Tạo vườn rau thuốc tại nhà mùa Covid
(PetroTimes) - Trong xã hội đã có hiện tượng gia tăng xung đột gia đình trong mùa Covid. Nhưng không phải ở gia đình nào cũng vậy, có một số gia đình lại thấy làm được nhiều việc có ích hơn khi được ở nhà. Gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một ví dụ, tuy Covid-19 có làm đảo lộn nếp sinh hoạt quen thuộc nhiều năm, nhưng bù lại họ đã tạo được một vườn rau thuốc mới tại gia.
Từ khi dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chỉ thường xuyên có 3 người: tướng Hiệu, phu nhân Lại Thị Xuân và một người giúp việc. Bà Xuân là một bác sĩ, trước đó tu nghiệp tại Liên Xô, có kiến thức y học cộng thêm kinh nghiệm thực tế do từng công tác tại bệnh viện, nên đã có nhiều giải pháp trong việc phòng chống các bệnh tương tự như cúm mùa, bệnh nhiệt đới. Thời mới xảy ra đại dịch, bà Xuân vận dụng kinh nghiệm, kiến thức bà đã có cộng thêm thông tin y tế chính thức, để cùng chồng có biện pháp phù hợp phòng dịch, bà đề ra chế độ ăn uống cho người thân trong gia đình, đảm bảo sức khỏe cho mọi thành viên đi làm, đi học hàng ngày.
Gia đình gồm 10 người của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu |
Gia đình tướng Hiệu có tổng số 10 người, bao gồm hai ông bà, bốn con trai, gái, dâu, rể, bốn cháu nội, ngoại. Con trai, con gái của ông bà đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Mỗi cặp vợ chồng con trai, con gái tướng Hiệu đều đã có hai con nhỏ. Trước khi có đại dịch Covid-19, mỗi Chủ nhật, các con, cháu đều về thăm ông bà, cùng quây quần ăn một bữa cơm gia đình đông vui, ấm áp. Cùng chia sẻ những câu chuyện về công việc, học hành, những trải nghiệm sống vui vui, những bài học mới mẻ. Khi dịch Covid bùng phát đã làm đảo lộn nếp sinh hoạt gia đình, ông bà ra quyết định, cứ hai tuần một lần con cháu mới về thăm ông bà một lần, không tổ chức ăn uống chung như trước, mỗi lần về thăm, các con, cháu chỉ ở chơi nhà ông bà trong thời gian ngắn.
Khi các cháu của tướng Hiệu bắt đầu học online, xen kẽ thời gian được học tập trung ở lớp, thì thời gian tiếp xúc với thầy cô, các bạn ít hơn, thời gian ở nhà nhiều hơn. Ông dựa trên sở thích của từng cháu để định hướng và khích lệ các cháu gái học thêm đàn piano, học vẽ, đọc sách, cháu trai học môn cờ vua, chơi bóng đá với vài bạn hàng xóm, xem chương trình truyền hình phù hợp. Điều quan trọng là tạo cho các cháu nếp học tập chủ động ở nhà, xen lẫn các môn nghệ thuật, thể thao, để các cháu có niềm vui, quen dần với thay đổi mới mẻ, biết sử dụng thời gian có ích trong không gian gia đình.
Tướng Hiệu cùng gia đình con trai |
Tướng Hiệu quan điểm, bên cạnh việc chống dịch như chống giặc, thì nên tạo lối sống mới, từng bước sống chung với dịch. Cho dù đã tiêm phòng, thì vẫn nên thực hiện 5K trong sinh hoạt hàng ngày. Trong hai năm có Covid, tướng Hiệu đã “cơ cấu” lại khu vườn sinh vật cảnh nhỏ của gia đình. Trước kia trong vườn chủ yếu là cây cảnh, phong lan, hai cây khế sai quả, nay được cải tạo, trồng xen rau thường dùng và rau gia vị, bao gồm: rau ngót Nhật, mơ lông, diếp cá, chanh, gừng, tỏi, hành, hẹ… Rau do người nhà dưới quê gửi lên Hà Nội cho gia đình tướng Hiệu không được thường xuyên như trước kia nên vườn rau mới này đảm bảo được bữa ăn cho ba người. Đặc biệt, các loại rau thuốc trong vườn đã giúp tăng cường sức đề kháng cho ông bà, làm khỏe đường hô hấp.
