Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19
(PetroTimes) - Thẳng thắn trao đổi về tình hình chống dịch Covid-19, các phương án xử lý khủng hoảng... là những vấn đề chủ yếu tại Hội thảo trực tuyến “Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19 như thế nào?” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế tổ chức mới đây. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến đáng chú ý tại hội thảo
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởngCục Xúc tiến thương mại: Bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 4 với những diễn biến phức tạp, Chính phủ đang triển khai đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ vừa ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Tình trạng xuất hiện các chùm ca bệnh trong các khu công nghiệp tại Việt Nam đang rất khó lường. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý khu công nghiệp và nhà đầu tư để thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp được kiểm soát tốt, công nhân trong khu công nghiệp được cách ly tại nơi làm việc hoặc được đưa đón an toàn, hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm ngoài cộng đồng vào khu công nghiệp, nhà máy.
Ông Lee Jong Seob - Tổng giám đốc Văn phòng KOTRA Hà Nội: Đầu tư của Hàn Quốc vẫn giữ vững
Tính đến cuối tháng 6-2021, Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế số 1 trong các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 9.100 dự án và số vốn đầu tư lũy kế 72 tỉ USD. Mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 ước tính giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng đầu tư của Hàn Quốc lại tăng 43,6% cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn được giữ vững.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm 2021 của Việt Nam đã tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020. Và, nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kinh tế 5,64%, cao nhất trong khu vực. Do xuất khẩu vẫn tăng, thu hút đầu tư nước ngoài khả quan, tăng trưởng kinh tế vững chắc, Việt Nam là quốc gia cho thấy tiềm năng phát triển trong tương lai mà các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng dịch Covid-19 |
Dù vậy, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021. Đến nay đã 3 tháng trôi qua kể từ khi đợt bùng phát thứ 4, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang suy biến nhanh chóng, rất nhiều trở ngại đang phát sinh trong quá trình sản xuất như khó khăn về cung cầu lao động, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng... Hy vọng hoạt động kinh tế sẽ sớm hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm vắc-xin nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh triệt để.
Ông Dương Đình Đắc - đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Triển khai nhanh các biện pháp y tế
Trước diễn biến dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp, lan rộng, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng, chống dịch như giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Hà Nội và một số đơn vị hành chính của một số địa phương.
Trên cơ sở đó, các biện pháp y tế đang được triển khai nhanh, rộng khắp, như việc truy vết xác định nguồn lây để khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng (từ 29-4 đến 2-8-2021 đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR cho 18.303.458 lượt người, chưa tính việc sàng lọc bằng test nhanh). Các bệnh viện dã chiến liên tục được mở rộng, cùng với các trung tâm điều trị chuyên sâu nhằm giảm tử vong và quá tải hệ thống y tế.
Việt Nam tiếp tục các chiến dịch tiêm vắc-xin cho người dân. Đến 2-8-2021, Việt Nam đã tiêm được 6.959.197 liều, trong đó ưu tiên các đối tượng là tuyến đầu, vùng có dịch với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Số lượng vắc-xin Việt Nam sẽ nhận tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.
Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Tuân thủ quy định phòng, chống dịch
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cần thực hiện duy trì hệ thống sản xuất an toàn tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền địa phương Việt Nam.
Một vấn đề trọng tâm mà các nhà đầu tư, chuyên gia Hàn Quốc đang quan tâm là việc nhập cảnh vào Việt Nam trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài và thân nhân vẫn được ưu tiên nhập cảnh vào Việt Nam. Đại diện Bộ Y tế Việt Nam thông báo từ ngày 4-8-2021 giảm thời gian cách ly tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ vắc-xin hoặc đã từng khỏi bệnh do mắc Covid-19. Theo đó, Việt Nam thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đáp ứng điều kiện này và các điều kiện khác liên quan.
Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế số 1 trong các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 9.100 dự án và số vốn đầu tư lũy kế 72 tỉ USD. Mặc dù đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 ước tính giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng đầu tư của Hàn Quốc lại tăng 43,6% cho thấy dòng vốn đầu tư vẫn được giữ vững. |
Tùng Dương