Chuyên gia lý giải việc tiêm kết hợp 2 loại vaccine ngừa COVID-19
Theo Bộ Y tế, trong trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý.
WHO: Không nên tiêm trộn các loại vắc xin Covid-19 |
Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng một loại vaccine là rất khó khăn.
Một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer. Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm 2 loại vaccine AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Theo GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, căn cứ số lượng vaccine được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: "Trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý". Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, một số nghiên cứu đang được tiến hành để trả lời các câu hỏi về an toàn và hiệu quả khi sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau cho liều đầu tiên và liều thứ 2. Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã xem xét các kết quả nghiên cứu hiện có, trong đó vaccine của Pfizer được tiêm ở liều thứ hai sau khi tiêm liều đầu tiên vaccine AstraZeneca. Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng đã cập nhật khuyến nghị của mình và ủng hộ việc sử dụng vaccine Pfizer để được tiêm liều thứ hai cho những người đã tiêm vaccine AstraZeneca liều đầu tiên nếu vaccine AstraZeneca không có sẵn do hạn chế về nguồn cung cấp hoặc các mối quan tâm khác. WHO khuyến khích và hoan nghênh các nghiên cứu sâu hơn về sự kết hợp của các sản phẩm vaccine khác nhau.
Còn PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì cho biết, hiện một số nước ở châu Âu đang xem xét việc tiêm phối hợp loại vaccine AstraZeneca và Pfzier. Trước mắt, các kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine là tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút nhưng số liệu này mới chỉ là bước đầu. Theo ghi nhận thì số lượng phản ứng sau tiêm chủng cũng cao hơn một chút nhưng ở mức độ chấp nhận được.
“Theo chúng tôi được biết thì WHO cũng như các quốc gia đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện hơn trước khi đưa ra khuyến cáo chính thức về việc sử dụng các loại vaccine khác nhau”, bà Hồng nêu rõ.
Cũng theo bà Hồng, Việt Nam cũng sẽ phải có một hội đồng khoa học, các ủy ban tư vấn sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế xem xét vấn đề này rồi mới được phép đưa ra khuyến cáo cho người dân.
“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang nỗ lực cung ứng vaccine phòng COVID-19 kịp thời để những người tiêm mũi 1 AstraZeneca thì thì mũi 2 cũng được tiêm loại vaccine này để bảo đảm phòng bệnh và an toàn tiêm chủng”, bà Hồng cho biết.
Theo baochinhphu.vn