Tướng Hiệu vui vẻ cho rằng, chính nhờ dịch Covid căng thẳng mà ông bà đã tạo được vườn rau mới này. Khu vườn nhỏ trở nên thiết thực hơn khi không chỉ làm vui mắt, vui tay chân mà còn bổ sung thức ăn làm thuốc trong bữa ăn thường ngày của ông bà. Đó là một sự thay đổi hiệu quả, tạo nên một môi trường sinh động cho chính mình. Hàng ngày ông tập thể dục trong vườn, sau đó tỉa cây, bón rau… những việc làm đó không chỉ vui, tiêu hao năng lượng, mà còn giúp người khỏe khoắn, tinh thần sảng khoái, tâm lý thanh thản, suy nghĩ tích cực.
Tướng Hiệu và bà Xuân cùng gia đình con gái |
Lúc này, ông bà cũng không gặp hai gia đình con cháu cùng lúc nữa, mà thay đổi luân phiên, ví dụ Chủ nhật tuần này gặp gia đình cháu nội thì Chủ nhật sau mới gặp gia đình cháu ngoại. Thực phẩm gồm gạo, rau, thịt của người nhà ở quê gửi lên cũng được ông bà chia đều và gửi dịch vụ vận chuyển cho hai gia đình con gái, con trai. Dịp sinh nhật của bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng không tụ tập liên hoan chung như trước nữa, để tránh tập trung đông người. Nếu có cháu, con nào đến thăm ông bà, cũng cần hẹn trước để tránh bị trùng lịch ông bà gặp con, cháu khác, đảm bảo an toàn và thực hiện giãn cách theo quy định chung.
Bài học quan trọng trong hai năm có đại dịch, đó là trong gia đình tướng Hiệu, các cháu nhỏ đã biết tự chủ, tự lực trong mọi việc của mình, từ học hành cho đến cách sinh hoạt, ăn uống điều độ, thể dục thể thao vừa sức và biết sống quân bình, an ổn trong không gian nhỏ của gia đình. Sự hòa thuận, vui vẻ được tạo ra nhờ định hướng sống lạc quan, yêu đời và làm từ việc nhỏ đến việc lớn đều có ích. Trước thách thức đại dịch, cần luyện được tâm lý vững vàng, hiểu đúng thông tin, hiểu rõ thực trạng, chỉ chắt lọc và tiếp nhận nguồn tin chính thức để từ đó bình tĩnh, tìm cách phù hợp khắc phục hoàn cảnh, phòng bệnh hiệu quả. Tuyệt đối tránh nghe tin rác làm nhiễu loạn tâm lý của mình.
Theo dự đoán của tướng Hiệu, dịch Covid sẽ còn tồn tại rất lâu, do biến chủng liên tục. Do đó con người cần tiêm chủng và từng bước chung sống với con virus tinh quái này. Virus có trong không khí và sẽ không chỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần. Chúng ta cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng dịch, thực hiện nguyên tắc 5K để được an toàn. Và muốn tiêm chủng bền vững, thì Việt Nam cần tập trung sản xuất được vaccine của mình để chủ động ngừa Covid-19, tiêm cho ít nhất 2/3 tổng số dân. Đại dịch Covid là một khủng hoảng y tế thì cần tập trung dùng y học để xử lý về lâu dài, có cân nhắc kết hợp các biện pháp khác.
Người dân Sài Gòn"chong đèn", tiêm vắc xin vào ban đêm |
Covid-19 lan tới 17 tỉnh, Trung Quốc chạy đua khống chế dịch |
Kiều Bích Hậu