Tin tức kinh tế ngày 29/07: Hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không bị hạn chế thương mại
(PetroTimes) - Chính phủ gỡ vướng cho hàng hóa lưu thông; Hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không bị hạn chế thương mại; Sản xuất công nghiệp cả nước bị ảnh hưởng nặng bởi đợt dịch Covid-19; Chỉ số sản xuất công nghiệp tại Hà Nội tăng 7,8% so với cùng kỳ là những tin kinh tế đáng chú ý ngày 29/07.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại thị trường Mỹ |
Hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không bị hạn chế thương mại
Ngày 29-7, Bộ Công Thương cho biết, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã chính thức ban hành kết luận của vụ việc điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ.
Theo đó, trên cơ sở những giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được mục tiêu của cuộc điều tra như đã nêu tại thỏa thuận đạt được ngày 19-7-2021 giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, USTR sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đây được xem là quyết định có ý nghĩa đặc biệt tích cực đối với quan hệ kinh tế - thương mại song phương, môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời thể hiện được rõ nét lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia.
Chính phủ gỡ vướng cho hàng hóa lưu thông
Tại văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát đối với phương tiện có Giấy nhận diện có QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.
Việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa (cảng, bến, nhà ga, kho, bãi, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất…) đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, lâu nay các địa phương có quy định khác nhau về thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm. Tại văn bản này, vấn đề này đã được thống nhất. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu: Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 trong thời hạn 72 giờ kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm.
Tại các vùng có dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh, nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn.
Các nội dung trên thực hiện từ 0h ngày 30/7/2021.
Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng 0,73%
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 trên địa bàn TP Hà Nội tăng 0,73% so với tháng trước, tăng 2,15% so với tháng 12/2020 và tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 1,30% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Trong 7 tháng năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ như nhóm giao thông tăng 6,32%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,12%; giáo dục tăng 2,71%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,57%... Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân 7 tháng năm 2021 giảm so với bình quân cùng kỳ: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,79%; bưu chính, viễn thông giảm 1,09%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,4%.
Tiếp theo là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,09% (tác động làm tăng CPI chung 0,42%) do giá gas đun, giá dầu tăng mạnh; bên cạnh đó, miền Bắc vẫn nắng nóng làm sản lượng tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao khiến chỉ số giá điện tăng 6,76%.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,3%, chủ yếu là tăng ở nhóm thực phẩm (tăng 0,48%) do một số mặt hàng như trứng, các loại rau khô chế biến và rau, củ vụ đông tăng giá (giá thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm ổn định). Các nhóm còn lại có chỉ số tăng nhẹ và bằng tháng trước: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,04%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; bưu chính viễn thông và giáo dục chỉ số giá bằng tháng trước.
Có 4/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm nhẹ so với tháng trước là: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,08%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,05%; đồ uống và thuốc lá 0,03%.
Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 2,4% so với tháng trước, giảm 3,72% so với tháng 12/2020 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 15,21% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 tương đương tháng trước, giảm 0,51% so với tháng 12/2020 và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,94% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp cả nước bị ảnh hưởng nặng bởi đợt dịch Covid-19
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trừ tháng 2 có số ngày làm việc ít nhất).
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.
Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Tuy nhiên, trong số 19 tỉnh, TP phải thực hiện giãn cách xã hội, một số địa phương vẫn có có chỉ số IIP tăng. Nguyên nhân là do một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án “3 tại chỗ” nên vẫn duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, IIP tháng 7/2021 của Bạc Liêu tăng 13,7%; Bình Phước tăng 12,2%; Hậu Giang tăng 10,1%; Kiên Giang tăng 8,8%; Cần Thơ tăng 8,1%...
Trong khi đó ở khu vực phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh nên hoạt động sản xuất trong các khu công nghiệp dần hồi phục. Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào chỉ số IIP các tháng 5, tháng 6 và tháng 7 so với cùng kỳ năm trước của 2 tỉnh. Cụ thể, Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%; Bắc Ninh tăng 23,9%; giảm 8,6% và tăng 1,1%.
Tính chung 7 tháng, IIP của cả nước ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019, và cũng thấp hơn mức tăng xấp xỉ hai con số của những tháng trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tại Hà Nội tăng 7,8% so với cùng kỳ
Cục Thống kê TP Hà Nội ngày 29/7 cho biết, IIP tháng 7 ước tính tăng 1% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng năm 2021, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành đạt mức tăng cao như: Sản xuất xe có động cơ tăng 22,6%; sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất đồ uống tăng 17,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 15%; sản xuất thuốc lá tăng 13,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 13%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (7 tháng năm 2020 tăng 4%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%; khai khoáng tăng 3%.
Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 7/2021 ước tính tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
M.C