Tin thị trường: Ấn Độ đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá dầu
(PetroTimes) - Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn châu Á thứ 2 sau Trung Quốc thực hiện bán dầu từ nguồn dự trữ chiến lược quốc gia (SPR tổng trữ lượng 36,5 triệu thùng) nhằm hạ nhiệt giá dầu ở mức cao.
Theo kế hoạch, 50% dung lượng SPR sẽ được sử dụng cho mục đích thương mại, trong đó 30% cho các doanh nghiệp thuê (luân chuyển hàng hóa). Như vậy, Ấn Độ sẽ bán ra thị trường khoảng 1 triệu tấn dầu thô, cho phép các nhà lọc dầu tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ, đồng thời gây quỹ xây dựng bổ sung kho chứa tại bang Odisha (khoảng 29 triệu thùng) và Karnataka (khoảng 18 triệu thùng).
Doanh nghiệp tinh chế Ấn Độ (BPCL và MRPL) đang có kế hoạch tăng công suất hoạt động các nhà máy lọc dầu lên 100% từ mức 85-90% hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước gia tăng nhanh chóng sau đợt bùng phát Covid-19 tháng 5 vừa qua (nhu cầu đi lại tăng 53% so với tháng 1/2020 và 45% so với tháng 6). Ấn Độ hiện phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô tới 84% và mới chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp - ADNOC đang lưu trữ 11 triệu thùng trong hệ thống SPR nước này. Tuy nhiên, biện pháp bán bớt dự trữ chiến lược nhằm bình ổn giá có thể con dao hai lưỡi, tiềm ẩn rủi ro nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao.
ADNOC thông báo tăng khả năng xuất khẩu loại dầu thô nhẹ ngọt chủ lực Murban từ tháng 10/21 đến tháng 07/22 từ 1,13 triệu bpd lên 1,407 triệu bpd sau khi đạt được thỏa hiệp nới lỏng hạn ngạch khai thác OPEC+ từ tháng 05/22. ADNOC đang nỗ lực thúc đẩy đưa Murban trở thành dầu thô tiêu chuẩn khu vực, công suất khai thác loại dầu này khoảng 2 triệu bpd (từ 2.000 giếng đất liền) trong tổng công suất khai thác khoảng 4 triệu bpd.
Kết hợp với giá dầu thế giới duy trì ở mức cao, nhập khẩu dầu thô Trung Quốc năm 2021 được Energy Aspects, Rystad Energy và Independent Commodity Intelligence Services dự báo chỉ tăng trưởng 2% (hoặc thậm chí bằng năm ngoái – 11,0-11,1 triệu bpd), so với tăng trưởng bình quân hàng năm 9,7% kể từ năm 2015. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2001. Khối lượng tinh chế tháng 6 tăng 3% so với tháng 5 lên 14,86 triệu bpd, công suất hoạt động các nhà máy lọc dầu quốc doanh ổn định ở mức 82%, tư nhân 66%.
Thị trường mua bán điện châu Âu 6 tháng đầu năm 2021: Pháp vượt qua Na Uy giữ vị trí số 1 về xuất khẩu ròng với 21 TWh, trong đó, sang thị trường Anh - 8,6 TWh và Ý - 7,2 TWh bởi nhu cầu tiêu thụ điện nội địa Pháp chưa phục hồi, trong khi sản lượng điện hạt nhân gần như không thay đổi. Ngoài ra, trong bối cảnh giá phát thải CO2 tại EU tăng từ 32,73 EUR/tấn lên 56,54 EUR/tấn, thị trường sẽ ưu tiên nhập khẩu điện carbon thấp từ Pháp. Thụy Điển đứng thứ 2 về xuất khẩu điện với 11,4 TWh (thủy điện, 3 nhà máy điện hạt nhân và điện gió), tiếp đến Na Uy với 6,6 TWh. Về phía các quốc gia nhập khẩu ròng, Ý dẫn đầu với 19,8 TWh, tiếp đến là Anh - 12,3 TWh, các nước còn lại bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Ba Lan, Hy Lạp.
Trung Quốc có kế hoạch đưa thêm công suất khai thác than khoảng 110 triệu tấn vào hoạt động trong 6 tháng cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ loại nhiên liệu hóa thạch này, bao gồm 40 triệu tấn đang trong quá trình phê duyệt và 70 triệu tấn đang được xây dựng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng công suất khai thác than thêm 140 triệu tấn, tuy nhiên, vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tăng 16% do nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong thời tiết nắng nóng. Hiện Trung Quốc có khoảng 4.000 mỏ than đang hoạt động.
Viễn Đông