Phân bổ gần 4,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho 19 tỉnh, thành phía Nam
(PetroTimes) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam đã được phân bổ tổng cộng 4.883.870 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại TP HCM (Ảnh minh họa) |
Tính đến 22/7, đã thực hiện tiêm 1.843.849 liều (đạt 37,7%), trong đó 1.601.131 người đã tiêm mũi 1 và 121.359 người đã tiêm mũi 2.
Riêng TP HCM, Bộ Y tế đã phân bổ 2.358.790 liều vắc-xin; Thành phố đã thực hiện tiêm 1.039.652 liều (đạt 44,1%). Có 915.184 người tiêm mũi 1 và 62.234 người tiêm mũi 2.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trong tình hình hiện nay vắc-xin được nhận định là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch Covid-19 hiệu quả.
Thành phố ưu tiên tập trung vào đối tượng, mà không tập trung vào vùng tiêm chủng, ưu tiên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho người dân.
Từ ngày 22/7, TP HCM tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin đợt 5 với 615 điểm tiêm trên toàn thành phố và kéo dài trong 2 tuần. Mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, mỗi ngày tiêm cho 120 người/điểm.
TP HCM cũng đã chỉ định một số bệnh viện đủ điều kiện, chưa chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19, thực hiện tiêm vắc-xin cho người mắc bệnh mạn tính và có nguy cơ.
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng trong đợt 5 được xác định là những người mắc các bệnh nền (thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường); người trên 65 tuổi; người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế; người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế; người tham gia trực tiếp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, TP HCM cũng ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ cao, trong đó tập trung là người nghèo.
Việc tiêm vắc-xin sẽ đảm bảo giãn cách và phân chia nhiều điểm tiêm với quy mô nhỏ, theo khung giờ, ứng dụng công nghệ thông tin để hẹn giờ tiêm, nhập thông tin hành chính và tiền căn sức khỏe người được tiêm trước khi đến điểm tiêm.
Quy trình tiêm chủng cũng được tối giản hóa nhằm hạn chế tập trung đông người, phòng tránh lây nhiễm trong giai đoạn có nhiều ca bệnh trong cộng đồng.
Điểm đáng chú ý trong chiến dịch tiêm chủng lần này là việc xác định nơi tiêm vắc-xin không phải căn cứ vào hộ khẩu thường trú, mà theo nguyên tắc “người nào ở đâu sẽ tiêm ở đó”.
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng tiêm chủng, UBND TP HCM quyết định tạm thời sẽ không triển khai tiêm chủng ở các khu vực phong tỏa, cách ly.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP HCM yêu cầu các địa phương thông báo rõ để người dân không hoang mang việc bị mất quyền lợi.
Ngay sau khi các điểm gỡ phong tỏa, địa phương cần phải tổ chức tiêm ngay để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Về tình hình dịch bệnh, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 này, tính đến trưa ngày 23/7, cả nước ghi nhận 75.417 ca mắc Covid-19, trong đó có 74.570 ca trong nước; 9.557 người đã được chữa khỏi bệnh; 335 ca tử vong. Đến nay, có 9/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Đáng chú ý qua 5 ngày triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Tỷ lệ nhiễm sẽ có xu hướng “đi ngang” trong một vài ngày tới nếu TP HCM và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
G.M