Để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế...
(PetroTimes) - Theo các chuyên gia, không nơi nào đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính như TP HCM. Vấn đề quan trọng là cần phải có quyết tâm, phải xem việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là chính sách quốc gia để các bộ, ngành và thành phố cùng thực hiện.
TS Trần Du Lịch -Chuyên gia kinh tế cao cấp: Phân kỳ 3 giai đoạn
TP HCM muốn trở thành trung tâm tài chính quốc tế có nhiều việc phải làm. Cụ thể, cần phân kỳ 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu (2021-2025) là giai đoạn xây dựng, khẳng định vai trò của trung tâm tài chính quốc gia, vì quy mô thị trường tài chính TP HCM cực lớn nhưng ngày càng giảm dần. Giai đoạn tiếp theo (2026-2030) nâng TP HCM lên thành một trung tâm tài chính khu vực. Giai đoạn khoảng 10-15 năm sau đó sẽ hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Lý do, muốn hình thành trung tâm tài chính quốc tế phải có hai điều kiện nữa là tự do hóa tài khoản vốn và chuyển đổi đồng tiền.
Nhìn từ Thượng Hải, nếu TP HCM được cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) về sản phẩm công nghệ tài chính toàn cầu mới có thể hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Trong quá trình áp dụng có thể điều chỉnh trường hợp có những phát sinh. Ở Trung Quốc, tất cả các định chế tài chính quốc gia có trụ sở chính ở Bắc Kinh, nhưng trụ sở hoạt động quy mô lớn nhất vẫn ở Thượng Hải. Đó là điều Việt Nam cần quan tâm.
TS Trương Văn Phước - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Nên gọi tên chính xác
Có quan điểm cho rằng trung tâm tài chính phải xây tòa nhà cao chọc trời tại khu đô thị Thủ Thiêm tương tự như ở Mahattan (New York, Mỹ). Song, thực tế nếu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước không đồng tình sẽ không có trung tâm tài chính. Bởi trung tâm tài chính là thể chế của một thị trường vốn, thị trường tiền tệ và thẩm quyền thuộc Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Theo tôi, nếu có trung tâm tài chính nên gọi tên chính xác là trung tâm tài chính của Việt Nam có tọa độ tại TP HCM. TP HCM không thể xây dựng được trung tâm tài chính khi luật lệ của trung tâm tài chính vẫn do các bộ, ngành đặt ra. Vì vậy, nếu trung tâm tài chính đặt ở quan điểm phục vụ cho đất nước và dịch vụ tài chính, những thể chế đó phải được thay đổi không chỉ để dành cho TP HCM mà cho cả Việt Nam.
GS.TS Trần Ngọc Thơ - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Cần có khát vọng ban đầu
Nếu không có khát vọng ngang bằng, vượt trội các trung tâm tài chính quốc tế lớn hiện nay, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM có thành công không? Điển hình là Trung tâm tài chính quốc tế Gujarat của Ấn Độ đã đưa ra tầm nhìn từ năm 2016 là phấn đấu ngang bằng với các trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, sau 5 năm đã được xếp hạng trong 10 trung tâm tài chính quốc tế. Điều này cho thấy khát vọng ngang bằng, vượt trội ngay từ đầu là vấn đề cần được đặt ra. Người dân thành phố và người dân cả nước rất vui nếu TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Câu chuyện còn lại là cần làm gì để TP HCM có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế đẳng cấp.
Muốn có trung tâm tài chính tại TP HCM phải đưa ra những mục tiêu di động. Đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, đó xem là mục tiêu cứng, cố định. Trong thế giới số ngày nay, muốn đạt mục tiêu cố định phải có tập hợp các các mục tiêu di động, liên tục thay đổi để phù hợp với diễn biến của kinh tế toàn cầu. Để định hình một trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP HCM, thành phố nên đi đầu về sản phẩm công nghệ tài chính.
GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM: Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Mục tiêu TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế đã đặt ra từ 20 năm nay. Tuy nhiên, không có khát vọng, không có quyết tâm, không lựa chọn mô hình và hướng đi đúng đắn thì mục tiêu khó thành hiện thực. Để làm được điều này, thành phố cần có những cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Theo đó, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giám sát, đồng thời có phương án dự phòng rủi ro, ngăn hậu quả thất bại có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc gia. Phải cố gắng làm như vậy thì trung tâm tài chính mới có thể hình thành và định hình rõ nét.
Tại sao bây giờ quy mô tài chính của TP HCM không đi lên so với yêu cầu phát triển của cả nước. Nguyên nhân chính là bị “nghẽn” mô hình và ý tưởng trong thể chế. Đó là bài toán về tối đa hoá.
Mới đây Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận, báo cáo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua đã xác định phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển đối với TP HCM. Trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế tại TP HCM là có cơ sở và cần thiết, cần sớm thực hiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng hỗ trợ nghiên cứu, thực hiện và hoàn thiện đề án. |
Thanh Hồ