Giữa đại dịch Covid-19, ngân hàng vẫn lãi lớn nhờ đâu?
Ông Lê Xuân Nghĩa, viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cho rằng, nửa đầu năm 2021, nhiều ngân hàng báo lãi lớn là do chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.
LÃI SUẤT CHO VAY LIỆU CÓ TĂNG?
Lãi suất huy động của một số ngân hàng thời gian qua rục rịch tăng kéo theo lo ngại lãi suất cho vay tăng theo. Góc nhìn của ông thế nào?
Vừa qua, một số ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi, có thể do họ khá căng về thanh khoản, nghĩa là tốc độ tăng trưởng chung của tiền gửi chậm hơn là cho vay. Vì vậy, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) hiện ở mức rất cao. Thông thường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến cáo chỉ nên sử dụng dưới 80% để cho vay nhưng vừa rồi tỷ lệ đó lên tới 85 - 90%. Tức là 100 đồng huy động thì cho vay đến 85 - 90 đồng, do đó, dự trữ thanh khoản chỉ còn khoảng 10 đồng, như thế là rất căng thẳng.
Giả sử, người dân vì sợ dịch Covid-19 kéo dài mà rút tiền ra, ngân hàng sẽ gay go. Do đó, một số ngân hàng thương mại (NHTM) bổ sung thêm dự phòng thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Vậy lãi suất cho vay có tăng lên không? Theo tôi, việc tăng lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nhìn chung, nếu lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tăng, vì ngân hàng phải đảm bảo biên lợi nhuận ổn định. Hiện nay, biên lợi nhuận của các NHTM đang giãn ra, nghĩa là chênh lệch của lãi suất tiền gửi với lãi suất cho vay đang tăng lên. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngành ngân hàng đạt mức lợi nhuận ấn tượng trong năm ngoái và nửa đầu năm nay. Nhưng dù sao, đây cũng chỉ là phỏng đoán. Còn lãi suất cho vay có tăng thật hay không, theo tôi thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Thực tế cho thấy 6 tháng đầu năm ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt. Bằng chứng là sau nửa năm thì nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa nới thêm cho một số bên. Theo ông thì vì sao tín dụng lại tăng?
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đứng ra vận động các NHTM giảm lãi suất cho vay với mục đích góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi. Khi vừa rồi, các doanh nghiệp phục hồi khá tốt, chúng ta có thể nhìn vào con số tăng của nhập khẩu mà tăng của nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu, điều này chứng tỏ doanh nghiệp được phục hồi, đầu tư tư nhân đang tăng dần.
Ở Việt Nam, những năm trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu dù nền kinh tế tăng trưởng thấp, thặng dư thương mại lớn vì không sản xuất cho nên không nhập khẩu nguyên vật liệu. Bởi vì sản xuất của Việt Nam phần lớn là gia công.
Thông thường, khi phục hồi, các doanh nghiệp sẽ tiến hành vay vốn ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn để đầu tư, mua vật tư và trang thiết bị để sản xuất. Cái tăng tín trưởng tín dụng đó, cộng thêm tăng xuất khẩu sẽ tạo ra tăng trưởng GDP trong tương lai, vì bây giờ mới đang trong giai đoạn đầu tư. Bởi thế, nửa đầu năm nay ở Việt Nam mới có câu chuyện tín dụng tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, theo tôi, còn có một lượng tín dụng đi vào chứng khoán, bất động sản. Do phần lớn các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình bị đóng cửa, không thể kinh doanh, hoạt động, nhất là các ngành dịch vụ. Một mặt, họ muốn bảo toàn vốn, mặt khác muốn kiếm thêm lợi nhuận để duy trì sản xuất kinh doanh, chi trả kinh phí mặt bằng, trả lương nhân viên. Do đó, họ sẽ chuyển hướng đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Bởi những người này có tài sản đảm bảo nên có thể vay được tiền ngân hàng.
