Ai được lợi nhất khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan?
(PetroTimes) - Taliban tái chiếm Kabul sau 20 năm sau sự rút lui của quân đội Mỹ và sự thất bại của nhà nước Afghanistan bất chấp việc Washington đã đầu tư hàng tỷ USD để tránh viễn cảnh này xảy ra. Hiện nay, Taliban đang cố gắng hợp pháp hóa quyền lực của mình trong mắt các cường quốc trong khu vực.
Phái đoàn Taliban tham dự hội đàm với chính phủ Afghanistan tại Doha |
Taliban tiến vào Kabul vào ngày 15/8, 20 năm sau khi rời thủ đô Afghanistan. Trước đó cũng trong ngày 15/8, Tổng thống Ashraf Ghani đã rời khỏi nước này ra nước ngoài. Ôm súng Kalashnikov, các chiến binh Hồi giáo Taliban đã dễ dàng tiến vào dinh tổng thống trống không, do đó không gây đổ máu. Trên mái dinh tổng thống, họ đã thay thế lá cờ chính thức của Afghanistan bằng lá cờ riêng của mình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn với kênh Al Jazeera của Qatar, Mullah Abdul Ghani Baradar, người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban, tuyên bố chiến thắng của họ "nhờ kiếm và súng trường". Tuy nhiên, như để trấn an, Baradar khẳng định rằng kiếm và súng trường của họ từ nay về sau sẽ bảo vệ “danh dự, tài sản và cuộc sống của người dân Afghanistan”. Hai ngày sau khi giành lại chính quyền ở Kabul, ngày 17/8, phe Taliban đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Afghanistan, khẳng định đã "tha thứ" cho các đối thủ của họ và tuyên bố sẽ bảo vệ các quyền của phụ nữ "theo đúng luật Hồi giáo".
Chỉ trong vài tuần, lực lượng Hồi giáo Taliban đã kiểm soát 26 trong số 34 thủ phủ cấp tỉnh của Afghanistan. Faisal Aminollah, chuyên gia về Trung Đông cho biết: “Cuộc tấn công này có thể dự đoán được với một số yếu tố. Đó là do tình trạng tham nhũng phổ biến trong nhà nước và quân đội Afghanistan, đầu tư công thất bại và thiếu kiểm soát. Không quân có những chiếc máy bay lỗi thời, Cessna 208 cũng như Super Tucano". "Ngoài ra còn do ảnh hưởng của Pakistan. Nước này cung cấp viện trợ quân sự, tài chính và y tế cho Taliban. Trong số 100.000 quân Taliban thực hiện chiến dịch chiếm chính quyền lần này, có từ 10 đến 20.000 người Pakistan”, ông Aminollah nói với Sputnik. "Taliban cũng hưởng lợi từ thỏa thuận hòa bình Doha vào năm 2020 (ký giữa Taliban và Mỹ). Thỏa thuận này là một cách hợp pháp hóa vai trò chính trị của Taliban, gây bất lợi cho chính quyền Kabul", Aminollah nói thêm.
Trước thông tin về việc các phần tử Hồi giáo tiếp cận thủ đô, hàng trăm người Mỹ đã đổ xô đến sân bay để tìm cách chạy trốn, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của "cuộc chiến chống khủng bố" do chính quyền Bush phát động sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. “Mỹ đã đầu tư gần một nghìn tỷ USD, đào tạo hơn 300.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan, cung cấp thiết bị quân sự và duy trì lực lượng không quân của mình trong cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ”, Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố chính thức ngày 14/8.
Ngay từ tháng 12/2001, NATO cũng đã tham gia vào Afghanistan, nhưng Mỹ luôn đóng góp đội quân lớn nhất trong suốt cuộc xung đột, lên tới gần 98.000 quân vào năm 2011. Vào tháng 2/2020, theo số liệu của Lầu Năm Góc, trong số 16.500 binh sĩ vẫn còn ở lại Afghanistan, có 8.000 người Mỹ. Nhưng trong cuộc chiến này, hơn 1.900 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng kể từ năm 2001.
Sự phô trương lực lượng này trên hết là một cái giá cắt cổ. Từ huấn luyện quân đội Afghanistan, đến gửi thiết bị quân sự, hỗ trợ y tế, giám sát các trục chính, vận tải, hậu cần, nhiên liệu… cái giá của cuộc chiến kéo dài 20 năm này vào khoảng 800 tỷ USD. Nhưng theo một nghiên cứu của Đại học Brown, con số thực tế có thể gấp 3 lần.
Một cuộc chiến tranh phi đối xứng, nơi sức mạnh phương Tây chống lại những kẻ yếu hơn nhưng đối thủ của họ không kém thông minh. Một số cường quốc đã thực sự định vị mình trên bàn cờ Afghanistan, đặc biệt là trường hợp của Trung Quốc. "Taliban là một lực lượng chính trị và quân sự quan trọng ở Afghanistan", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc gặp Mullah Abdul Ghani Baradar tại Thiên Tân hồi tháng 7/2021. Bắc Kinh hợp tác với Taliban là muốn ổn định một khu vực biên giới. Chính quyền Trung Quốc chủ yếu lo ngại về Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (Mito), một tổ chức ly khai của người Duy Ngô Nhĩ hiện diện ở biên giới. Đổi lại, Trung Quốc hứa hẹn sẽ tăng cường đầu tư vào Afghanistan.
Nước láng giềng của Afghanistan, Iran cũng đã tiếp một phái đoàn Taliban để cố gắng làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng Afghanistan vào tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, Tehran vẫn đang tỏ ra thận trọng.
Nga cũng đang khẳng định vị thế trung lập của mình khi đối mặt với việc Taliban lên nắm quyền. Đặc phái viên Nga về các vấn đề Afghanistan Zamir Kabulov cho biết Moscow sẵn sàng làm việc với chính phủ lâm thời trong tương lai. "Taliban sẽ sử dụng các kênh ngoại giao để hợp pháp hóa quyền lực của họ", chuyên gia Aminollah cho biết. Nga thậm chí đã tập hợp các bên khác nhau của Afghanistan vào tháng 3 vừa qua, thậm chí còn mời người Mỹ, để tìm ra một giải pháp hòa bình.
Hiện có hai vấn đề nổi bật. Trước hết, dòng người tị nạn có thể là một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với chính quyền Iran và các quốc gia láng giềng khác. Nhưng khía cạnh quan trọng nhất vẫn là vấn đề an ninh. Nga, Trung Quốc và Iran muốn Taliban kiềm chế các khuynh hướng khủng bố trong nước. Hơn nữa, sự ổn định của Afghanistan sẽ là điều tiên quyết để Trung Quốc đầu tư vào nền kinh tế nước này. Lãnh thổ Afghanistan rất nhiều tài nguyên: coban, khí đốt, liti, đồng… Đây là một chiếc bánh năng lượng thu hút Trung Quốc.
“Nga, Trung Quốc và Iran đang theo logic chủ nghĩa thực dụng, đối thoại nhưng vẫn thận trọng. Khi Afghanistan bị Taliban kiểm soát vào những năm 1990, đây là nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố. Duy trì mối quan hệ thân tình với chủ nhân mới của Kabul có thể giúp loại trừ những phần tử thánh chiến. Taliban không còn logic như 20 năm trước", chuyên gia Aminollah kết luận.
"Kho báu" nghìn tỷ USD khổng lồ trong tay Taliban |
Tổng thống Afghanistan lần đầu tái xuất, tuyên bố tìm đường về nước |
Taliban ra "tối hậu thư" cho Mỹ |
H.Phan