để tìm hiểu sự thật về hang Phia Muồn và lên phương án khai quật một số khu vực trong hang.
Qua quá trình tìm hiểu trong dân, PGS.TS Trình Năng Chung - một nhà khảo cổ học hàng đầu Việt Nam hiện nay, biết được một số thông tin quý giá: Việc phát hiện ra hang Phia Muồn đã từ hàng trăm năm trước. Cụ La Văn Lạc (86 tuổi) ở bản Nà Lạ cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi đã được nghe các cụ già trong bản kể về hang Phia Muồn. Các cụ bảo rằng, đó là nơi thánh thần ngự trị, phù hộ cho bản làng tốt tươi mùa vụ nên vào những dịp lễ tết, chúng tôi đều cố gắng vào đó để thắp hương ở cửa hang”.
Đường vào hang Phia Muồn
Thế rồi, theo thời gian, Phia Muồn rơi vào quên lãng. Là bởi vì, địa hình quá hiểm trở và nguy hiểm, cách biệt quá xa khu dân cư, phần nữa thời đó vẫn còn nhiều thú dữ nên không ai dám đến. Mãi đến năm 2000, một toán thợ xẻ người Nam Định, Thái Bình đã vô tình phát hiện ra cửa hang. Theo lời anh Chiểu kể lại, cách nay khoảng 20 năm, cả xã Sơn Phú chỉ lác đác vài nóc chòi coi nương, nhà ở thì rất ít, cả một vùng rộng lớn khi đó chỉ là hoang lạnh với rừng rậm và thú dữ. Chẳng ai dại gì mà đặt chân vào chốn này ngoài đám thợ xẻ liều lĩnh từ dưới xuôi lên. Đám thợ xẻ thường tụ tập theo nhóm khoảng 10 người, mang cưa tay cùng nồi niêu, lương thực vào rừng sống như người tiền sử để xẻ gỗ. Mỗi chuyến họ đi cơ chừng cũng vài tháng. Ngày thì họ hạ cây lấy gỗ, đêm thì dựng lán tạm, đốt lửa xua thú để ngủ. Trong một lần tránh mưa bão, họ vô tình phát hiện ra hang Phia Muồn và từ đó, hang Phia Muồn trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những kẻ hải hồ lang bạt lạc vào rừng Sơn Phú.
Cũng bởi sự tò mò, chúng tôi đã “liều lĩnh” đề nghị anh Triệu Sơn Phú, Trưởng bản Nà Lạ dẫn chúng tôi vào hang Phia Muồn. Anh Phú năm nay 32 tuổi, người khô quắt nhưng rắn rỏi và nhanh nhẹn như một con sóc. Anh uống rượu ngô bằng bát, ăn nói ồm oàm và tính tình thì thẳng thật vô cùng. Nhìn chúng tôi, anh quả quyết: “Chúng mày không đủ sức đi vào đó đâu”. Chúng tôi thì cũng đã mường tượng ra sự khó khăn rừng rú: Từ bản Nà Lạ vào đến hang mất khoảng 6km đường rừng, phải đi bộ, sáng đó trời mưa nên đường có thể hơi trơn. Chỉ thế thôi nhưng trưởng bản vẫn lắc đầu, phải thuyết phục mãi, anh mới miễn cưỡng đồng ý.
Mãi đến khi lên đường chúng tôi mới hiểu lý do anh Phú ngần ngại. Đại loại là: đường đi rất dốc, là đường rừng, có đoạn mất hẳn dấu đường vì cây dại mọc cao quá đầu người. Anh Phú đi trước, dùng dao phát cây mở đường đi nên tốc độ đi rất chậm. Đường mưa trơn trượt, một bên là vực sâu hoắm, xảy chân là toi mạng nên không ai dám đi nhanh, chỉ rờ rẫm từng bước một. Có đoạn dốc dài trơn quá, chúng tôi đành ngồi bệt xuống rồi… xển cho an toàn. Nửa đường là đi, nửa đường là xển, chỉ có 6 cây số mà chúng tôi đi mất gần 10 tiếng đồng hồ.
PGS.TS Trình Năng Chung và các cộng sự của mình đang tiến hàng khai quật mộ cổ ở hang Phia Muồn
Hang Phia Muồn thực ra là một hàm ếch khổng lồ, chẳng hiểu thiên tạo vần vũ thế nào mà dưới chân ngọn núi lừng lững bị ngoạm vào một miếng sâu hoắm. Miếng ngoạm ấy cao bằng khoảng 5 tầng nhà, rộng chừng 100m2. Trên lưng chừng hàm ếch là một hang dài sâu khoảng 30m, bên trong mạng nhện và cỏ dại đã giăng kín. Đã nhiều năm nay, khi cánh phu gỗ không còn hoạt động nữa, cánh rừng này hầu như không có chân người đặt đến.
