Cảnh báo biến thể Lambda có nguy cơ kháng vắc xin Covid-19
Các nhà khoa học Nhật Bản phát đi cảnh báo về Lambda, cho biết các nghiên cứu của họ chỉ ra rằng biến chủng này dễ lây lan hơn so với chủng ban đầu và có khả năng kháng vắc xin Covid-19.
Nhân viên y tế tiêm chủng cho người dân ở Peru (Ảnh: Reuters). |
Theo Reuters, nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản chỉ ra rằng biến chủng Lambda - lần đầu bị phát hiện ở Peru và đang bùng phát ở Nam Mỹ - dường như dễ lây lan và có khả năng kháng vắc xin hơn nếu so với chủng virus ban đầu phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019.
Báo cáo nghiên cứu được đăng tải trên trang bioRxiv trước khi bình duyệt khoa học cho thấy, các nhà khoa học trên tìm ra 3 đột biến ở phần gai protein của Lambda, gồm RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S - có thể giúp chủng này chống lại sự trung hòa bởi các kháng thể do vắc xin sinh ra.
Ngoài ra, 2 đột biến khác là T76I và L452Q được xem có khả năng khiến Lambda dễ lây lan hơn so với chủng ban đầu. Hiện chưa có bằng chứng cụ thể về việc liệu Lambda có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hay không, tuy nhiên nhà nghiên cứu Kei Sato từ đại học Tokyo cảnh báo rằng, Lambda "có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng với xã hội loài người".
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cảnh báo việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đang liệt kê Lambda là "biến chủng đáng quan tâm" thay vì "biến chủng đáng lo ngại" có thể khiến mọi người không nhận ra được mối đe dọa thực tế mà biến chủng này có thể mang lại.
Newsweek dẫn thông báo của trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, Lambda đã xuất hiện ở Mỹ nhưng với tỷ lệ không cao, khoảng 0.17%.
"Hiện có hơn 1.300 ca bệnh mắc chủng Lambda tính tới ngày 4/8 và chủng Lambda đã xuất hiện ở 44 bang", CDC cho biết.
Tổ chức Nhóm liên ngành SARS-CoV-2 (SIG), CDC hay Viện Y tế Quốc gia Mỹ và các cơ quan liên bang khác, chưa liệt kê Lambda là biến chủng cần quan tâm hay biến chủng đáng lo ngại vào lúc này nhưng SIG cho biết, họ và CDC sẽ "tiếp tục theo dõi tích cực biến chủng này".
Theo Dân trí