Tiếp cận thông tin kinh tế, tìm cơ hội đầu tư
(PetroTimes) - Mới đây, Tọa đàm trực tuyến về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam được tổ chức có sự tham gia của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên. Các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích với Petrovietnam. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại tọa đàm.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Không chủ quan với lạm phát
Có một số yếu tố tác động đến CPI Việt Nam năm 2021 gồm: Giá dầu tăng khoảng 25-30% so với bình quân năm 2020, ở mức 62-64 USD/thùng, làm tăng 0,42-0,61 điểm phần trăm. Giá nguyên liệu tăng 20-25%, làm tăng 0,02-0,03 điểm phần trăm (nếu giá gas giảm có thể tác động giảm 0,01-0,02 điểm phần trăm). Giá lương thực tăng (giá gạo xuất khẩu tăng 10% do chi phí logistics tăng) làm tăng 0,4-0,5 điểm phần trăm. Việc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, nước, y tế, giáo dục...) làm tăng 0,5-0,7 điểm phần trăm...
Một số tổ chức nghiên cứu kinh tế trong nước cũng như quốc tế đã đưa ra dự báo lạm phát năm 2021 của Việt Nam sẽ khoảng 3,5-3,8%. Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn nên sẽ không tránh khỏi tác động của việc giá cả nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới tăng dẫn tới giá của một số hàng hóa nội địa tăng lên.
Dự báo, Việt Nam khó có khả năng bùng nổ tiêu dùng nội địa do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỷ lệ người được tiêm vắc-xin của Việt Nam so với các nước trên thế giới còn khá thấp, khó có khả năng mở cửa lại các dịch vụ du lịch và hàng không với nước ngoài. Gói cứu trợ của Chính phủ cho người lao động cũng chưa tạo được sức bật lớn để tạo ra một sức ép lớn lên tổng cầu.
Căn cứ phân tích về kinh tế vĩ mô, chúng tôi khuyến nghị Petrovietnam không được phép chủ quan với lạm phát, phải tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực bằng cách tiếp tục nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao; quan tâm đến vấn đề rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu (đã được cảnh báo và vẫn đang hiện hữu, một số rủi ro tài chính có dấu hiệu gia tăng); phát triển các kênh phân phối thanh toán không dùng tiền mặt...
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Thời điểm tốt để đầu tư các dự án
Kinh tế thế giới có khả năng phục hồi khá nhanh. Dự báo GDP toàn cầu tăng 6% năm 2021 và tăng 4,2-4,4% năm 2022. Tác động của vắc-xin phòng Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế nước ta và các quốc gia khác trên thế giới khoảng 2-6 điểm phần trăm. Với tình hình tiêm vắc-xin hiện nay, tôi dự đoán phải đến giữa năm 2022 Việt Nam mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Thị trường tài chính toàn cầu có một số đặc điểm chung như rủi ro tăng (nợ tăng; giá hàng hóa, lạm phát tăng; dấu hiệu bong bóng tài sản; quan hệ lỏng lẻo giữa thị trường chứng khoán và kinh tế thực...) có thể dẫn tới lãi suất tăng, dòng vốn có thể đảo chiều mạnh, nợ công và thâm hụt ngân sách còn tăng, đòi hỏi kỹ năng điều hành và phối hợp chính sách.
Từ đầu năm 2021, giá dầu Brent tăng khoảng 48%. Dự báo giá dầu thô bình quân giai đoạn 2021-2022 khoảng 60-70 USD/thùng, tương đương tăng tới 50% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều tăng mạnh, lần lượt là 27,6% và 59,18%.
Nhà máy Đạm Cà Mau là dự án có hiệu quả cao nhất của Petrovietnam |
Dự báo lãi suất USD trong 6 tháng cuối năm 2021 sẽ tăng nhẹ (do một số nước thu hẹp các gói hỗ trợ, một vài ngân hàng trung ương dự kiến tăng lãi suất điều hành...). Lãi suất huy động VND có thể tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng mùa vụ tăng và áp lực lạm phát gia tăng. Tỷ giá cơ bản ổn định, có thể tăng nhẹ (chỉ khoảng 0,5-1%) do diễn biến cung - cầu ngoại tệ thuận lợi (khu vực FDI hồi phục xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát, nhập siêu thu hẹp dần, giải ngân vốn FDI tăng khoảng 8-10%, kiều hối tăng nhẹ...).
Phân tích thị trường tài chính thế giới và trong nước cho thấy, dòng tiền “rẻ” đang cạn dần nhưng vẫn còn mặt bằng lãi suất thấp, ít nhất đến giữa năm 2022. Trong khi đó, tỷ giá cơ bản ổn định, không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI. Bởi vậy, đây là thời điểm tốt để đầu tư các dự án. Việc huy động vốn cho các dự án đầu tư cần được đẩy mạnh.
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Petrovietnam: Tiếp cận thông tin kinh tế có hệ thống
Petrovietnam phát triển theo chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, không đặt mục tiêu phải đạt lợi nhuận bằng mọi giá, không cắt giảm nhân viên khi gặp khủng hoảng kinh tế... Nhưng Petrovietnam phải hoạt động hoàn toàn theo kinh tế thị trường từ thăm dò, khai thác, sản xuất, phân phối xăng dầu, phân bón, điện, dịch vụ kỹ thuật, vận tải...
Petrovietnam khuyến khích các đơn vị thành viên tiếp cận thông tin kinh tế một cách có hệ thống, tìm thêm nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đề nghị các đơn vị thành viên Petrovietnam sau khi tham dự tọa đàm, kết hợp với những kế hoạch, thông tin có sẵn, có thể đưa vào dự báo, tìm thêm nhiều giải pháp để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Các đơn vị cần tăng cường triển khai xây dựng kế hoạch, dự báo về dòng tiền, vốn, quản lý danh mục đầu tư, cập nhật mô hình tài chính của từng dự án theo sự thay đổi, biến động thực tế.
Phân tích thị trường tài chính thế giới và trong nước cho thấy, dòng tiền “rẻ” đang cạn dần nhưng vẫn còn mặt bằng lãi suất thấp, ít nhất đến giữa năm 2022. Trong khi đó, tỷ giá cơ bản ổn định. Bởi vậy, đây là thời điểm tốt để đầu tư các dự án. Việc huy động vốn cho các dự án đầu tư cần được đẩy mạnh. |
Thành Công