Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang gia tăng đầu tư vào Mỹ, Đức
Các công ty con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup), tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (Masan) gia tăng đầu tư vào Mỹ và Đức là nguyên nhân chính khiến vốn đầu tư ra nước ngoài tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 6 tháng, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, doanh nghiệp khó khăn lớn, vốn đầu tư làm ăn của giới doanh nhân Việt tại nước ngoài vẫn gia tăng mạnh mẽ.
Cụ thể, theo báo cáo 6 tháng, cơ quan của Bộ KH&ĐT đã phê duyệt nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn 547 triệu USD bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm. Số vốn đầu tư ra nước ngoài hiện tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Vingroup tăng cường đầu tư vào Mỹ để nhanh chóng sản xuất, phân phối hai dòng xe điện mới của hãng tại thị trường này (Ảnh minh họa). |
Hơn 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ.
Masan là ông lớn đầu tư mới nhất ra nước ngoài với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn 91,5 triệu USD tại Đức.
Ngoài Masan, dự án tại Mỹ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 300 triệu USD. Được biết, đây là chuỗi sự kiện đầu tư lớn của ông chủ Vingroup ra các thị trường Mỹ, châu Âu để đưa xe điện VinFast hiện diện tại Mỹ. Ngoài ra, tại Đức, VinFast cũng điều chỉnh một dự án tăng vốn hơn 32 triệu USD, chủ yếu để hợp tác với các nhà cung ứng lớn liên quan đến công nghệ, xe hơi.
Dự án của Masan mua lại từ doanh nghiệp Đức (Ảnh minh họa). |
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tỷ phú ô tô Trần Bá Dương tiếp tục bỏ hơn 76 triệu USD vốn tăng thêm vào dự án tại Campuchia. Dự án này do công ty con của Thaco là Thadi mua lại 100% vốn của Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức trước đó.
Về tình hình chung, hiện các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 270,8 triệu USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 148,6 triệu USD, chiếm 27,2%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,...
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Dẫn đầu là Hoa Kỳ với 3 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 302,8 triệu USD, chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Campuchia với tổng vốn đầu tư 89,2 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Canada, Pháp là những nước có số vốn đầu tư tương đối lớn lần lượt 30 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 20/6, Việt Nam đã có hơn 1.400 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,8 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng; nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Theo Dân trí