Điều chưa từng thấy tại Ấn Độ: Tầng lớp trung lưu cũng "đói ăn"
Người dân Ấn Độ đang chứng kiến nền kinh tế bị kiệt quệ trong các đợt phong tỏa suốt 12 tháng qua.
"Tôi quá mệt mỏi khi phải lo cho bữa ăn tiếp theo"
Gần một năm nay, ba đứa trẻ của cô Chanchal Devi đã không được uống sữa. Người phụ nữ 35 tuổi này và chồng cô không còn đủ khả năng để mua sữa cho bọn trẻ uống sau khi cả hai bị mất việc trong đợt thủ đô New Delhi của Ấn Độ phong tỏa hồi tháng 3 năm ngoái.
Tình hình càng trầm trọng hơn sau tháng 4 vừa qua khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tăng mạnh. Giờ đây họ đang phải vay tiền để mua thức ăn và phải chứng kiến bọn trẻ đang ở độ tuổi ăn học phải ăn ít đi và thường đi ngủ với cái bụng đói.
"Tôi không thể ngủ trong nhiều đêm rồi. Tôi quá mệt mỏi khi phải lo cho bữa ăn tiếp theo", cô Chanchal nói trong một ngôi nhà ở khu dành cho lao động nhập cư cách tòa nhà quốc hội Ấn Độ khoảng 20 phút.
"Tôi quá mệt mỏi khi phải lo cho bữa ăn tiếp theo", cô Chanchal nói (Ảnh: Bloomberg). |
Những gia đình như Chanchal - có hai người làm công ăn lương với một ít tiền tiết kiệm sống trong một căn hộ thuê - nằm trong số những người dân Ấn Độ đang chứng kiến nền kinh tế bị kiệt quệ trong các đợt phong tỏa suốt 12 tháng qua.
Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, hơn 15 triệu người Ấn Độ đã mất việc làm trong tháng 5 - thời điểm làn sóng Covid-19 chủng Delta tàn phá Ấn Độ khiến các bệnh viện và lò hỏa táng rơi vào quá tải. Tất cả khiến nạn đói gia tăng, đặc biệt ở các khu vực thành thị, tại một đất nước vốn có 1/3 dân số suy dinh dưỡng. Mặc dù có ít số liệu thống kê nhưng những người di cư và công nhân tại các trung tâm phát thức ăn miễn phí ở các thành phố lớn ở Ấn Độ cho biết, họ không thể nhớ đã phải xếp hàng bao lâu để được ăn.
Aditi Dwivedi, một người làm việc trong cộng đồng lao động nhập cư Satark Nagrik Sangathan, cho biết: "Sự tuyệt vọng về thực phẩm và việc những gia đình có hai người làm công ăn lương cũng phải xếp hàng dài để lấy khẩu phần ăn là điều chưa từng thấy". Nhóm đang tìm cách vận động để có thêm viện trợ lương thực cho người nghèo.
Lương trung bình của 230 triệu người Ấn Độ về dưới 5 USD/ngày
Theo một nghiên cứu của Đại học Azim Premji ở bang Bangalore, khi nền kinh tế Ấn Độ giảm 7,3% trong năm ngoái, mức lương trung bình hàng ngày của khoảng 230 triệu người dân Ấn Độ đã giảm xuống dưới ngưỡng 375 rupee (khoảng 5 USD). "90% người được hỏi cho biết các hộ gia đình đã bị giảm lượng thức ăn do tác động của phong tỏa", nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cho biết, số người sống trong các hộ gia đình có thu nhập dưới mức 5 USD đã tăng vọt từ mức 298,6 triệu người hồi tháng 3/2020 lên 529 triệu người vào cuối tháng 10/2020.
"Nếu năm ngoái là khó khăn thì giờ thật khó tưởng tượng được mức độ của cuộc khủng hoảng năm nay", ông Amit Basole - Giám đốc Trung tâm Việc làm bền vững tại Đại học Azim Premju, đồng tác giả của báo cáo State of Working India - nói.
"Năm nay, người dân đã cạn kiệt tiền tiết kiệm và đang phải trả nợ. Chúng tôi không nghĩ là mọi người sẽ lấy lại được mức thu nhập như hồi tháng 1-2/2020 ngay trong năm dương lịch này", ông cho biết thêm.
Ở phía đông nam thủ đô Delhi, gần như 5 giờ sáng mỗi ngày trong 6 tháng qua, ông Naresh Kumar, 45 tuổi, đã phải xếp hàng bên ngoài các cửa hàng phân phối thực phẩm ở địa phương để lấy thức ăn trước khi bị phát hết. Nhưng ít nhất thì ông vẫn đủ điều kiện để nhận thức ăn. Bởi hơn 100 triệu người khác vẫn nằm ngoài hệ thống phân phối công cộng này của chính phủ do dữ liệu dân số lỗi thời, theo một nghiên cứu vào năm ngoái của các nhà kinh tế Reetika Khera, Meghana Mungikar và Jean Dreze.
