Hoang sơ đỉnh Mã Pì Lèng của hơn một thập kỷ trước
Mã Pì Lèng là một Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn. Những hình ảnh hoang sơ được ghi lại vào năm 2009 - 2010 khi nơi đây chưa bị ảnh hưởng bởi mặt trái của du lịch.
Mã Pì Lèng theo tiếng Mông có nghĩa là sống mũi con ngựa, ám chỉ vùng địa hình núi đá hiểm trở nơi đây. Khu vực này bao gồm các xã Pải Lủng; Pả Vi của huyện Mèo Vạc.
Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20 km nằm trên đường Hạnh Phúc nối TP Hà Giang đến huyện Mèo Vạc xa xôi nơi biên viễn. Độ cao trung bình đường đèo từ 1.200 m - 1.400 m.
Đèo Mã Pì Lèng nằm trên Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, có cảnh sắc ngoạn mục, cung đường vừa là thách thức nhưng cũng thôi thúc một trải nghiệm khám phá hấp dẫn.
Giữa cảnh sắc thiên nhiên đó, con người nơi đây có bản sắc văn hóa cũng hết sức độc đáo, ấn tượng như văn hóa của dân tộc Mông, dân tộc Lô Lô, Pu Péo, Dao. Trong ảnh là các thế hệ người Mông trên con đường Hạnh Phúc.
Dưới khe sâu Mã Pì Lèng là dòng sông Nho Quế huyền thoại. Sông bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam - Trung Quốc) chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn - Hà Giang) sau đó đổ vào sông Gâm tại xã Lý Bôn (Bảo Lâm - Cao Bằng). Tổng chiều dài sông là 192 km, đoạn chảy trên địa phận nước ta là 46 km.
Những người Mông mộc mạc bên dòng sông Nho Quế.
Trai gái Mông chia nhau bát rượu ngô men lá thơm nồng trên đèo Mã Pì Lèng trong ngày chợ phiên. Hình ảnh này thời điểm hiện tại không còn nữa khi các hoạt động sinh hoạt bản sắc nơi đây thường bị ảnh hưởng bởi du lịch.
Cảnh sắc hùng vĩ trên đường đèo treo leo, bên vách núi, bên vực sâu không một bóng người.
Trong ảnh là điểm dừng nghỉ ngắm toàn cảnh đỉnh đèo (phía trên, bên trái), được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.
Một em bé người Mông tại điểm dừng nghỉ ngắm cảnh trên đèo Mã Pì Lèng. Tại vị trí này giờ đây trở nên đông đúc, rất nhiều gian hàng, quán xá và có cả một khu "Sky Garden" với xích đu, bậc thang lên trời... để phục vụ nhu cầu của du khách.
Em bé người Mông được mẹ dẫn tập đi những bước đi đầu đời trên đường Hạnh Phúc.
Hẻm vực Tu Sản kỳ vĩ. Đây là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, điểm sâu nhất đạt 900 m. Hẻm vực Tu Sản nằm trong thung lũng có kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thời điểm này, các công ty du lịch chưa khai thác dịch vụ đi thuyền ngắm hẻm vực dưới lòng sông Nho Quế.
Hẻm vực Tu Sản hoang sơ được quan sát ở một vị trí khác, khi chưa có công trình Panorama án ngữ trên con đèo hùng vĩ này.
Người Mông nơi đây thường bọc răng vàng để làm đẹp, nhu cầu có cả nam và nữ. Các dân tộc sinh sống đa dạng, có Dao, Pu Péo, Lô Lô... nhưng chiếm phần lớn là người dân tộc Mông.
Các đỉnh núi tầng tầng lớp lớp ở khu vực Mã Pì Lèng.
Trước đây sông Nho Quế không nhiều nước, được ví như sợi chỉ mảnh uốn lượn quanh co chảy dưới chân núi Mã Pì Lèng. Thời điểm hiện tại dòng sông đang dần bị biến đổi, 5 đập thủy điện đã được xây dựng trên chiều dài chỉ 46 km.
Cảnh sinh hoạt của đồng bào Mông trên dòng Nho Quế trong vắt tại xã Xín Cái (Mèo Vạc).
Vùng cao nguyên đá Đồng Văn thiếu nước quanh năm, để giải quyết tình trạng này, các hồ treo tích nước trên núi đá đã được triển khai xây dựng ở nhiều nơi để trữ nước sinh hoạt cho bà con. Trong ảnh là hồ treo tại xã Pải Lủng.
Đèo Mã Pì Lèng nhìn từ dưới dòng sông Nho Quế.
Sườn núi đá ngoạn mục ở địa phận xã Pải Lủng.
Theo Dân trí
Vụ Panorama Mã Pì Lèng chưa hết ồn ào vì những "khuất tất" |
Bộ VHTT&DL yêu cầu Hà Giang báo cáo về việc cải tạo Mã Pì Lèng bề thế hơn |
Đề nghị xử lý sai phạm tại công trình trên đèo Mã Pì Lèng |