Hạ lãi vay, nên hay không: Ngân hàng có thể giảm lãi 3% - 5%?
Quan điểm của TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Kinh tế về việc "không nước nào "bắt ép" ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay" đã nhận được quan điểm trái chiều.
Cụ thể, chia sẻ trong bài viết đăng trên báo Dân Việt, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Kinh tế đã nêu quan điểm rằng kiến nghị giảm 3-5%/năm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, là đề xuất "viển vông", thiếu thực tế.
Hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường qua 6 tháng đầu năm nay. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã lâm vào tình trạng chờ được "cấp cứu" |
Chứng minh cho quan điểm này, ông đưa ra mức biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng thương mại trên thế giới và Việt Nam, từ đó cho rằng "nếu chiếu theo quốc tế, NIM của các ngân hàng thương mại trong nước chỉ có thể giảm thêm 1%, tức lãi suất cho vay cũng chỉ giảm mức tương ứng".
Ngoài ra, ông cũng cho rằng "trên thế giới, không nước nào "bắt ép" ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Làm như thế là đang "bắt ép" các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trong khi các ngân hàng huy động tiền gửi của dân để cho vay chứ không phải tiền ngân sách. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm trả cho khách hàng lãi suất như đã thỏa thuận, và lãi suất đó so với lạm phát phải dương". Chi tiết hơn, theo ông, để giảm lãi suất cho vay từ 3 – 5% thì cũng phải giảm lãi suất tiền gửi ít nhất 3 -5% và lãi của người tiền theo đó chỉ còn 1%, tính theo lạm phát là thực âm.
Cùng bài viết cũng trích dẫn quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) là trong khi "miếng bánh" giảm lãi vay của các ngân hàng có hạn nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn "cắt miếng to", như thế không được. Theo vị chuyên gia này, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa 2 lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, doanh nghiệp đòi giảm từ 3-5%, vậy ngân hàng sống bằng gì?
Ngay sau những chia sẻ có tính chuyên môn trên, chuyên gia Tài chính Lâm Minh Chánh cũng đã lập tức nêu quan điểm, trao đổi trên trang mạng xã hội Facebook của mình. Diễn đàn Doanh nghiệp cũng đã trao đổi chi tiết với ông về các thông tin ông đã "nói lại".
Cụ thể, từ quan điểm ngược lại, chuyên gia Lâm Minh Chánh nêu 2 dữ liệu:
Thứ nhất, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng Việt Nam là rất cao. Ông dẫn báo cáo về ngành ngân hàng của BSC – Công ty chứng khoán thuộc ngân hàng Đầu tư và phát triển để cho thấy chênh lệch này.
(Dữ liệu theo biểu đồ của CTCK BSC) |
"Theo đó, nhờ vào khá nhiều tiền dân đang để ở tài khoản không kỳ hạn, nên lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng rất thấp. Cụ thể ACB: 4%, MBB: 2,7%, TCB: 2,3%, VCB: 2,3%, VPB: 4,8%. Trong khi đó thì lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng rất cao so với lãi suất huy động. Cụ thể ACB: 9,4%, MBB: 9,2%, TCB: 8,7%, VCB: 6,6%, VPB: 17,1%...", chuyên gia phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, ông khẳng định: Dĩ nhiên ngân hàng không thể cho vay hết số tiền họ huy động. Số trung bình hiện tại là 80%- 85%, dẫn đến NIM bình quân khoảng từ 3,5% - 4,2%.
Thứ hai, năm 2020 - Covid năm 1: Các ngân hàng đều báo lợi nhuận khủng; Năm 2021- Covid năm 2, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các ngân hàng đều tăng trưởng mạnh so với 2020.
Ví dụ: Lợi nhuận sau thuế của ACB nguyên năm 2020: 7.682 tỷ; nửa năm đầu 2021: 5.071 tỷ, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của BIDV nguyên năm 2020: 6.962 tỷ; nửa năm đầu 2021: 6.356 tỷ, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của VietinBank nguyên năm 2020: 13.693 tỷ; nửa năm đầu 2021: 8.667 tỷ, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của MBB nguyên năm 2020: 8.262 tỷ; nửa năm đầu 2021: 6.148 tỷ, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của TCB nguyên năm 2020: 12.324 tỷ; Nửa năm đầu 2021: 9.107 tỷ, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của VCB nguyên năm 2020: 18.451 tỷ; Nửa năm đầu 2021: 10.857 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận sau thuế của VPB nguyên năm 2020: 10.413 tỷ; nửa năm đầu 2021: 7.217 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020.