Một số ý kiến cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhưng nếu tiền không chảy vào sản xuất, lĩnh vực ưu tiên thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ lạm phát. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
Từ đánh giá của tôi, áp lực lạm phát vẫn còn khá thấp mặc dù trong thời gian qua giá xăng tăng, giá dầu tăng, giá một số vật liệu tăng. Hiện nay dù cũng có một số áp lực lạm phát nội tại, áp lực lạm phát bên ngoài tác động vào Việt Nam nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang khống chế lượng tiền một cách chuyên nghiệp, vững chắc nên không quá lo ngại dẫn đến lạm phát.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc đang tăng chậm lại. Vì vậy, áp lực lạm phát từ ngoài vào cũng sẽ giảm đi do giá cả thế giới tăng chậm.
Còn những người tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua, theo tôi đánh giá, không chỉ là những nhà đầu tư nhỏ lẻ mà có thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình. Bởi họ nhận thấy, các ngành dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch trong thời gian dài. Cho nên, họ buộc phải tìm cơ hội đầu tư mới, dù biết rằng, kênh này có rủi ro nhưng cũng có thể kiếm tiền.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, khi dịch Covid-19 được khống chế thì dòng tiền này sẽ chảy ngược về sản xuất, kinh doanh như trước đây.
NGÂN HÀNG BÁO LÃI LỚN DO ĐÂU?
Ngân hàng Nhà nước đang vận động, kêu gọi các NHTM giảm lãi suất cho vay nhưng cũng chỉ có một số ngân hàng tiên phong. Ông thấy sao về động thái trên?
Tôi nghĩ rằng, một số ngân hàng trên đang có lợi thế trong việc giảm lãi suất. Lợi thế thứ nhất là lãi suất huy động tiền gửi ở các ngân hàng này đang khá thấp. Thứ hai là khách hàng vay vốn của họ được xếp hạng khá tốt, nhất là doanh nghiệp lớn. Thứ ba là khẩu vị rủi ro của ngân hàng là an toàn nên chọn giải pháp giảm lãi suất xuống để các doanh nghiệp có rủi ro thấp. Nhưng có thể, các ngân hàng này sẽ dùng tới các biện pháp khác để kiểm soát.
Theo tôi dự đoán, trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng có thể giữ nguyên lãi suất hoặc tăng chút ít, còn giảm thì khó.
Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra phương án các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay vì họ đang có lợi nhuận cao. Nhưng điều này cũng vấp phải sự phản ứng kịch liệt của các cổ đông trong ngân hàng, vì giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận xuống, giảm cổ tức xuống.
Vậy theo ông, việc giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng còn lại có được diễn ra sớm không?
Tôi nghĩ, các ngân hàng sẽ phải nhìn vào hoạt động trên thị trường. Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh, nhu cầu tín dụng tăng lên thì các ngân hàng sẽ không tham gia do sản xuất phục hồi thì lãi suất huy động tăng lên, nhu cầu sử dụng tín dụng nhiều hơn.
Giả sử, tiền gửi giảm đi thì không có tiền cho vay, muốn có tiền cho vay phải tăng lãi suất huy động lên, tăng lãi suất cho vay lên. Vì vậy, các ngân hàng rất khó có thể giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, một số ngân hàng có cam kết giảm lãi suất cho vay nhưng lại đi kèm một số điều kiện, mặc cả, so đo như chỉ giảm cho tùy từng khoản vay hoặc ý kiến về việc giảm lãi suất tác động đến lợi nhuận, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Các ngân hàng có thể khống chế câu chuyện tín dụng bằng nhiều con đường khác nhau. Nói cách khác là ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhưng đưa ra những điều kiện sàng lọc khách hàng khắt khe hơn, cuối cùng khách hàng khó tiếp cận được vốn nếu không phải là khách hàng tốt nhất.
Thực tế hiện nay, các NHTM khó có thể giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay nhưng vì được vận động nên các ngân hàng vẫn phải làm, mà làm thì phải cẩn thận. Vì ngân hàng cho vay bằng tiền gửi của người gửi tiền.
Theo ông các ngân hàng có nên đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang vừa căng mình chống dịch, vừa phải đảm bảo tăng trưởng không?
Đây là điều mà các NHTM cần phải suy nghĩ, bởi việc này liên quan đến lợi ích của các ngân hàng.