Hé lộ bí mật
Có lẽ, người hiểu rõ những bí mật về hang Phia Muồn là PGS.TS Trình Năng Chung. TS Chung đã cùng mấy học trò của mình không quản ngại khó khăn vượt rừng vào đây để… đào mộ. TS Chung cho biết: “Chuyến đi đó dài một tháng và là đợt khai quật thú vị nhất tôi từng tham gia”. Từ khi đặt chân đến bản Nà Lạ, nhìn qua địa hình, địa chất nơi này, TS Chung đã cảm nhận thấy rằng, đây là mảnh đất chắc chắn ẩn dấu rất nhiều điều bí mật. Tại đây, ông Chung đã lặn lội, gõ cửa tìm đến nhà các bậc già làng, trưởng bản ở một số khu vực có dân sống gần đó để tìm hiểu về nguồn gốc và những truyền thuyết của hang Phia Muồn.
Theo kinh nghiệm làm khảo cổ của TS Chung, những hang động có di chỉ, mộ táng như Phia Muồn thường gắn liền với những huyền thoại. Để làm an lòng người dân bản địa và những người tham gia đoàn khảo cứu, TS Chung đã làm lễ cúng theo phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Sau khi làm lễ động thổ, TS Chung đã trực tiếp bổ nhát cuốc đầu tiên để thăm dò. Khi đào sâu được khoảng 40cm, đoàn khảo cổ phát hiện nhiều công cụ bằng đá và các dấu tích cổ như: than tro, vỏ ốc suối, ốc núi, các vật dụng sinh hoạt và nhiều xương động vật vương vãi.
Phát hiện di cốt người tại Phia Muồn
Theo phán đoán ban đầu, với những dấu tích đã phát lộ, thì Phia Muồn sẽ có những di vật của mộ táng đi kèm. Ông Chung cho rằng, khi tiếp xúc với mộ cốt là đã động chạm tới nơi an nghỉ của tổ tiên. Ông nhắc các thành viên trong đoàn cần cẩn trọng và nhẹ nhàng hơn khi tiến hành cuộc thăm dò, đặc biệt khi gặp hài cốt người.
Kết quả của cuộc khảo sát đã thành công mỹ mãn. Có thể nói, Phia Muồn là một trong những nơi chứng minh rõ nhất về loài người thời tiền sử, đặc biệt là cách an táng người đã khuất. Theo TS Chung, những bộ di cốt được an táng theo cách thức đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng được các nhà khảo cổ đặc biệt lưu tâm tại hang Phia Muồn.
Tại ngôi mộ thứ nhất, đoàn khảo cổ tìm thấy một bộ di cốt trong tư thế nằm ngửa, phía dưới cổ đặt một nồi gốm to với hoa văn thừng sắc nét và những dấu vết ám khói. Người chết được rải đá dọc trên thân thể, kèm theo là hàng chục công cụ tùy táng được chôn cất cùng hài cốt. Trong khi đó, thông thường một người chết thời kỳ này chỉ được táng kèm theo 1-2 công cụ. Theo TS Trình Năng Chung, điều này chứng tỏ người chết khi còn sống trong cộng đồng đã giữ một vị trí, vai trò quan trọng nào đó.
"Đoàn khảo cổ đã tìm thấy 12 phần mộ và khoảng 1.000 di vật tại Phia Muồn. Trong số những di vật thu lượm được thì nhiều nhất là các công cụ lao động đá mài và ghè đẽo, di vật được xem là khá đặc biệt là dấu tích của vỏ ốc biển. Hiện, chúng tôi đã khoanh vùng và cử người bảo vệ nghiêm ngặt di chỉ hang Phia Muồn”.
Tại một ngôi mộ khác, các nhà khảo cổ lại phát hiện những đặc điểm rất đặc biệt. Xung quanh người chết được cắm dọc những phiến đá dài chừng 40cm tạo thành một huyệt mộ hình bầu dục. Hiện tượng này rất hiếm gặp, hầu như mới xuất hiện tại Việt Nam 1 đến 2 lần trong số hàng nghìn cuộc khai quật. Lý giải về việc tất cả các mộ cốt đều có đá rải kèm trên cơ thể, TS Trình Năng Chung xác định: “Đây vừa là cách đánh dấu huyệt mộ, vừa xuất phát từ quan điểm “vạn vật hữu linh” của tộc người thời đồ đá. Người xưa cho rằng: Con người sinh ra từ đá và chết đi lại trở về với đá. Đá chính là nơi trú ngụ của linh hồn”.
