Trung Đông giảm phụ thuộc vào dầu mỏ?
(PetroTimes) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, các nhà sản xuất dầu ở vùng Vịnh đang gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu.
Các quốc gia vùng Vịnh muốn giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ |
Thực tế, các nước vùng Vịnh đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế trong bối cảnh giá dầu lao dốc hồi năm 2014, song đang mắc phải vấn đề thiếu nguồn lực. Để giải quyết khủng hoảng, chính phủ các nước đã phải đưa ra các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và một số cải cách, nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân.
Tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì mức độ “hủy hoại” nhu cầu chưa từng có mà dịch Covid-19 đã gây ra vào năm 2020. Sự “phá hủy” nhu cầu dẫn đến giá cả lao dốc khiến các nền kinh tế vùng Vịnh phải vay nợ nhiều hơn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự tính doanh thu của các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi có thể sụt giảm 270 tỉ USD vào cuối năm 2020, riêng khối các nước vùng Vịnh giảm 7,6%.
Đi vay là cách duy nhất để các nền kinh tế này có được khoản tiền mặt cần thiết khi thế giới quay cuồng trong đại dịch. Tuy nhiên, mọi thứ hiện đã thay đổi. Giá dầu đã phục hồi mạnh đến mức có nhiều dự báo dầu Brent có thể chạm mốc 100 USD/thùng.
Đối với các nền kinh tế có mức hòa vốn cao như Bahrain và Kuwait, đây sẽ là tín hiệu tốt cho ngân sách. Ngay cả đối với những nước có mức hòa vốn thấp hơn, như Ảrập Xêút, giá dầu cao hơn luôn là tin tức đáng hoan nghênh. Ảrập Xêút đang thực hiện một chương trình đa dạng hóa kinh tế tiêu tốn hàng trăm tỉ USD. Mặc dù vậy, hiện chưa có ngành kinh tế nào có thể mang về nguồn thu lớn như dầu mỏ. Theo Moody’s, điều này sẽ cản trở nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của Ảrập Xêút.
“Nếu giá dầu duy trì trung bình 55 USD/thùng thì dầu mỏ sẽ vẫn là nguồn đóng góp lớn nhất cho GDP của các nền kinh tế thuộc Hội đồng quốc gia vùng Vịnh (GCC), cũng như là động lực quan trọng để củng cố sức mạnh tài khóa trong ít nhất 10 năm tới”, Moody’s nhận xét.
Hiện dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 20% GDP và ít nhất 50% thu ngân sách đối với hầu hết các quốc gia vùng Vịnh. Trong khi đó, kế hoạch triển khai các lĩnh vực kinh tế mới thường bị chồng chéo, tạo ra sự cạnh tranh trong chính các quốc gia GCC và hạn chế dư địa tăng trưởng.
Moody’s cho rằng, ngay cả khi động lực đa dạng hóa nền kinh tế tăng lên, nó vẫn vấp phải những rào cản từ sự suy giảm nguồn lực sẵn có để tài trợ cho các dự án đa dạng hóa trong môi trường giá dầu thấp hơn và cạnh tranh nội khối GCC.
Ngoài ra, Moody’s nhận định, các loại thuế thu nhập, vốn cần thiết để giảm đáng kể sự phụ thuộc vào dầu mỏ, có thể sẽ chỉ được các nền kinh tế GCC áp dụng trong dài hạn.
Bình An
Bốn thách thức lớn của ngành lọc dầu |
Dự trữ dầu thô Mỹ sụt giảm kỷ lục |
Lượng tồn kho dầu tại Mỹ liên tục giảm |