Những người “gác cổng” để hệ thống điện vận hành an toàn, thông suốt
(PetroTimes) - Trong trận chiến với dịch COVID-19, có những chiến sĩ áo blouse, những chiến sĩ công an, quân đội và có cả những “chiến sĩ áo cam” ngày đêm đảm bảo dòng điện trong mọi tình huống. Không thể không kể đến những người "gác cổng" thầm lặng của Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) đang ngày đêm đảm bảo cho hệ thống viễn thông dùng riêng, hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được vận hành an toàn, thông suốt.
Hỗ trợ 24/7
"Alo, dạ dự án D-Office xin nghe", "Alo, anh chị muốn hỗ trợ đăng ký một văn bản đi hỏa tốc ký số ạ?", “Alo...”.
Đó là không khí khẩn trương và gấp gáp tại phòng làm việc của Trung tâm phát triển phần mềm thuộc EVNICT. Các nhân sự dự án D-Office đang tập trung hết sức trả lời điện thoại, hỗ trợ người dùng phần mềm D-Office.
Kỹ sư EVNICT vận hành tại Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam |
“Nóng hết cả điện thoại”- là câu nói của anh Nguyễn Ngọc Minh - Dự án D-Office trong ngày đầu tuần khi EVN nói chung và EVNICT nói riêng thực hiện giãn cách theo chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội. Số lượng cuộc gọi qua điện thoại, Zalo, Facebook,...hay bất kể phương tiện kết nối nào đều tăng dồn dập đổ về bộ phận hỗ trợ phần mềm D-Office khiến không khí trong phòng luôn gấp gáp, khẩn trương.
“Nhiều khi phải nhịn uống nước”- các anh em đang trực hỗ trợ tranh thủ nói vài câu hài hước.
Theo anh Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm thuộc EVNICT, trong những ngày giãn cách xã hội theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội và EVN, Trung tâm vẫn phải duy trì một số CBCNV làm việc trực tiếp đối với 2 dự án IMIS và D-Office vì tính chất công việc quan trọng của 2 dự án này đặc biệt là dự án D-Office. Khi đến làm việc, Trung tâm yêu cầu CBCNV tuân thủ đầy đủ nguyên tắc phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ y tế và hướng dẫn của EVN.
Khi Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội, CBCNV EVN và các đơn vị làm việc từ xa thì yêu cầu của người dùng với dự án D-Office cũng tăng lên: nhờ hỗ trợ trình ký văn bản và xử lý công văn công việc, ... Ví dụ đơn giản nhất là bộ phận Văn thư cơ quan Tập đoàn hiện nay cũng làm từ xa nên việc tiếp nhận văn bản, ký số đăng ký cũng phải làm từ xa, cần hỗ trợ nhiều hơn. Chủ yếu, thành viên trong dự án hỗ trợ người dùng các thao tác sử dụng chức năng phần mềm, hạ tầng mạng. Số lượng yêu cầu được dự án D-Office hỗ trợ đã tăng đến 30-40% trong những ngày này - lãnh đạo Trung tâm phát triển phần mềm thuộc EVNICT cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Minh - Dự án D-Office cho biết, khi Tập đoàn triển khai cho CBCNV làm việc từ xa, việc đăng nhập và sử dụng phần mềm D-Office tăng đột biến, nhưng hạ tầng mạng và các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại của người dùng hoạt động nhiều lúc không ổn định, cần được hỗ trợ. Thêm nữa, việc mô tả, giao tiếp của người sử dụng và người hỗ trợ khó khăn hơn vì không phải giao tiếp trực tiếp mà gián tiếp. Hiện nhân sự nhóm triển khai có 7 người thì 4 người đi triển khai phần mềm ở Công ty Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Công ty Nhiệt điện Thái Bình xuyên mùa dịch đến 28-7-2021 mới về Hà Nội còn lại 3 người ở nhà hỗ trợ. 03 người này, theo anh Minh, đảm nhiệm hỗ trợ cơ quan Tập đoàn, 14 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 4 đơn vị thuộc các Tổng công ty nên có khi một ngày có hàng trăm cuộc gọi nhờ hỗ trợ.
