40 ngày chống dịch ở TP HCM: Vì sao 2 đợt giãn cách trước không như mong muốn?
0h ngày 9/7, TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn sau quãng thời gian dài thay đổi nhiều phương án chống dịch nhưng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, khi dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rộng.
"Sài Gòn những ngày cách ly xã hội à? Tôi thấy buồn hơn, chậm rãi hơn nhưng đẹp hơn và an toàn hơn" - Ngọc (28 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM), gói gọn khung cảnh những ngày đầu tiên thành phố nơi mình đang sinh sống, làm việc, bước vào khoảng thời gian cách ly xã hội chỉ trong vài từ.
Nữ nhân viên văn phòng thuật lại cảnh đường phố vắng vẻ, người dân xếp hàng chậm rãi vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, dây phong tỏa, hàng rào cách ly... được dựng lên ở nhiều nơi, tạo nên hình ảnh một thành phố tĩnh lặng. Nhưng theo cô, vẻ tĩnh lặng ấy là cần thiết để có được sự an toàn.
Sau 40 ngày kể từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên, TP HCM đã thay đổi nhiều biện pháp, phương án để đẩy lùi dịch Covid-19. Tuy nhiên, những con số thực tế cho thấy cục diện chưa thể đảo ngược, số bệnh nhân liên quan đến đại dịch vẫn tăng lên từng ngày.
Cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ nhất trong danh mục các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Sau khoảng thời gian số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn được công bố nhiều hơn 1.000 mỗi ngày, việc TP HCM triển khai Chỉ thị 16 như một điều tất yếu.
"Để nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19, TP HCM xác định cần làm quyết liệt hơn và xem đây là cuộc chiến thật sự. Thành phố sẽ hy sinh lợi ích ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn, nâng cao thêm một mức trong công tác phòng, chống dịch Covid-19", Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, chia sẻ ngày 7/7, trong buổi công bố áp dụng Chỉ thị 16 toàn địa bàn từ 0h00 ngày 9/7.
Một khu chung cư được ngành y tế TP HCM sử dụng để thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với quy mô 2.000 giường |
"Thủng lưới vì tình huống phạm luật đặc biệt nguy hiểm"
Những ngày cuối tháng 5, TP HCM ghi nhận những trường hợp đầu tiên của ổ dịch Covid-19 lớn liên quan đến một nhóm truyền giáo ở quận Gò Vấp. Với 140 F0 ghi nhận chỉ sau 4 ngày, quyết định giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15+ và Chỉ thị 16 với 2 điểm nóng của dịch Covid-19 được đưa ra như một điều tất yếu, nhằm giành lại thế trận có phần thất thế.
"Thủng lưới vì một tình huống phạm luật đặc biệt nguy hiểm" là nhận định của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, đưa ra một ngày trước khi thành phố áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Suốt thời gian dài trước đó, thành phố đông dân nhất cả nước đã áp dụng nhiều biện pháp phòng bị với dịch Covid-19, các hàng quán tạm ngừng phục vụ trực tiếp, nhiều lĩnh vực dịch vụ cũng tạm dừng…
Tại buổi họp công bố đợt giãn cách xã hội toàn thành phố đầu tiên ngày 30/5, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu TP HCM phải tự đặt câu hỏi: Vì sao chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng lây lan đến 140 ca chỉ trong 4 ngày. Ngoài ra, những ca âm thầm trong cộng đồng mà thành phố chưa truy vết tới, đang lây lan ở mức độ nào?
Người dân quận Gò Vấp chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 |
"Cần kiểm tra nguyên nhân để xảy ra việc này, trách nhiệm ra sao? Vì sao không phát hiện được sớm? Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát huy sức mạnh chính trị nhưng vẫn để thủng lưới?", hàng loạt câu hỏi được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nêu ra với TP HCM.
Thực tế cho thấy, chuỗi lây nhiễm Covid-19 lớn nhất của TP HCM thời điểm trên được phát hiện thông qua 3 ca "chỉ điểm" thăm khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh).
Trong khoảng thời gian trước đó, điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã sinh hoạt vào 4 ngày là 2/5, 9/5, 16/5 và 23/5, ở địa điểm chật chội, không đảm bảo không giãn cách…
Nhiều nơi tập trung đông người trong ngày giãn cách
0h ngày 31/5, TP HCM bước vào ngày đầu tiên của đợt giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 15+, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) áp dụng Chỉ thị 16. Đây là phương án chưa có tiền lệ của TP HCM trong suốt quãng thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Việc áp dụng một giải pháp riêng, lần đầu cho 2 khu vực khiến những lúng túng, bất cập bộc lộ.
Trong giờ cao điểm sáng 31/5, lượng lớn phương tiện ùn ứ, tập trung trước các chốt kiểm soát khiến quận Gò Vấp phải tạm gỡ bỏ các điểm chặn này để lên phương án tăng cường, bổ sung lực lượng và tái lập lại vào ngày hôm sau.
Ùn tắc giao thông xảy ra trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp (Ảnh: Hải Long). |
Sau 2 ngày liên tiếp phải thông chốt vì ùn tắc kéo dài, UBND TP HCM đã họp khẩn để tháo gỡ sự lúng túng này. Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức thừa nhận việc quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách ở cấp độ khu vực là điều thành phố chưa có kinh nghiệm. Những ngày đầu tiên, các khó khăn nhất định còn tồn tại trong việc đảm bảo lưu thông và hoạt động của người dân.
