Chứng khoán 24/8: P/E còn 15,6 lần, mặt bằng định giá cổ phiếu đã hấp dẫn hơn
Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên quản trị danh mục ngắn hạn, song đã xuất hiện những điểm hỗ trợ để giải ngân với nhịp độ vừa phải trong phiên khi mặt bằng định giá cổ phiếu đã hấp dẫn hơn.
Đà giảm có thể không kéo dài lâu
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Lực bán mạnh về cuối phiên kích hoạt tâm lý khá tiêu cực và tạo hiệu ứng dây chuyền trên thị trường. Mặc dù vậy, điểm tích cực là thanh khoản cả về giá trị lẫn khối lượng chưa thực sự đột biến, cho thấy đà giảm có thể sẽ không kéo dài lâu.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, VCBS cho rằng nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý đến chuyện hạn chế rủi ro và bảo vệ thành quả đầu tư sau một giai đoạn chỉ số chung đã tăng điểm tích cực trước đó
VCBS bảo lưu quan điểm đã đưa ra ở các phiên giao dịch trước, theo đó nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời danh mục ngắn hạn và loại bỏ các cổ phiếu đầu cơ ra khỏi danh mục, đồng thời hạ tỷ trọng đòn bẩy và chú ý tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư với các mức cắt lỗ đã đề ra của các cổ phiếu đang nắm giữ trong danh mục hiện tại
Thị trường đang gần các ngưỡng cân bằng quan trọng
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Sau chu kỳ thị trường tăng điểm và không thể vượt lên các ngưỡng kháng cự mạnh, nhịp đảo chiều đã bắt đầu hình thành từ phiên cuối tuần trước (ngày 20/8) và kéo dài qua phiên giao dịch hôm qua.
Với nhịp đảo chiều quá mạnh là thị trường mất đi rất nhiều điểm số, tuy nhiên VDSC nhận thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đang gần các ngưỡng cân bằng quan trọng và ở đây có thể sẽ thu hút dòng tiền thông minh quay lại.
Do vậy, các nhà đầu tư có thể theo dõi chặt diễn biến và tham gia giải ngân với nhịp độ vừa phải trong phiên tiếp theo nếu thị trường phản ứng tích cực tại những mốc cân bằng ngắn hạn.
Nhịp giảm là cơ hội tích lũy cho chiến lược đầu tư 3-6 tháng
Công ty chứng khoán MB (MBS)
Thêm một phiên giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tâm lý lo lắng về covid đang bao trùm, mức giảm phiên hôm qua khá mạnh và gần tương đương với phiên giảm sâu nhất cuối tuần vừa qua.
Về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế, chỉ số VN-Index đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo ngày.
Ngoài chỉ số, yếu tố thanh khoản cũng là điểm đáng chú ý trong 2 phiên vừa qua, nếu mức thanh khoản bình quân kể từ đầu tháng 8 xoay quanh 20.000 tỷ đồng thì với mức giảm 5,2% trong 2 phiên vừa qua, thanh khoản khớp lệnh bình quân lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, đã có một lượng cổ phiếu lớn được trao tay, trong đó một phần là lượng cổ phiếu cũ và một phần là lượng hàng bắt đáy mới.
Với thanh khoản bình quân trước 2 phiên giảm vừa qua thì lượng margin trên thị trường là không đáng ngại do thị trường chủ yếu đi ngang. Do vậy, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới khi dòng tiền đứng ngoài đã giải ngân 2 phiên liên tiếp.
Vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.200-1.250 điểm
Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)
VN-Index có phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp và thanh khoản tuy có suy giảm so với phiên giảm mạnh cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh.
Bên cạnh đó, khối ngoại duy trì đà bán ròng với khoảng 400 tỷ đồng trên hai sàn khiến cho diễn biến giao dịch càng trở nên tiêu cực hơn.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh và dư địa giảm hiện tại là vẫn còn. Do đó, trong phiên giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.200-1.250 điểm (trendline nối các đáy từ 2020 đến nay).
Nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ trong khoảng 1.200-1.250 điểm để giải ngân trở lại. Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn không nên bán tháo trong những phiên giảm mà nên đợi những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng.
Thử thách tại vùng hỗ trợ 1.300 - 1.292 điểm trước khi xác định tiếp xu hướng
Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Chỉ số VN-Index giảm mạnh 2,3% với áp lực trên diện rộng, trong đó chỉ số VN30 giảm 2,65% gây tác động mạnh nhất lên thị trường. Khối lượng giao dịch chung tuy sụt giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao nằm tại đường trung bình 50 ngày cho thấy áp lực bán ra vẫn còn đang mạnh.
Sau phiên giảm điểm đầu tuần, chỉ số VN-Index đã đi về gần vùng hỗ trợ 1.300 - 1.292 điểm và xu hướng trung hạn đã chuyển sang trung tính. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index thử thách lại vùng hỗ trợ này trước khi xác định xu hướng tiếp theo.
Nên tăng tỷ trọng tiền mặt để quản trị rủi ro
Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco)
Sau khi điều chỉnh mạnh trong phiên thứ 6 tuần trước, thị trường tiếp tục bị bán mạnh và VN-Index thủng mốc hỗ trợ quan trọng 1.300 điểm với thanh khoản duy trì ở mức cao (gần 26.000 tỷ đồng).
Dòng chứng khoán, hóa chất mặc dù tiếp tục tăng mạnh nhưng không đủ sức kéo thị trường khi các trụ cột như ngân hàng, bất động sản đều giảm sâu.
Cần lưu ý là sau phiên hôm qua, thị trường đã thủng ngưỡng MA100 và có thể sẽ tạo áp lực tâm lý tiêu cực về xu hướng trung và dài hạn. Mặc dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã trở nên hấp dẫn hơn với mức P/E 15,6 lần, khá hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực.
Nhìn chung giai đoạn này lực bán vẫn đang áp đảo, đặc biệt khi dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp và khả năng cao lợi nhuận doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nặng trong quý III.
Nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng tiền mặt giai đoạn này để quản trị rủi ro trước những diễn biến thị trường, trường hợp giải ngân có thể quan sát khi VN-Index về vùng hỗ trợ quanh 1.280 điểm, tập trung những cổ phiếu đầu ngành và ưu tiên những mã đã có sẵn trong danh mục.
Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.
Theo Dân trí