"Vào những ngày có thức ăn, khẩu phần ăn thường hết trước khi đến lượt tôi. Những ngày khác thì họ lại nói không còn gì để phân phát", Kumar - người đang phải vật lộn để tìm việc sau khi cả hai vợ chồng anh đều bị mất việc vào năm ngoái - chia sẻ.
Bếp ăn Khaana Chahiye đang chuẩn bị thức ăn để phát cho người nghèo (Ảnh: Bloomberg). |
Theo luật, mỗi tháng chính phủ Ấn Độ phải cung cấp 5 kg gạo, lúa mì và ngũ cốc thô với mức trợ cấp thấp nhất là 1 rupee/kg cho những người nghèo nhất Ấn Độ. Tháng 6/2020 khi hàng triệu người nhập cư ở các thành phố bị phong tỏa đi bộ trở về các ngôi làng của mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo tăng thêm 6 kg mỗi người cho đến tháng 11 với tổng chi phí là 1.500 tỷ rupee (tương đương 20 tỷ USD). Chương trình đã được tái khởi động hồi tháng 4 và đang được kéo dài đến tháng 11 năm nay.
Kế hoạch cung cấp thực phẩm
Chính quyền các bang cũng đang phải vật lộn để cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Đáp lại lệnh của tòa án tối cao nước này trong việc nối lại các biện pháp cứu đói trong bối cảnh Delhi phong tỏa vào tháng 4, Thủ hiến bang Delhi, ông Arvind Kejriwal, đã công bố kế hoạch cung cấp lương thực miễn phí trong 2 tháng cho 7,2 triệu người có thẻ khẩu phần và hỗ trợ 5.000 rupee cho 156.000 xe kéo và tài xế taxi.
Hôm 7/7, bà Abhinandita Mathur, phát ngôn viên của chính quyền Delhi, cho biết khẩu phần lương thực đang được bổ sung sau khi hết hàng vào tháng 6 khiến nhiều gia đình lao đao.
Ở Mumbai, bà Swaraj Shetty đã đồng sáng lập Khaana Chahiye hay bếp ăn Want Food từ tháng 4 năm ngoái để phát các bữa ăn miễn phí cho người nghèo. Theo bà, đây là một nỗ lực ngắn hạn nhằm hưởng ứng lời kêu gọi cứu đói từ bên ngoài Mumbai và các thành phố như Pune và Bangalore.
"Năm ngoái chủ yếu là lao động nhập cư nhưng năm nay, chúng tôi thấy có cả những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng xếp hàng để được giúp đỡ", bà Shetty nói. Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ, những người có thu nhập từ 10-20 USD/ngày, đã giảm 32 triệu người trong cuộc suy thoái năm 2020 do đại dịch, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.
Sujata Sawant, 44 tuổi, cũng nhận thấy nhu cầu tăng lên tại một bếp ăn cộng đồng mà cô bắt đầu triển khai từ hồi tháng 4 vừa qua. Ban đầu nhóm của cô chỉ phát thức ăn cho 300 người nhưng hiện nay con số đã lên hơn 1.300 người mỗi ngày. "Chúng tôi không thể phục vụ xuể vì có quá nhiều người cần. Con số đang tăng lên mỗi ngày trong khi chi phí thì ngày càng hạn hẹp", cô nói.
Giá lương thực thực phẩm tăng cao khiến các nhà kinh tế đang kêu gọi mở rộng việc phân phát ngũ cốc theo Đạo luật An ninh lương thực quốc gia của Ấn Độ. Một mùa màng đình trệ có thể khiến lạm phát lương thực ở mức 5% trong tháng 5.
Những chi phí cao hơn đó đang là nỗi lo ngày càng tăng đối với góa phụ 32 tuổi Saliqa Begum. Năm ngoái, Saliqua rời Delhi để trốn đói sau khi mất công việc giúp việc gia đình, nhưng chỉ vài tháng sau cô lại quay lại thành phố này để kiếm thức ăn cho ba đứa con.
Giống như hầu hết những người nghèo ở thành thị, Saliqa không có đất để canh tác tại chính ngôi làng của cô ở bang Bihar, miền Đông nước này. Ở Delhi, cô lo lắng khi giá nhiên liệu, dầu ăn và gia vị đang ngày một tăng. "Nếu bây giờ có làn sóng virus thứ 3, không hiểu chúng tôi sẽ xoay xở như thế nào nữa?", Saliqua nói.
Theo Dân trí