"Một số ý kiến cho rằng ngân hàng đạt lợi nhuận lớn từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, trái phiếu, nghiệp vụ liên ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ... Nhưng thực tế, theo các báo cáo tài chính thì thu nhập khủng của đa số các ngân hàng thương mại cổ phần đều đến từ thu nhập lãi thuần (tức phần chênh lệch từ lãi cho vay - lãi huy động). Bình quân, thu nhập lãi thuần chiếm từ 80% - 90% của tổng thu nhập các ngân hàng. Một số khác cũng cho rằng ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận thậm chí lỗ nếu trừ nợ xấu. Tôi nghĩ rằng các ngân hàng đã dự phòng nợ xấu hợp lý khi tính toán kết quả kinh doanh. Đa số các lãnh đạo ngân hàng sẽ không báo cáo lợi nhuận khủng, tăng trưởng khủng mà không dự phòng cho nợ xấu. Nếu họ không dự phòng nợ xấu, mà lại báo cáo lãi khủng thì họ tự đưa tròng vào cổ mình", ông bổ sung.
"Ngân hàng, tự bản thân họ, cũng phải rất giỏi, quản lý tốt thì kinh doanh mới hiệu quả, mới đạt lợi nhuận cao như vậy. Nhưng 2 dữ liệu nói trên cho thấy ngân hàng đang “sống” khỏe. Chắc chúng ta không cần phải lo ngân hàng sống bằng gì. Thật ra thì giảm lãi suất thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác. Tuy vậy, giảm lãi suất các ngân hàng không “chết” đâu, vì họ luôn luôn hưởng sự chênh lệch và họ đang “sống” khỏe lắm", chuyên gia Lâm Minh Chánh khẳng định.
Đề xuất giảm lãi suất vay đã được các doanh nghiệp kiến nghị trong đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư. Theo đó, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã kiến nghị giảm lãi suất vay đồng loạt cho các khoản vay từ mức 2%.
Trong các đợt dịch trước và đầu con sóng COVID-19 lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng trong giãn cách như thế này, nhưng hiện tại thì để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội "ai ở đâu yên đó", nhiều doanh nghiệp kể cả nhóm bán lẻ, dịch vụ...cũng đã phải đóng cửa |
Ngày 8/7/2021, tại Diễn đàn trực tuyến "Hợp tác doanh nghiệp và báo chí trong môi trường biến đổi" do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HNSMEs) thì nêu 10 kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững qua đại dịch COVID. Trong đó, ông đề xuất 3 vấn đề liên quan trực tiếp đến hỗ trợ ngân hàng cho doanh nghiệp là: 1) Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo ra soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi VOCID-19, trên cơ sở đó, các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc, trả lãi và cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có những hợp đồng tốt, lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được đề xuất khoanh lại đến tháng 12/ 2022 mà không bị phạt và được loại khỏi nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. 2) Đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu giãn nợ, vay đối với khoản nợ phát sinh của 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến 31/12/2022, vì vấn đề này theo Thông tư số 01/2020 là quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước 31/12/2020. 3) Đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% cho vay trực tiếp theo Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020. Hiện nay, Nghị quyết quy định các đối tượng được giảm quá nhỏ, trong khi có những ngành khác bị ảnh hưởng như du lịch, khách sạn, nhà hàng nhưng lại không ở trong nhóm này.
Gần nhất, lãnh đạo HNSME đã nêu kiến nghị ở mức cao hơn với mong muốn ngân hàng giảm lãi từ 3%-5% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi khó khăn của doanh nghiệp đã tăng cao hơn, khi dịch bùng phát mạnh và giãn cách xã hội tiếp tục kéo dài tại nhiều địa phương. Đây cũng là kiến nghị được nhiều doanh nghiệp SME trên cả nước ủng hộ và mong đợi.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đề xuất giảm tới 5% lãi suất cho vay: Tiền của ai? |
MB góp thêm 60 tỷ đồng phòng, chống dịch Covid-19 |
Gói 1.000 tỷ USD của Mỹ tác động ra sao đến thị trường tài chính? |