Việt Nam vẫn hấp dẫn nguồn vốn ngoại
(PetroTimes) - Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Ông Thue Quist Thomasen - Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam: Tín nhiệm triển vọng dài hạn của Việt Nam
Doanh nghiệp châu Âu đang tăng niềm tin vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam, trái ngược với nhiều nơi khác trên thế giới. Nhiều dữ liệu cho thấy sự tự tin về kinh tế Việt Nam đang có đà tăng trưởng trên diện rộng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng và dự đoán khối lượng nhân sự sẽ tăng khoảng 33% trong quý đầu tiên của năm 2021, cao hơn 10% so với quý thứ 3 năm 2020. Thực tế, ngày càng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán số lượng nhân viên và kế hoạch đầu tư của họ sẽ tăng. Đây chính là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào triển vọng dài hạn của Việt Nam, là bằng chứng cho thấy các công ty nước ngoài đang đầu tư vào lực lượng lao động và công việc kinh doanh tại Việt Nam. Doanh nghiệp ngoại đang kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Ông Nicolas Audier - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham): Lạc quan về kinh tế Việt Nam
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nền kinh tế Việt Nam ngày càng được củng cố trong một năm qua. Đó là minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam xử lý thành công đại dịch Covid-19. Ngoài ra, việc hợp tác xúc tiến thương mại Việt Nam - châu Âu bắt đầu có những tiến triển mới.
Thực tế cho thấy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021. Khi được hỏi về triển vọng của môi trường kinh doanh của Việt Nam trong các quý tới, có 67% dự đoán là xuất sắc hoặc tốt, tăng 12% so với quý I/2021. Bên cạnh đó, doanh nghiệp châu Âu cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh của công ty họ tại Việt Nam. Cụ thể, hơn 2/3 (68%) dự đoán, đơn đặt hàng và doanh thu sẽ duy trì hoặc tăng trong 3 tháng tới, nghĩa là tăng 25% so với quý IV/2020. Đánh giá về triển vọng của doanh nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tỏ ra lạc quan hơn trong quý IV/2021.
Đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến toàn cầu. Doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải hứng chịu những tác động không nhỏ từ đại dịch. Nếu không có những hành động nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ, chắc chắn tình hình tại Việt Nam cũng sẽ tồi tệ. EuroCham cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế dài hạn. Các thành viên của EuroCham luôn sẵn sàng chia sẻ những khuyến nghị để giảm thiểu sự gián đoạn của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh.
Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (Hepza): Đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư
Từ đầu năm 2021 đến nay, thu hút vốn FDI trong khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP HCM đạt hơn 125 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3 dự án FDI cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 122,21 triệu USD và 4 dự án FDI tăng vốn đầu tư 2,8 triệu USD.
Ngoài những chính sách thu hút đầu tư, kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam góp phần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. Để thu hút đầu tư hơn nữa, Hepza sẽ đẩy mạnh giải pháp tạo quỹ đất thu hút đầu tư theo định hướng của thành phố nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đặc biệt, Hepza sẽ chú trọng phối hợp với cơ quan chức năng rà soát quỹ đất có thể phát triển công nghiệp để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM: Đón làn sóng đầu tư mới hậu Covid-19
Thành phố Hồ Chí Minh có 18 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thu hút số lượng lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Trong đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất có kim ngạch xuất khẩu 7 tỉ USD. Riêng khu công nghệ cao xuất khẩu đạt 20 tỉ USD và đang tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư FDI. Đơn cử, khu công nghiệp Tân Phú Trung đã tiếp nhận nhà máy thứ 3 của một tập đoàn Singapore. Tổng vốn đầu tư 3 dự án của tập đoàn này hơn 200 triệu USD. Tại khu công nghệ cao hiện nay liên tục có các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn... Tuy nhiên, để có môi trường đầu tư tốt, thành phố cần phải giải quyết những “điểm nghẽn” đang còn tồn tại về đất đai, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính.
Hậu Covid-19, tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi về hướng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần phải cải thiện môi trường đầu tư để đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp FDI.
Từ đầu năm 2021 đến nay, thu hút vốn FDI trong khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP HCM đạt hơn 125 triệu USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3 dự án FDI cấp mới với vốn đầu tư đăng ký 122,21 triệu USD và 4 dự án FDI tăng vốn đầu tư 2,8 triệu USD. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính sơ bộ, trong quý I/2021, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt 12,25 tỉ USD. Có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký 8,46 tỉ USD, tuy giảm 54,2% về số dự án nhưng tăng 24,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. |
Thanh Hồ