6 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn hồ hởi khoe lãi lớn, một phần là do họ chưa phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu NHTM giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp. Một phần nữa là lợi nhuận cao thì cổ tức lớn, giá cổ phiếu tăng, mà nhiều ngân hàng đang chuẩn bị lên sàn (IPO), ngoài ra, ngân sách cũng được tăng thu.
Còn đến một lúc nào đó nợ xấu hiện hình, bắt buộc phải được trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh, giá cổ phiếu và cả thu ngân sách cũng giảm theo.
Cho nên, các NHTM nên tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp để họ sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng phục hồi và nên coi đây như là sự chia sẻ của các cổ đông các ngân hàng cho doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, ông thấy việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp đang gặp phải những vấn đề nào?
Hiện nay, đúng là tiêu chuẩn cho vay ngân hàng khá cao và khắt khe. Còn từ xưa tới nay, những NHTM bao giờ cũng nhìn doanh nghiệp với nhiều rủi ro.
Nhìn chung, các doanh nghiệp ở Việt Nam đều có khao khát làm giàu nhưng vốn, tài sản không có, công nghệ, kinh nghiệm không có, chỉ có tinh thần, ý tưởng kinh doanh mãnh liệt.
Dù nhiều NHTM "đói" khách nhưng thấy rủi ro nên không dám vào "ăn". Từ đó, xu hướng dòng tiền của ngân hàng lại đi vào các doanh nghiệp lớn, vì ở đó rủi ro thấp, công nghệ nhân lực tốt, mối quan hệ tốt. Ngay như ở Mỹ, các ngân hàng đa phần chỉ cho các doanh nghiệp lớn vay, hoặc đầu tư vào trái phiếu. Báo chí Mỹ đang phê phán gay gắt xu hướng này.
Do đó, cái khó nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay là không có tài sản đảm bảo, thứ 2 là công nghệ, thứ 3 là nhân lực yếu, thứ 4 là kinh nghiệm quản lý kém, cuối cùng là thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn và bấp bênh.
Hơn nữa, tư duy các nhà hoạch định chính sách đang theo lối cổ điển, chỉ có sản xuất và sản xuất, kinh doanh và kinh doanh mà không biết sản xuất ra rồi tiêu thụ ở đâu. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên dư thừa hàng hóa và nghèo đói (Oxfam một tổ chức chống đói nghèo cũng từng tuyên bố gần một nửa dân số thế giới là nghèo). Đó là một nghịch lý!
Chính vì vậy, phần lớn cơ cấu tín dụng của ngân hàng ở Việt Nam hiện nay là dành cho khu vực sản xuất. Còn ở châu Âu, phần lớn tín dụng của ngân hàng đều dành cho tiêu dùng. Bởi càng tiêu dùng nhiều thì sản xuất sẽ càng nhiều, còn sản xuất ra mà không tiêu dùng được thì sản xuất làm gì.
Vì vậy, trong nền kinh tế thiếu thốn thì cung quyết định nhưng trong nền kinh tế dư thừa thì là cầu quyết định.
6 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn hồ hởi khoe lãi lớn. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và hoạt động vì lợi nhuận. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng việc lãi lớn trong bối cảnh này tạo ra những quan điểm trái chiều. Góc nhìn của ông như thế nào?
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng vận động các NHTM giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều ngân hàng liên tục báo lãi lớn.
Còn tại sao lợi nhuận ngân hàng lại tăng, theo tôi, có thể đến từ nhiều yếu tố như biên lãi suất tiền gửi cho vay giãn ra, điều này có lợi cho ngân hàng. Hay trong quá trình vận hành, các ngân hàng số hóa, từ đó tiết kiệm nhiều lao động, tiết giảm nhiều chi phí. Nhưng theo tôi, đây nguyên nhân phụ, không đáng kể.
Nguyên nhân chính là việc NHTM giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc giữ nguyên nhóm nợ xấu. Do không chuyển nhóm như vậy nên các ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro. Bởi theo nguyên lý, khi doanh nghiệp rơi xuống nhóm xấu hơn phải trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn. Do đó, lãi của ngân hàng vọt lên đồng nghĩa với việc NHTM đang tính lãi trên chính tiền của mình, vốn của mình.
Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NHTM trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Theo Dân trí