Giải mã suy giảm kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc khó giữ đà tăng trưởng kinh tế trong khi toàn cầu chưa thể phục hồi do đại dịch COVID-19.
Tài sản các ông lớn công nghệ "bốc hơi" kể từ tháng 2 |
Kết thúc 3 tháng đầu năm 2021 kinh tế Trung Quốc ghi nhận bùng nổ tăng trưởng trên 18%, kết thúc quý II nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã suy giảm rất nhiều so với chính nó. Vì sao xuất hiện tình trạng phập phù này? Tuyên bố chiến thắng dịch bệnh chỉ là biện pháp tâm lý?
Đầu tiên, Trung Quốc chủ động bắn vào chân mình, siết đường làm ăn của những “đứa con cưng” một thời, là các BigTech như Alibaba, Tencent, JD.com, Meituan, Baidu,… vì lo ngại độc quyền và ngày càng tỏ ra bất tuân lệnh.
Kết quả màn bố ráp này khiến các nhà sáng lập - tỷ phú, CEO đương nhiệm lùi vào hậu trường. Tháng 2 năm nay, giá trị vốn hóa của các ông lớn công nghệ “bốc hơi” 851 tỷ USD!
Chưa dừng lại ở đó, mảng công nghệ giáo dục trị giá hàng trăm tỷ USD cũng bị “cấm cửa”, không những doanh nghiệp nội địa bị thiệt hại toàn diện mà cả dòng vốn FDI trong lĩnh vực này đã tháo chạy sạch bóng khỏi Trung Quốc đại lục.
Hẳn nhiên, tương lai của các công ty công nghệ vẫn còn - nhưng nó buộc phải định hình theo hướng khác - có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Triển vọng mô hình mới này có phát huy hiệu quả hay không lại là chuyện khác!
Hai vấn đề rất nhạy cảm với nền kinh tế Trung Quốc là thiếu nguyên liệu đầu vào và giá cước vận tải quốc tế tăng cao, tắc nghẽn. Với một nền kinh tế thiên về sản xuất thành phẩm như Trung Quốc - nguyên liệu và con đường vận chuyển nguyên liệu cực kỳ quan trọng. Thiếu ngày nào doanh nghiệp lỗ ngày đó.
Đặc biệt, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về khối lượng sản xuất chip. Hiện nay cơn khủng hoảng chất bán dẫn chưa được giải quyết. Mỹ, Nhật Bản, châu Âu không còn thiện chí hợp tác khiến chuỗi cung ứng mặt hàng này bị đứt đoạn.
Trung Quốc không thể coi chiến thắng đại dịch COVID-19 là thành quả riêng mà không có bất cứ mối liên hệ nào ở ngoài biên giới. Bằng chứng là, họ có thể sản xuất nhưng không bán được, và không thể nhập nguyên liệu, tắc nghẽn logictics vì các quốc gia bạn hàng chưa thể mở cửa trở lại.
Trong tháng 3/2021 cán cân thương mại của Trung Quốc chỉ đạt 13,8 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 4, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, bao gồm các ngành dịch vụ và xây dựng, giảm về mức 54,9 điểm so với mức 56,3 điểm trong tháng 3.
Trung Quốc khó giữ tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu chưa hồi phục |
“Sức khỏe” các tập đoàn kinh tế nhà nước ngày một yếu. Vỡ nợ trái phiếu từ khu vực này tăng nhanh kỷ lục. Số tiền mà các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán từ đầu năm đến nay là 15,5 tỷ USD, tương đương 99,8 tỷ NDT.
Đáng nói, so với năm 2015, thời điểm thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, tổng số tiền vỡ nợ chỉ là 8,9 tỷ nhân dân tệ. Hiện nay, có đến ¼ doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu đến từ lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh tác tiêu cực chung của dịch bệnh, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi mạnh tính chất, nền kinh tế, từ gia công sang chế tạo, sản xuất tại chỗ - độc lập, tự cường không dựa vào bên ngoài.
Một trong những kế hoạch lớn là “Made in China 2025” bị chững lại do Mỹ cạnh tranh kịch liệt; để tự cường trong lĩnh vực giàu chất xám và tốn kém này Bắc Kinh cần thêm rất nhiều thời gian, càng khó hơn khi không còn mối liên kết hợp tác nào với Mỹ và phương Tây.
Trung Quốc là nền kinh tế kết cấu rất phức tạp, bao gồm nhiều thành phần, nhiều khu vực. Có những khu vực thành phần được sử dụng như là mỏ neo của chế độ; một số thành phần ít nhiều bị kiểm soát theo ý chí chính quyền.
Điểm yếu của mô hình này là thiếu linh hoạt, ngân sách nhà nước phải bao cấp, dễ bị đối thủ “bắt bài” nếu dựa vào Luật cạnh tranh quốc tế. Vì thế, không tự nhiên mà Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc lạm dụng bảo hộ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Năng lượng điện hạt nhân sẽ chiếm ưu thế? |
Trung Quốc có nhiều dầu trong kho dự trữ? |
Đồng minh và đối tác của Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông - Trung Quốc có 'ngồi trên đống lửa'? |