Tuy vậy, các nhân sự của dự án luôn trong tâm thế chủ động và sẵn sàng hỗ trợ người dùng, kể cả ngoài giờ làm việc, kết nối 24/7- anh Nguyễn Ngọc Minh khẳng định.
Đảm bảo vận hành ổn định, an toàn hệ thống sẵn sàng 99,9%
Lực lượng trực vận hành viễn thông dùng riêng, điều hành toàn quốc của EVNICT có lẽ đã khá quen thuộc khi nhận lệnh trực giãn cách bởi từ cuối tháng 4 đến nay, họ luôn trong không khí “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thực hiện trực- ăn- nghỉ tại cơ quan theo yêu cầu của EVN và EVNICT.
Phòng Viễn thông và CNTT miền Nam thuộc Trung tâm Điều hành Viễn thông và hạ tầng CNTT (thuộc EVNICT)- đặt tại TP. Hồ Chí Minh nơi đang bùng phát dịch Covid-19 căng thẳng nhất cả nước, đã tổ chức trực ca 24/7 tại phòng máy EVNICT tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (A2) theo yêu cầu của EVN và EVNICT.
Anh Đặng Ngọc Linh - Trưởng phòng cho biết, theo chỉ đạo của EVN và EVNICT, Phòng tổ chức cho CBCNV trực tập trung 5 ngày liên tục, mỗi ca 2 nhân viên trực và nghỉ ca tại phòng máy. Các nhân viên trực tuân thủ theo phương án phòng chống dịch của A2, chỉ được di chuyển, sinh hoạt cá nhân gói gọn trong một khu vực hạn chế cho phép để tránh tiếp xúc với các điều độ viên của A2. Các nhân viên trước khi vào đổi ca đều phải xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và đăng ký danh sách trước với A2. Các ca trực đều được cung cấp nhu yếu phẩm, trang thiết bị, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế đầy đủ đảm bảo sinh hoạt hàng ngày trong điều kiện tốt nhất có thể.
Công tác trực ứng cứu thông tin (UCTT), tổ chức trực UCTT được đảm bảo 24/7. Cụ thể, phòng tổ chức làm 2 nhóm trực UCTT luân phiên trong 3 ngày liên tục, trực từ xa, khi có sự cố sẽ điều động đi công tác đến các Trạm để xử lý. Mỗi nhóm có 5 nhân sự, bao gồm 03 nhân sự vận hành viễn thông dùng riêng, 01 nhân sự vận hành hệ thống CNTT và 01 lái xe, tập trung tại văn phòng làm việc - 610 Võ Văn Kiệt (Tp. HCM) để xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2, nhận giấy xác nhận kết quả âm tính để làm cơ sở thông qua các trạm kiểm soát dịch khi đi UCTT và luân phiên xét nghiệm cách nhau 3 ngày (theo hiệu lực của giấy xét nghiệm). Phòng cũng bố trí 01 nhân viên tại Cần Thơ phụ trách xử lý sự cố (nếu có) tại khu vực Tây Nam bộ.
Khó khăn lớn nhất, theo anh Đặng Ngọc Linh đó là Phòng bị động trong việc sắp xếp lịch trực ca và trực UCTT do tại nơi ở của các nhân viên liên tục bị phong tỏa bất ngờ, phải đổi nhân sự thường xuyên và nhân viên vận hành phải test Covid liên tục. Việc di chuyển trong Tp.HCM và đi các tỉnh phải qua nhiều chốt kiểm soát, đến địa phương phải khai báo y tế, thủ tục thường rất phức tạp, mất thời gian.
Hơn nữa, điều kiện phòng máy EVNICT tại A2 nhỏ, không sắp xếp được khu vực nghỉ ca riêng cho nhân viên trực ca tập trung. Trong tòa nhà A2 cũng giới hạn khu vực sinh hoạt rất chặt nên nhân viên trực tập trung rất vất vả. Ngoài ra, tâm lý nhân viên trong thời gian này cũng hơi căng thẳng, lo lắng. Việc trực ca tập trung và đi công tác trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp này cũng sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian, gia đình,…
Kỹ sư xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào ca trực |
Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, các CBCNV của Phòng đang thực hiện rất tốt công việc của mình, đó là đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Công ty giao phó.
