Indonesia - tâm dịch Covid-19 mới của thế giới
Đại dịch Covid-19 đã càn quét Ấn Độ với số người chết tăng vọt, bệnh viện quá tải và nguồn ôxy cạn kiệt, và giờ là Indonesia.
Bệnh nhân Covid-19 nằm điều trị trong lều bên ngoài bệnh viện Sardjito ở Yogyakarta, Indonesia hôm 15/7 (Ảnh: New York Times). |
Trên khắp hành lang, trong những lều bạt tạm bợ và xe hơi, nhiều người nằm thở dốc trong khi chờ giường bệnh do các bệnh viện đều quá tải và cũng không có đủ ôxy. Những người khác thậm chí coi bệnh viện là nơi nguy hiểm và tự chữa trị ở nhà.
Hiện Indonesia trở thành tâm dịch mới, vượt qua Ấn Độ và Brazil để trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới. Làn sóng dịch cũng đang bùng phát tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á, nơi từng là hình mẫu chống dịch thành công nhưng giờ bị biến chủng Delta tấn công mạnh mẽ do tỷ lệ tiêm vắc xin thấp.
Ở Indonesia, số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng vọt trong tháng 7 khi biến chủng Delta quét qua đảo Java đông dân nhất cũng như hòn đảo xinh đẹp Bali. Tại một số khu vực, Covid-19 khiến hệ thống y tế quá tải.
Ngày 15/7, các nhà chức trách Indonesia đã báo cáo gần 57.000 ca nhiễm mới trong một ngày - gấp 7 lần so với 1 tháng trước. Đến ngày 16/7 nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục 1.205 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên hơn 71.000 người. Tiếp đến là 51.952 ca mắc mới và 1.092 ca tử vong trong ngày 17/7.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, những con số đó không đánh giá được mức độ lây lan rộng ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, vì năng lực xét nghiệm còn hạn chế. Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia tại Đại học Griffith ở Australia ước tính, số ca bệnh thực sự có thể cao gấp 3-6 lần.
Ôxy đang khan hiếm tại các bệnh viện ở Indonesia (Ảnh: New York Times). |
Mặc dù số ca nhiễm ở Indonesia đang tăng đột biến, các quan chức nước này cho biết đã kiểm soát được tình hình. Bộ trưởng Luhut Pandjaitan, người được Tổng thống Joko Widodo giao nhiệm vụ xử lý khủng hoảng đại dịch cho rằng: "Chúng tôi hy vọng rằng con số nhiễm mới sẽ không lên đến 100.000 ca mỗi ngày nhưng ngay cả như vậy, chúng tôi vẫn sẵn sàng cho tình hình này".
Tuy nhiên, theo New York Times, nhiều người Indonesia đã phải đối mặt với tình huống xấu nhất trong nhiều tuần.
Bệnh viện công khu vực Bekasi, nơi nhiều bệnh nhân Covid-19 đã phải chờ đợi trong nhiều ngày mới được điều trị, 10 lều bạt đã được dựng lên trong khuôn viên bệnh viện với sức chứa 150 người.
Gần đó, ở thủ đô Jakarta, một hàng dài người bệnh chờ đợi hàng giờ đồng hồ bên ngoài một trạm y tế nhỏ, với hy vọng được đổ đầy bình ôxy di động của họ. Trong số này có Nyimas Siti Nadia, 28 tuổi, người đã phải quay cuồng tìm kiếm ôxy cho gia đình người dì của cô, tất cả đều bị nhiễm Covid-19.
"Dì của tôi là một bác sĩ và bà sợ đến bệnh viện vì biết rất rõ tình hình ở đó", cô Nyimas nói. "Có nhiều ca bệnh không có giường nằm hoặc thở oxy. Nếu đến bệnh viện, chúng tôi phải tự mang bình ôxy".
Nhiều người dân cho biết, mọi việc như ác mộng khi phải đưa người thân đến bệnh viện điều trị Covid-19. Một số bệnh viện chỉ chấp nhận những bệnh nhân tự mang ôxy cho họ. Ở những nơi khác, bệnh nhân chờ đợi ngày đêm chỉ để có được chỗ để nằm.
Nhưng vấn đề là tình trạng thiếu ôxy ở các bệnh viện. Tại Bệnh viện Đa khoa Sardjito ở thành phố Yogyakarta, 33 bệnh nhân đã tử vong trong tháng này sau khi nguồn cung cấp ôxy cạn kiệt.
Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Indonesia, tiến sĩ Lia G. Partakusuma, cho biết một số bệnh viện đang sử dụng lượng ôxy lỏng gấp 5 lần bình thường và các nhà phân phối đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.
Nhưng bà Partakusuma cho biết dù một số bệnh viện đã thông báo nếu bệnh nhân mang theo bình ôxy riêng thì hãy sử dụng nó trước vì nguồn cung cấp ôxy của chúng tôi hạn chế, nhưng như vậy không có nghĩa là bệnh nhân bắt buộc phải mang theo ôxy.
Theo Dân trí