Khi lính biển căng mình chống dịch
(PetroTimes) - Dầm mưa, dãi nắng canh gác 24/24h, chốt trực cách nhà chưa đầy 2 cây số nhưng không về được; chỉ biết nhìn vợ con từ xa qua kính chắn giọt bắn; nằm đất, cơm hộp, ngủ chập chờn chờ gọi “đi ca”. Đó là “cuộc sống” đang diễn ra của 20 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân ở nơi tâm dịch. Nhưng tất cả đều chung một quyết tâm chiến thắng, đem bình yên đến cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Mệnh lệnh khẩn cấp
0 giờ ngày 14 -7 thành phố Vũng Tàu Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện dãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ để sàng lọc F0 cũng là lúc Lữ đoàn tàu săn ngầm 171 Vùng 2 Hải quân bước vào “cuộc chiến đấu mới”. Đóng quân tại thành phố Vũng Tàu, phường 11 được coi là “tâm dịch” của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi liên tục có những ca nhiễm Covid trong cộng đồng. Ban chỉ huy Lữ đoàn 171 xác định thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa chống dịch Covid-19. Trong bất kỳ điều kiện khó khăn gian khổ nào cũng không để dịch vào đơn vị, đồng thời sẵn sàng tham gia cùng địa phương chống dịch.
Chốt chống dịch tại đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu do cán bộ chiến sĩ 171 Hải quân canh gác |
Để chung tay cùng người dân thành phố Vũng Tàu chặn không cho dịch lây lan trong cộng đồng, nhất là các khu phố thuộc phường 11 – nơi Lữ đoàn 171 đóng quân có nhiều ca nhiễm Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Vùng 2, Lữ đoàn 171 đã quyết định sử dụng 20 cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia cùng thanh niên, giáo viên, dân quân tự vệ, công an thành phố Vũng Tàu, tổ chức chốt chặn tại các hẻm 999, 1007, 1013 đường 30 tháng tư - nơi phát hiện ca nhiễm F0. 20 cán bộ chiến sĩ được Lữ đoàn 171 cử đi tham gia chống dịch là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và chiên sĩ có bản lĩnh kiên cường, sức khoẻ tốt, năng động và có khả năng cơ động linh hoạt xử lý tốt các tình huống.
Ngay sau khi bàn giao cho UBND phường 11, dưới sự điều hành phân công của Ban Chỉ đạo chống dịch Thành phố Vũng Tàu, 10 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ cùng các lực lượng trực chốt tại các đầu đường ở các phường Rạch Dừa, Phường 10, Phường 1, phường 4 . 10 cán bộ chiến sĩ còn lại trực chốt tại các “điểm nóng” ở phường 11.
Trung tá Nguyễn Văn Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171 cho biết, sau khi nhận được mệnh lệnh của Tư lệnh Vùng 2, Lữ đoàn đã cử ngay lực lượng 20 cán bộ chiến sĩ tham gia chống dịch với nhân dân địa phương. Đây được coi là nhiệm vụ khẩn cấp. Dưới sự điều phối lực lượng của chính quyền địa phương, 20 cán bộ chiến sĩ thực hiện canh gác, chốt chặn tại các điểm dịch. Một số khác giúp địa phương sắp xếp nơi ăn nghỉ để đón người về cách ly tập trung. Từ khi tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có dịch, tất cả cán bộ chiến sĩ thực hiện ở tại đơn vị nhưng xác định tốt nhiệm vụ. Trong thời gian TP Vũng Tàu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, 20 cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, thực hiện “3 tại chỗ”; không được tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và người thân trong gia đình. Hết thời gian làm nhiệm vụ, các chiến sĩ phải cách ly đủ thời gian theo quy định mới được trở lại đơn vị huấn luyện, học tập, công tác. Vì sự bình yên của nhân dân, cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn sẵn sàng hi sinh quên mình.
Nước mắt từ tâm dịch
Đầu giờ chiều 16-7, chúng tôi được phép đến hẻm 1007 và hẻm 1013 đường 30 tháng tư phường 11 (TP. Vũng Tàu). Tại đây có 10 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 tham gia cùng với công an, thanh niên và dân quân tự vệ địa phương chốt chặn không cho người qua lại để tránh thâm nhập, lây lan dịch ra cộng đồng.
Giữa cái nắng chang chang rát bỏng, Đại uý quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Văn Chiến - nhân viên thuộc phòng Tham Mưu Lữ đoàn 171 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ. Trong bộ quân phục hải quân dã chiến, đầu đội mũ cối, miệng kín khẩu trang, mắt che kính giọt bắn, khuôn mặt đẫm mồ hôi. Chiến bảo, gần một tháng qua, anh chưa về nhà thăm vợ con, mặc dù nhà và đơn vị chỉ cách nhau chưa đầy 3km. “Từ khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có dịch, chúng tôi ăn, nghỉ “3 tại chỗ ở UBND phường 11”. Mọi việc gia đình chăm sóc hai con nhỏ đều do vợ tôi lo. Đêm qua trời mưa to quá, chúng tôi đứng gác run bần bật. Nước mưa chảy từ hẻm dâng lên nửa ghế. Nhưng thà đứng dưới mưa chấp nhận gian khổ, còn hơn để lọt một ai đó “lọt” chốt truyền dịch cho cộng đồng. Vất vả hai tuần, để sau đó an toàn”- Đại uý Chiến chia sẻ.
