Mỹ - Anh thúc giục điều tra "độc lập, minh bạch" về nguồn gốc Covid-19
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh tuyên bố ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, bao gồm cả ở Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Cornwall ngày 10/6 (Ảnh: Reuters). |
Một tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiếp nối thêm tuyên bố trước đó của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi Trung Quốc cho phép các nhà điều tra "tiếp cận đầy đủ" tất cả địa điểm và thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19.
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Johnson hôm 10/6, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh.
"Chúng tôi ủng hộ một quy trình độc lập, kịp thời, minh bạch và dựa trên bằng chứng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, bao gồm cả ở Trung Quốc, và cũng nhằm điều tra các đợt bùng phát dịch không rõ nguồn gốc trong tương lai", tuyên bố chung nêu rõ.
Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Anh cũng ngầm nhắc tới sự cạnh tranh với Bắc Kinh, cam kết thúc đẩy "các giá trị của dân chủ tự do, xã hội mở và thị trường mở".
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo EU đưa ra tuyên bố tương tự để hối thúc Trung Quốc hỗ trợ điều tra nguồn gốc của virus corona. Những lời kêu gọi này nhằm tăng thêm sức ép cho cuộc điều tra về giả thuyết virus xuất hiện vào cuối năm 2019 từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc - nơi mầm bệnh lần đầu tiên được phát hiện.
"Tôi chỉ có thể nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc của virus corona", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố tại Brussels, Bỉ ngày 10/6.
"Đây là một đại dịch khủng khiếp, một đại dịch toàn cầu, chúng ta phải biết nó xuất phát từ đâu để rút ra những bài học đúng đắn và phát triển những công cụ phù hợp để đảm bảo rằng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Do vậy, các nhà điều tra cần được tiếp cận đầy đủ bất kỳ thứ gì cần thiết để thực sự tìm ra nguồn gốc của đại dịch này", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu nói.
Mặc dù Trung Quốc hồi tháng 5 tuyên bố ủng hộ cuộc nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc của virus, nhưng Bắc Kinh khẳng định đã tuân thủ cuộc điều tra của WHO và phần liên quan tới "Trung Quốc" trong cuộc điều tra đã được hoàn tất.
Các chuyên gia của WHO đã dành một tháng ở Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc Covid-19 vào đầu năm nay và kết luận rằng, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra", đồng thời nhận định nhiều khả năng virus bắt nguồn trực tiếp từ dơi hoặc truyền từ dơi sang người qua động vật trung gian.
Tuy nhiên trong những tuần gần đây, một số tiếng nói nổi bật - bao gồm Tổng thống Joe Biden; cố vấn cấp cao về bệnh truyền nhiễm của ông Biden, Anthony Fauci; và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đều ủng hộ những lời kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn nữa về giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng với ông Biden tại Brussels vào tuần tới. Theo Bloomberg, một văn bản dự thảo do các quan chức EU và Mỹ chuẩn bị cho biết, hai bên "cam kết hợp tác cùng nhau để phát triển và sử dụng các phương tiện nhanh chóng và độc lập nhằm điều tra những đợt bùng phát dịch như vậy trong tương lai".
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel ngày 10/6 nói rằng "thế giới có quyền biết chính xác những gì đã xảy ra".
Theo Dân trí