Ngăn chặn đại dịch từ gốc
(PetroTimes) - Ngày 25-5, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Báo cáo sáng kiến toàn cầu (GRI) công bố Báo cáo “Covid-19 - Một năm nhìn lại”.
Khuyến nghị thường xuyên xét nghiệm ở các trang trại nuôi chồn nhằm loại trừ nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang người |
Kết quả khảo sát cho thấy người dân đã nhận thức rõ nạn buôn bán động vật hoang dã tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, có thể gây bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng. Có 46% số người tham gia khảo sát cho rằng, lây truyền bệnh từ động vật sang người là nguyên nhân gốc rễ gây ra một đại dịch trong tương lai. Điều tra gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra động vật hoang dã có khả năng là nguồn lây nhiễm của đại dịch Covid-19.
Đa số những người được khảo sát tin rằng, việc ngăn chặn các đại dịch trong tương lai cần bắt đầu bằng việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm buôn bán động vật hoang dã có nguy cơ cao và phá rừng. Người dân ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã có nguy cơ cao, nơi bán động vật bị bắt từ tự nhiên (85%) và chấm dứt nạn phá rừng (88%). Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ ủng hộ cho hai vấn đề này lần lượt là 94% và 95%.
Trong số những người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có 39% số người được hỏi cho biết họ đã tiêu thụ động vật hoang dã ít hơn hoặc đã ngừng tiêu thụ vì Covid-19. Tại Thái Lan, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi từ 21% vào năm 2020 lên 41% vào năm 2021. Trong khi tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 28% năm 2021. Tuy nhiên, vẫn có 9% số người tham gia khảo sát có ý định mua các sản phẩm từ động vật hoang dã trong tương lai...
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống xã hội loài người và khiến con người cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Cách tốt nhất để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là giảm thiểu các hoạt động hủy hoại môi trường tự nhiên như phá rừng, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. “Việc ngăn chặn đại dịch ước tính sẽ ít tốn kém hơn 100 lần so với việc ứng phó khi đại dịch bùng phát. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy đầu tư vào sức khỏe hành tinh và thiên nhiên là cách duy nhất để tránh phải trả một cái giá quá đắt về kinh tế và xã hội” - ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF, nhận định.
Kết quả của báo cáo là cơ sở quan trọng để Việt Nam và các nước trong khu vực cân nhắc những quyết sách về đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã, đóng cửa rừng nhằm chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như các bệnh dịch liên quan đến động vật hoang dã có thể xảy ra trong tương lai. Việc đóng cửa rừng và đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã sẽ giúp phục hồi các quần thể động vật và duy trì đa dạng sinh học ở cấp quốc gia và toàn cầu, qua đó, dịch bệnh có thể được điều chỉnh một cách tự nhiên.
Hạnh Mai