Tại Phòng Viễn thông và CNTT miền Trung, anh Đỗ Thương - Trưởng phòng cho biết, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng đến các tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên, Phòng cũng đã nhanh chóng kích hoạt triển khai ngay các giải pháp làm việc theo các kịch bản đã lập được Công ty phê duyệt. Trong đợt dịch bùng phát tại thành phố Đà Nẵng tháng 5/2021, thực hiện theo văn bản số 2342/EVNTCNS ngày 06/5/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị đã triển khai ngay kịch bản tổ chức làm việc từ xa đối với lực lượng hỗ trợ vận hành phần mềm, tổ chức trực ca 24/7 hệ thống viễn thông dùng riêng và bố trí lực lượng trực xử lý sự cố tại chỗ tại Trung tâm điều độ Hệ thống điện Miền Trung một ca 7 ngày liên tục. Lực lượng xử lý sự cố khu vực Tây nguyên với 05 nhân sự cũng áp dụng cơ chế làm việc từ xa 50% nhằm đảm bảo sức khỏe cho cán bộ CNV để vận hành hệ thống viễn thông phục vụ điều hành sản xuất điện được an toàn và liên tục.
Anh Đỗ Thương cho biết, anh em trong đơn vị cũng đã quen với tình hình thực hiện giãn cách xã hội các đợt từ năm 2020 đến nay nên luôn chủ động triển khai thực hiện các công việc sản xuất vận hành của đơn vị, đảm bảo trang bị đầy đủ vật tư y tế, lương thực, trang thiết bị cho lực lượng trực ca và xử lý sự cố. Nhờ chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết, phổ biến rõ đến CBCNV trong đơn vị nên thời gian qua, Phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin Miền Trung thực hiện công tác vận hành, bảo trì, bảo dưỡng quý II/2021, xử lý sự cố hệ thống viễn thông dùng riêng trên địa bàn 13 tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên luôn an toàn và liên tục, đảm bảo các chỉ tiêu của Công ty giao.
Trước đó, để đảm bảo cho hệ thống viễn thông dùng riêng, CNTT và các phần mềm dùng chung của EVN hoạt động ổn định, an toàn, liên tục trong dịch Covid-19, EVNICT đã yêu cầu Trung tâm Điều hành viễn thông và hạ tầng CNTT, Trung tâm phát triển phần mềm xây dựng phương án chi tiết.
Lãnh đạo EVNICT cho biết, Công ty đặc biệt chú trọng bảo vệ đội ngũ trực vận hành hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông dùng riêng. Từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 trở lại đây, EVNICT đã duy trì hiệu quả việc tổ chức các kíp trực, làm việc, nghỉ tập trung ngay tại cơ quan với số lượng 8 CBCNV/kíp.
“Từ ngày 26/7, đối với kíp tại trực tại trụ sở Tập đoàn, Công ty tăng cường lên 14 người/kíp gồm trực điều hành toàn quốc, trực vận hành viễn thông và CNTT, trực quản trị CNTT, trực quản trị cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, còn có thêm 03 nhân sự trực SOC của nhà thầu Viettel. Các nhân sự trực liên tục 7 ngày đổi 1 lần, được bố trí nghỉ ca, sinh hoạt tại tòa nhà EVN”- ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc EVNICT cho biết.
Mặc dù khó khăn và thách thức do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các CBCNV EVNICT đang nỗ lực hết mình vì một kết nối an toàn, tin cậy, ổn định, sẵn sàng.
Quyết liệt giải pháp để đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện giai đoạn 2021-2025 Ngày 28/7, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tài Anh và Phạm Hồng Phương đồng chủ trì cuộc họp rà soát kế hoạch công tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến để đảm bảo phòng chống COVID-19. |
Minh Anh