Mỹ sẽ tiêm vắc xin Covid-19 bổ sung cho một số đối tượng
(PetroTimes) - Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ cho biết những người có hệ miễn dịch yếu sẽ được khuyến nghị tiêm bổ sung vắc xin Covid-19.
Chia sẻ với chương trình tin tức truyền hình CBS, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết ông đã dự tính được rằng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, FDA, sẽ sớm khuyến nghị người dân tiêm nhắc lại. Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch là những người trải qua cuộc phẫu thuật lớn, đang được điều trị ung thư hoặc có các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của họ.
Một cụ ông 102 tuổi đang được tiêm mũi vắc xin thứ 3. |
Đối với nhóm người cao tuổi, Fauci cho biết các quan chức y tế vẫn đang thu thập thêm thông tin. Nhưng ông ấy nói thêm rằng "việc tiêm lại có khả năng xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai". Fauci lưu ý rằng hiệu quả của vắc xin sẽ không kéo dài mãi mãi.
Đầu năm nay, người đứng đầu công ty Pfizer chia sẻ với CNBC rằng mọi người có khả năng cần phải tiêm nhắc lại trong vòng 12 tháng. Nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson gợi ý rằng mọi người có thể cần tiêm vắc xin Covid-19 hàng năm giống như vắc xin cúm.
Fauci khuyên mọi người nên tiêm cùng loại vắc-xin mà họ đã tiêm lần đầu tiên. FDA đến nay đã chấp thuận các loại vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Hoa Kỳ.
Cuộc tranh luận về mũi tiêm bổ sung
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các nước phát triển không nên đặt hàng các mũi tiêm bổ sung cho những người đã được tiêm chủng. WHO ghi nhận rằng hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa nhận được mũi tiêm đầu tiên của họ.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, một nhà khoa học của WHO, cho biết rằng cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm nhắc lại là cần thiết đối với những người đã được tiêm chủng. Bà nói: “Nó phải dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu, chứ không phải dựa trên các công ty riêng lẻ tuyên bố rằng vắc xin của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường”.
Một nữ y tá đang tiêm chủng cho người dân. |
Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Quốc gia này đã sử dụng loại vắc xin từ công ty Pfizer-BioNTech. Vào đầu tháng 7, nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp vắc xin bổ sung cho những người có hệ miễn dịch yếu. Sau đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo rằng đất nước sẽ cung cấp vắc xin để tiêm nhắc lại cho tất cả những người trên 60 tuổi. Ông cho biết, “giống như vắc xin cúm cần được tiêm nhắc lại theo thời gian, trong trường hợp này cũng vậy”.
Bộ Y tế Israel báo cáo rằng, đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ, khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại cả sự lây truyền đã giảm từ trên 90% vào tháng 12/2020 xuống còn khoảng 40% vào cuối tháng 6/2021. Ấn phẩm Nature cho biết sự sụt giảm này có thể liên quan đến sự lây lan và lây nhiễm mạnh của biến thể Delta.
Tại Hoa Kỳ, nhiều vùng ở nước này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm do biến thể Delta gây ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết những ca nhiễm hiện tại chiếm hơn 80% các trường hợp mắc mới, đặc biệt là ở những khu vực có ít người được tiêm chủng. Cuộc điều tra của CDC cũng cho thấy rằng, trong một số trường hợp hiếm hoi, người đã được tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta cũng có thể lây cho người khác.
Cơ quan y tế khuyến nghị tiêm chủng cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm cả những người đang mang thai hoặc có thể mang thai trong tương lai.
Nhiều người đang chờ đợi quyết định về các mũi tiêm nhắc lại Covid-19. Nhưng ABC News đã đưa tin rằng hơn có 1 triệu người Mỹ có thể đã tiêm mũi thứ ba. Thông tin đó đến từ một tài liệu của CDC.
Lê Ngọc Đức (Theo VOA)