Rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất
(PetroTimes) - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật |
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát và phương án xử lý theo Kế hoạch hoạt động của năm 2021 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Trên cơ sở kết quả rà soát tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/6/2021 để Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ, hoặc phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 là “đối với những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội thì nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết cả gói trình Quốc hội Khóa XV, kỳ họp thứ nhất để xử lý tổng thể, kịp thời”.
Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, Chính phủ giao trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo quyết định và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Trong đó nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số luật, nghị định như: Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Xây dựng…
P.V