Chính sách miễn, giảm thuế cần bao phủ rộng
Chính sách miễn, giảm thuế cần phải bao phủ được những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, các hộ kinh doanh cá thể,... Đặc biệt, cần triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, sớm đi vào cuộc sống.
Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đang khiến hàng triệu hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, các hoạt động tạm ngừng và không có doanh thu trong thời gian dài. Trong khi đó, việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn.
Hàng loạt hộ kinh doanh phải đóng cửa trong thời gian giãn cách, không có doanh thu, nhiều hộ phải trả lại mặt bằng vì hết khả năng cầm cự |
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP. Các hộ kinh doanh được thành lập, hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân, cũng góp phần huy động vốn trong nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế chung.
Vừa qua, trong dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính xây dựng, bên cạnh quy định giảm 30% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), còn có quy định giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 6 tháng cuối năm 2021, với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Giảm thuế VAT kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số ngành dịch vụ, gồm vận tải (đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chiếu phim; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch…
Trả lời trên báo chí, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam bày tỏ, chính sách hỗ trợ giảm thuế nên phân theo từng vùng cụ thể. “Với các hộ kinh doanh ở vùng dịch, gần như các hoạt động bị đóng băng, không có doanh thu để nộp thuế, có thể miễn 100% cho họ. Những hộ kinh doanh không ở vùng dịch, cũng sẽ chịu tác động chung của dịch bệnh thì có thể miễn 50%. Sự hỗ trợ này sẽ giúp các hộ kinh doanh có động lực phục hồi kinh doanh ít nhất là sau giãn cách. Tuy nhiên, mọi chính sách đều cần nhanh chóng triển khai thì mới có ý nghĩa.”
Mặt khác, có ý kiến cho rằng, các tiêu chí đặt ra để nhận hỗ trợ của các hộ kinh doanh còn khó đáp ứng và nếu đáp ứng được, thì họ lại không còn là hộ khó khăn. Nếu các tiêu chí về miễn giảm thuế, phí quá chặt chẽ sẽ là vướng mắc lớn với các hộ kinh doanh cá thể, dẫn đến khó giải quyết chính sách.
Theo báo cáo đánh giá chính sách ứng phó COVID-19 của nhóm nghiên cứu thuộc trường ĐH Kinh tế Quốc dân và tổ chức JICA, các chính sách hỗ trợ cần phải bao phủ được những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, khu vực phi chính thức và người lao động trình độ thấp,... Đặc biệt, cần triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, mới đảm bảo chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống.
Trong quá trình thực thi các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục, cũng như đối tượng được hưởng. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận việc hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.
Ngoài ra, cần lưu ý một số rủi ro như: Rủi ro thể chế làm chậm tiến độ triển khai; Rủi ro tham nhũng và sợ trách nhiệm có thể làm giảm hiệu lực và hiệu quả của việc hỗ trợ; Rủi ro chệch mục tiêu, các chính sách hỗ trợ cần hướng vào đúng và trúng đối tượng.
Cũng về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia tài chính nhấn mạnh, trong bối cảnh liên tục gặp nhiều khó khăn bất thường, khi đất nước đang phải căng mình “chống dịch như chống giặc” như hiện nay, quá trình xây dựng chính sách phải bảo đảm các quy định được đơn giản hoá tối đa, để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể tiếp cận.
“Cần tính đến việc nhiều đơn vị, hộ kinh doanh, người dân đang ở các khu vực về giãn cách xã hội, rất khó để cần các giấy tờ, các bản xác nhận trong điều kiện bình thường. Cho nên, các quy trình phải rất rõ ràng, có thể áp dụng điện tử hoá hoặc bãi bỏ, đơn giản hoá tối đa thủ tục”, PGS nói.
Còn theo PGS.TS.Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính nhận xét, kế thừa những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020 và phù hợp với điều kiện dịch bệnh những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có nhiều chính sách đến với các đối tượng khác nhau chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần tạo điều kiện về tài chính, để doanh nghiệp vượt khó tăng trưởng kinh tế, xã hội, không bỏ lại ai ở phía sau.
Tuy nhiên về mặt giải pháp, người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cần chủ động đề xuất các giải pháp hỗ trợ tới các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông để công tác hỗ trợ, phối hợp triển khai được thiết thực, phù hợp và kịp thời, tạo tiền đề cho phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Tác động từ chính sách điều hành tỷ giá của Việt Nam |
Đã giải ngân hơn 163 tỉ đồng trả lương ngừng việc |
Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hỗ trợ lao động tự do |