Ánh mắt nhớ con của Đại uý Nguyễn Văn Chiến khi nghỉ giải lao |
Biết chồng tham gia chống dịch gần tháng không được gặp con, chị Hoàng Thị Lan chở con trai ra thăm bố. Thấy bố đứng từ xa, bé Nguyễn Hoàng Quốc Bảo gọi to: “Bố Chiến ơi, cố lên. Cả nhà chờ bố về khi hết dịch nhé”.
Nhìn chồng đứng gác đầm đìa mồ hôi dưới cái nắng ngột ngạt, nước mắt chị Lan bỗng dưng trào ra xúc động. “Em chỉ biết động viên các anh yên tâm làm nhiệm vụ. Việc ở nhà chăm sóc con cái đã có em lo. Những đêm hai con em nhớ bố, em gọi zalo cho bố con gặp nhau”. Mắt chị Lan đỏ hoe xúc động. Chị nhờ người chuyển hộ cặp lồng thức ăn cho chồng rồi chở con trai về nhà để tránh lây nhiễm.
Các chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân giúp dân địa phương dọn chỗ để tiếp người người đến cách ly tập trung |
Vì sự bình yên
Cùng tham gia chốt chặn ở hẻm 1007 đường 30 tháng tư với Đại uý Nguyễn Văn Chiến, Thiếu tá QNCN Nguyễn Khắc Đường và Thiếu tá QNCN Dương Văn Nhàn cũng “căng mình” từ sớm tới khuya.
Hơn một tháng qua Thiếu tá QNCN Nguyễn Khắc Đường chưa một lần về thăm nhà dẫu giữa đơn vị và gia đình chỉ cách nhau một bức tường rào. Nhưng để bảo đảm an toàn cho vợ, con và đơn vị, anh chấp hành nghiêm “cắm chốt” “3 cùng” với đồng đội. Khi thành phố Vũng Tàu thực hiện dãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, Đường là người có mặt đầu tiên trong 20 người ra “tuyến đầu chống dịch”. Thiếu tá Đường bảo: “Có lẽ đây là trận chiến cuối cùng của đời quân ngũ. Đánh giặc không tiếng súng còn khó khăn hơn nhiều so với lính thời chiến trận. Vì “giặc” vô hình lẩn khuất trong không khí. Nhiệm vụ rất nặng nề căng thẳng, áp lực, nhưng cũng tự hào vinh quang. Vì sự bình yên của nhân dân, nhất định chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, sẽ chiến thắng “giặc” Covid-19”- Thiếu tá Nguyễn Khắc Đường, nói.
Thiếu tá QNCN Dương Văn Nhàn cả tháng trực trong đơn vị, vậy mà khi nhận được lệnh vào tâm dịch chốt chặn, Nhàn không ngần ngại. Ngược lại, anh tự động viên mình và đồng đội cố gắng vượt qua những lúc khó khăn, cùng nhân dân chống dịch là điều nên làm lúc này. “Đã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Vào tâm dịch chống covid-19 cũng là ra chiến trận đánh giặc. Nhất định sẽ chiến thắng. Cứ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, mọi việc gia đình đã có vợ lo. Hết dịch cả nhà đoàn viên càng vui, càng không muộn”- Nhàn chia sẻ.
Các chiến sĩ Lữ đoàn 171 quyết tâm hoàn thành nhiêm vụ chốt chặn chống Covid-19 |
Để bảo đảm cơm chín nước sôi và dinh dưỡng cho gần 500 cán bộ chiến sĩ khối tàu săn ngầm, Thiếu tá QNNC Lê Thị Xuân “chia tay” chồng và hai con vào đơn vị “3 tại chỗ” cùng đồng đội. Hằng ngày chị tiếp nhận thực phẩm tập từ “tiếp phẩm tập trung” rồi cùng các chiến sĩ nuôi quân nhặt rau, ra thịt, xào, nấu, chia cơm. Khi bộ đội lên giường nghỉ trưa cũng là lúc chị rửa chén bát và chuẩn bị bữa ăn chiều. Dẫu công việc khá nhọc nhằn vất vả, nhưng trên môi chị luôn nở nụ cười, vì đã nấu ăn cho cán bộ chiến sĩ đủ dinh dưỡng, có sức khoe tốt để huấn luyện dẻo dai và chống dịch Covid-19. “Bất kể quân nhân nam hay nữ, được giao nhiệm vụ thì cố gắng hoàn thành. Giữa đại dịch Covid phức tạp, có việc làm ổn định đã là hạnh phúc. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp bộ đội có đủ sức khoẻ để huấn luyện tốt, cũng là góp phần chống dịch Covid-19”- Thiếu tá Xuân, chia sẻ.
Mai Thắng - Văn Long