Cho đến nay, tư thế chôn vẫn được các nhà khảo cổ Việt Nam xem là độc đáo hơn cả. Với tư thế chôn nằm nghiêng, bó gối, co tay tại ngôi mộ số 1 và 12 được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là cách an táng dựa trên quan điểm người chết sẽ trở về trạng thái ban đầu khi còn trong bào thai và hy vọng kiếp sau người chết sẽ được trở lại làm người. Cũng có ý kiến cho rằng, tư thế chôn này thể hiện sự mâu thuẫn trong nhân sinh quan và thế giới quan của người tiền sử. Nghĩa là, người chết thường được chôn ngay nơi ở để được gần gũi với những thành viên khác trong gia đình. Nhưng do những người còn sống lo sợ việc linh hồn người quá cố sẽ quấy rầy cuộc sống của họ, nên khi chôn, người chết thường bị bó chặt chân tay để không thể quấy rầy người còn sống.
Ốc biển có tại hang Phia Muồn
"Ngoài những vỏ ốc biển được tìm thấy tại hang Phia Muồn, chúng tôi còn tìm thấy hai tầng văn hóa thuộc về thời kỳ hậu đá mới (cách đây khoảng 4.000 năm) và văn hóa Hòa Bình muộn (cách đây khoảng 6.000 năm). Giữa hai tầng văn hóa này, người ta lại không thấy có sự cách quãng mà là sự nối tiếp liên tục giữa các thời kỳ. Đây cũng là hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử Việt Nam”, TS Chung cho biết.
Thực tế, qua thời gian, nhiều học giả đã bỏ công sức nghiên cứu tìm ra đích xác nguồn gốc người Việt Nam. Truyền thuyết thì ghi rõ là Âu Lạc (Lạc Long Quân và Âu Cơ) chính là tổ tiên của người Việt Nam. Phát tích của Âu Cơ là vùng đồi núi phía bắc nước ta (Âu Cơ là tiên nữ trên núi cao). Do đó, sau khi đã sinh ra trăm con, 50 người con lại theo mẹ lên núi và 50 người con thì theo cha xuống đồng bằng và biển.
Phân tích khoa học, các nhà nghiên cứu thì cho rằng, người Việt cổ là sự pha trộn giữa người bản địa (có thể có người vượn Việt nhưng chưa tìm thấy chứng cứ khoa học nào) và các tộc người dân tộc sống rải rác ở vùng đồng bằng và đồi núi Bắc Bộ cộng với sự di cư của các tộc người gốc thuộc vùng quần đảo Polynesia.
Ý kiến khác thì cho rằng, nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là ở Mã Lai. Một ý kiến khác nữa, cương vực của người Việt cổ gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây, kéo dài lên đến Động Đình Hồ và phía nam sông Dương Tử (Trường Giang) của Trung Quốc (còn gọi là Hoa Nam). Người Việt cổ, có thể nói, đã đạt đến sự văn minh cao độ trong trồng trọt và chăn nuôi (điển hình là văn minh lúa nước và thuần hóa vật nuôi như trâu, bò, chó, các loại gia cầm). Thời gian trôi qua, lưu vực sinh sống của người Việt ngày nay đã lui về phương Nam, nhường vùng Hoa Nam lại cho người Trung Hoa.
Tất cả những ý kiến này mới chỉ ở dạng phỏng đoán mơ hồ mà chưa có các chứng cứ khoa học!
Trở lại câu chuyện về hang Phia Muồn, những bí mật ở đây mới chỉ hé lộ. Sẽ còn rất nhiều thông tin vô cùng lý thú khác được khai mở khi các nhà khoa học phân tích kỹ những dấu tích cùng di vật thu được tại đây. Hang Phia Muồn với những đặc điểm dị biệt của mình biết đâu lại chứa tải những thông điệp xưa cũ về nguồn gốc người Việt, về cội nguồn đích thực của tổ tiên. Chúng ta hãy cùng chờ đợi!
Phóng sự của Vũ Minh Tiến
(Năng lượng Mới số 156, ra thứ Ba ngày 18/9/2012)