Chấm thi tốt nghiệp THPT 2021: Đảm bảo công bằng, quyền lợi cho thí sinh
(PetroTimes) - Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ trong chuyến kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Yên Bái, Phú Thọ, ngày 13/7.
Hà Nội: Gần 800 giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT |
Chấm thi tốt nghiệp THPT: Tôn trọng quan điểm, lý lẽ của thí sinh |
Điểm thi được quyết định thế nào khi hai giám khảo chấm khác nhau? |
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với giáo viên tham gia chấm bài thi Ngữ văn tại tỉnh Yên Bái |
Kiểm tra thực tế các phòng chấm thi tự luận và trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Yên Bái, Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dành nhiều thời gian trao đổi với lãnh đạo, cán bộ chấm thi về những nội dung liên quan đến đáp án/hướng dẫn chấm môn tự luận, quy trình/kỹ thuật chấm môn trắc nghiệm.
Ghi nhận công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện với các biện pháp đảm bảo an ninh Quy chế, an toàn phòng dịch của Yên Bái, Phú Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hội đồng thi tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo an toàn về dịch và chất lượng tốt nhất. Những tình huống phát sinh trong quá trình chấm, khi xử lý, phải ưu tiên đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Việc chọn người vừa có năng lực chuyên môn, trách nhiệm để tham gia chấm thi là đặc biệt quan trọng. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Từng thành viên làm tốt nhiệm vụ của mình thì hoạt động của cả Hội đồng sẽ hiệu quả, chất lượng, đồng thời hoan nghênh Hội đồng chấm thi tỉnh Yên Bái đã sơ đồ hoá quy trình chấm thi, dán trong mỗi phòng chấm, để từng thầy cô nắm rõ đường đi của bài chấm và thực hiện đúng.
Các quy định trong chấm thi tự luận như: một bài thi phải được chấm bởi 2 cán bộ chấm độc lập, có thống nhất điểm, chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi; chấm trắc nghiệm theo quy trình 4 bước… được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu thực hiện đúng. Trong đó, công tác chấm tự luận phải chắc chắn, đều tay; cán bộ chấm cần nắm rõ đáp án và hướng dẫn chấm để cho điểm những bài làm sáng tạo, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Việc chấm bài trắc nghiệm phải đảm bảo an toàn, chặt chẽ trong từng công đoạn. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần tăng cường triển khai, trên tinh thần hỗ trợ, tư vấn kịp thời, giúp công tác chấm thi đạt hiệu quả, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế.
N.H