Cả nước hướng về Nam, mong người dân vùng dịch cố gắng vượt qua!
"Bạn tìm hiểu giùm tôi thông tin về những kênh hỗ trợ để có thể giúp đỡ người dân khó khăn đang sống ở TPHCM được không?" - những người bạn tôi gần đây liên tục nhắn tin cùng nội dung trên.
Có thể thấy sự "nóng ruột, nóng gan" của người dân cả nước về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM có thể với họ đây là nơi họ chưa từng đặt chân đến, nhưng đó là nơi mà đâu đó, họ có những người quen, người thân đang sinh sống và làm việc tại thành phố này.
TPHCM là nơi ôm vào lòng hàng vạn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến mưu sinh, lập nghiệp. Mảnh đất đó có mối liên quan mật thiết với từng cá nhân đang sống trên đất nước này, dẫu bằng cách này hay cách khác.
Người dân sinh sống ở Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái rồi đến dải đất miền Trung… cũng có thể từng thụ hưởng một phần ngân sách mà TPHCM đóng góp, hòa chung trong ngân sách quốc gia.
Số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho thấy, địa phương này đóng góp bình quân 27% thu ngân sách cả nước, GRDP chiếm bình quân 23% GDP, dân số chiếm 9,3% cả nước. Năm 2020, mặc dù thu ngân sách thực tế của TPHCM chỉ hoàn thành 92% kế hoạch, đạt 371.384 tỷ đồng, nhưng cũng lớn hơn mức tổng thu ngân sách của 45-50 tỉnh, thành cả nước có mức thu thấp nhất cộng lại.
Thành phố hơn 9 triệu dân ấy chính là "đầu tàu" kéo nền kinh tế của đất nước đi lên.
Trong năm 2021, Trung ương, HĐND TPHCM giao tổng thu ngân sách Nhà nước cho thành phố là 364.893 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,79% trong tổng dự toán thu cả nước. Thế nhưng, để hoàn thành được nhiệm vụ đó, tới đây sẽ là một thách thức vô cùng lớn lao.
Bởi trước thời điểm "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, cơn bão Covid-19 đã khiến ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch ở thành phố bị tác động nặng nề với khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động. Khi áp dụng Chỉ thị 15 rồi nay là Chỉ thị 16, tác động tiêu cực của Covid-19 còn nhấn chìm rất nhiều ngành nghề khác, bao trùm cả những thân phận người lao động nghèo nơi đây, từ những người bán vé số, đánh giày đến những tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Chính sách giãn cách là lựa chọn khó khăn và đau đớn, nhưng không còn cách nào khác khi diễn biến dịch đã trở nên nguy hiểm. Lúc này, sức khỏe của người dân và sự ổn định chung mới quan trọng nhất. Phải kiểm soát dịch mới có tiền đề để phục hồi kinh tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kêu gọi người dân Thành phố bình tĩnh, tin tưởng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố, phát huy tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch"; đồng thời, ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Chúng ta tin vào tinh thần, ý chí và nghị lực của người dân TPHCM và tin vào tinh thần đoàn kết dân tộc.
Rất mừng là tại cuộc họp trực tuyến ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ) giúp TP HCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ. Tinh thần của Bộ Y tế là "TPHCM thiếu bao nhiêu nhân lực thì Bộ sẽ hỗ trợ, chi viện bấy nhiêu".
Trong tháng 7 này, 8,7 triệu liều vắc xin về đến Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TPHCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.
Tương tự, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành khác cũng có kế hoạch tiếp ứng cho TPHCM bảo đảm lưu thông hàng hóa.
Tôi rơi nước mắt trước sự tử tế và hào hiệp của người dân TPHCM với đồng bào vùng dịch trong cả nước thời gian trước và giờ đây luôn đùm bọc, yêu thương lấy nhau trong "cơn bĩ cực".
Và tôi biết, người dân cả nước cũng sẽ luôn sát cánh cùng TPHCM và cả Đồng Nai, Bình Dương… vượt qua đại dịch này, như đã thấy, ngay xã biên giới Quảng Trực (Tuy Đức, Đắk Nông) cũng gom góp từng trái bí đỏ, từng buồng chuối, bó rau… để gửi về Thành phố.
Cả nước đang hướng về TP HCM, về các tỉnh phía Nam trong cơn đại dịch với một niềm tin không lay chuyển.
Theo Dân trí