Việc tập trung đông người tại các chốt kiểm dịch trên địa bàn quận Gò Vấp được cải thiện trong ngày giãn cách thứ 3. Bằng phương án mở chốt trong giờ cao điểm và kiểm soát bằng ứng dụng khai báo y tế, các cửa ngõ ra vào quận đã dần thông thoáng.
Ngày 19/6 đánh dấu một sự kiện quan trọng của TP HCM khi chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử đã được khởi động. Khâu tổ chức một lần nữa bộc lộ thiếu sót khi người tới tiêm không đảm bảo được khoảng cách an toàn trong thời điểm giãn cách toàn thành phố.
Một hình ảnh lo ngại xuất hiện vào ngày 24/6, thời điểm toàn ngành y dồn lực để tăng tốc cho chiến dịch lịch sử. Khu vực xếp hàng phía ngoài cửa nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) trật kín người, âm thanh kêu gọi từ những chiếc loa của lực lượng chức năng hoàn toàn bất lực trước dòng người ùn ùn kéo đến, đứng san sát, chen lấn.
Trong suốt những ngày qua, khi số ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã thuyên giảm, những ca mắc Covid-19 mới trong khu cách ly, vùng phong tỏa chiếm đa số những bệnh nhân được công bố trong ngày tại TP HCM. Thực trạng trên mang lại dấu hiệu đáng mừng khi số ca nhiễm trong cộng đồng đã được hạn chế phần nào, tuy nhiên cũng đặt ra câu hỏi đối với lực lượng chức năng về công tác kiểm soát lây lan tại những khu vực nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Trước đặc tính lây lan mạnh của biến chủng SARS-CoV-2 mới, từ đầu tháng 7, UBND TP HCM đã yêu cầu các địa phương không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly tập trung. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố, việc không đảm bảo nhà vệ sinh riêng tại những trường học sẽ không đủ an toàn để thực hiện công tác cách ly.
Hình ảnh người dân, tiểu thương chen nhau đi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ đầu mối Bình Điền |
Đến ngày 5/7, hình ảnh người dân, tiểu thương chen nhau đi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại chợ đầu mối Bình Điền một lần nữa khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Có thời điểm, cả trăm người xúm lại, tranh giành nhau giấy xét nghiệm khiến khung cảnh trở nên hỗn loạn, tăng nguy cơ lây nhiễm.
Nếu triển khai Chỉ thị 16 sớm hơn, cục diện sẽ có nhiều khác biệt
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), nhận định các phương án phòng, chống Covid-19 của thành phố đang có phần chậm và chưa giành được thế chủ động hoàn toàn. Vị bác sĩ cho rằng nếu Chỉ thị 16 được triển khai sớm hơn, cục diện của thành phố sẽ có nhiều khác biệt.
Lật lại vấn đề trước đây, bác sĩ Khanh cho biết ngay trong việc truy vết, vây bắt F0, thành phố đã mất một quãng thời gian thụ động, khi chưa triển khai xét nghiệm nhanh trên toàn cộng đồng. Ngoài ra, việc tầm soát quá rộng nhưng không có trọng tâm, trọng điểm cũng gây áp lực cho đội ngũ y tế.
Trong 2 tuần giãn cách toàn xã hội này, bác sĩ Khanh cho rằng điểm mấu chốt trong công tác ngăn chặn dịch bệnh của thành phố là thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị 16. Biện pháp này chỉ phát huy tác dụng khi người dân thực hiện triệt để các quy định của việc cách ly, phong tỏa, giãn cách.
"Theo tôi, 2 đợt giãn cách trước tác dụng không như mong muốn bởi chúng ta chỉ chú trọng giảm lượng người dân đi lại ngoài đường. Điều này không mang lại giá trị khi sự lây lan chủ yếu đến từ sự tiếp xúc từ làng xóm, gia đình trong từng khu vực" - bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1, đánh giá.
0h05 ngày 9/7 tại Bưu điện thành phố - thời khắc bắt đầu bước vào thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 |
Để tránh kéo dài thời gian giãn cách hay cách ly, trong 2 tuần áp dụng Chỉ thị 16, từng người phải ý thức được việc hạn chế tiếp xúc với người khác. Ngay cả trong các khu đã phong tỏa hay cách ly, chính quyền cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ của người dân để hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, gia tăng ca bệnh.
Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TP HCM đã tạm ngừng nhiều hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. Mới đây nhất, 3 chợ đầu mối, những nguồn cung thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân đã được tạm ngừng do tác động của dịch bệnh.
Biện pháp quyết liệt nhất, cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đã được chính quyền thành phố ra quyết định áp dụng. Tuy nhiên, biện pháp chống dịch nào cũng chỉ phát huy tác dụng cao nhất khi được chấp hành đúng và đầy đủ.
"Chúng ta sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn địa bàn từ 0h ngày 9/7. Tôi muốn nói, bản thân chỉ thị không phải là liều thuốc tiên đẩy lùi ngay Covid-19. Chính sự hiểu đúng và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị mới mang lại hiệu quả như mong muốn" - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi kêu gọi trong ngày công bố việc áp dụng Chỉ thị 16.
Theo Dân trí
Cả nước tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 |
Nga trải qua ngày chết chóc chưa từng có vì Covid-19 |
Sở Y tế TP HCM: Chưa vỡ trận chống dịch, không cách ly, điều trị F0 tại nhà |