Chuyên gia "hiến kế" phục hồi kinh tế giữa đại dịch Covid-19
GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu Trường kinh doanh IPAG (IPAG Business School, Paris), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) trao đổi với Dân trí. Theo ông, sự sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề mới có tính quyết định cho sự sống còn của doanh nghiệp.
Những tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế được dự báo vẫn còn dai dẳng, theo ông giải pháp gì để có thể hỗ trợ lúc này?
Khó khăn, mức độ bị tác động ảnh hưởng của các ngành nghề không giống nhau. Có ngành được hưởng lợi, có ngành gặp khó khăn dài kỳ. Khi dịch bệnh còn tiếp diễn, tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các ngành nghề cũng rất khác nhau.
Ví dụ ngành du lịch, dịch vụ khách sạn và kinh doanh nhà hàng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, và khó thông qua số hóa để phục hồi nhanh chóng do hoạt động liên quan trực tiếp đến sự di chuyển, nhu cầu mua sắm và nghỉ dưỡng của người dân.
Ngược lại, những ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính có thể chuyển đổi sang môi trường số hóa dễ dàng để cung cấp các dịch vụ khách hàng hay các giao dịch từ xa.
Bối cảnh kinh tế này cần có cả giải pháp chung và giải pháp riêng. Về các giải pháp chung, Chính phủ vẫn cần tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng miễn giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lãi suất vốn vay... Đơn giản hóa và minh bạch hóa các thủ tục điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước cũng là yếu tố quan trọng để giúp doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, những hỗ trợ thiết thực bao gồm phát triển các thị trường truyền thống khi các quốc gia định vị lại đối tác thương mại, hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Về giải pháp riêng có thể tính đến thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dây chuyền sản xuất, quản trị nguồn lực, thương mại hóa sản phẩm, và bán hàng từ xa. Ngành nào mà chưa có điều kiện đón tiếp khách nước ngoài thì cần những giải pháp kích cầu nội địa, đảm bảo du lịch an toàn.
Hỗ trợ từ Chính phủ là quan trọng và cần thiết, nhưng sự sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành nghề mới có tính quyết định cho sự sống còn của doanh nghiệp. Khủng hoảng và khó khăn thường là điều kiện tốt cho những thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.
Điều kiện kinh doanh nhiều bất thường của năm 2021 rất phù hợp để có những đổi mới đột phá như là tìm mô hình kinh doanh mới, xây dựng nền tảng khách hàng mới (ví dụ nhóm khách hàng mua trực tuyến trong và ngoài nước). Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường các doanh nghiệp ít đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và ít gắn đổi mới sáng tạo với các cấu phần khác của chiến lược như sản xuất, kinh doanh, marketing, tài chính, logistics, nhân sự…
Từ bài học những gói hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước đây chúng ta đã và đang làm, theo ông, chúng ta học được gì?
Trước tiên là cần rà soát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Cần nhất là đánh giá được hiệu quả, xác định được những khó khăn vướng mắc cụ thể và hiểu được thực tiễn thách thức mà các loại hình doanh nghiệp gặp phải để có giải pháp tháo gỡ.
Như tôi đã nhắc đến ở trên, các giải pháp truyền thống dựa trên kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa vẫn sử dụng được.
Ưu tiên hàng đầu là một môi trường vĩ mô ổn định, cam kết giữ mức lãi suất thấp trong một thời gian đủ dài để tạo tâm lý ổn định cho các doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất và đầu tư, và tiếp tục đầu tư công nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, logistics.
Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân nên được quan tâm hỗ trợ vì số lượng lớn và tỷ lệ đóng góp quan trọng vào GDP. Cũng nên chú trọng thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo vì đây là nhóm sẽ tạo ra động lực tăng trưởng và cạnh tranh trong dài hạn.
Ví dụ, tháng 1, Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập một quỹ đầu tư (European Innovation Council Fund) với ngân quỹ 3,7 tỷ USD để trực tiếp hỗ trợ và đầu tư vào các startups tiềm năng, từ đó thúc đẩy sự ra đời của những công nghệ đột phá, thương mại hóa, và nâng cao năng lực cạnh tranh so với Mỹ và châu Á.
Với tôi quan trọng nhất là Chính phủ hỗ trợ mở cửa, phát triển thị trường xuất khẩu, song song với kiểm soát và ổn định thị trường nguyên vật liệu đầu vào. Tìm cách "gắn kết" chặt chẽ với các thị trường mới như EU vì họ cũng bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng lên rất nhanh.
Thực tế cho ta niềm tin nào sau những khó khăn mà chúng ta đã và đang trải qua, thưa ông?
Những khó khăn vốn có từ đầu dịch đến lúc này vẫn còn. Đó là các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên vật liệu đầu vào, suy giảm nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu, và hoạt động logistics. Doanh nghiệp nước ta còn gặp nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, trong khi các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế vẫn còn dễ tổn thương khi đang được định hình lại.
So với nhiều nước ở Châu Âu hay Mỹ, tâm lý sợ dịch của người Việt và một số nước ở Châu Á có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế xã hội. Tâm lý này đưa đến xu thế tiết kiệm nhiều hơn, làm giảm nhu cầu và tiêu dùng, từ đó đưa đến khó khăn cho các doanh nghiệp trong mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Áp lực cạnh tranh sẽ ngày một lớn trong thời gian tới khi nước ta hội nhập sâu hơn với các thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Việt Nam - EU), UKVFTA (Việt Nam - Vương Quốc Anh), RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực),…
Nhưng như tôi đã chia sẻ ở trên, khủng hoảng và khó khăn thường là điều kiện tốt cho những thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.
Ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của doanh nghiệp Việt sau nhiều lần bùng dịch gần một năm rưỡi qua? Những tiền đề nào khả quan trong việc phục hồi kinh tế?
Doanh nghiệp hứng chịu những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, nhìn chung thì doanh nghiệp nước ta chưa thực sự trải nghiệm những môi trường đỉnh dịch, phong tỏa toàn quốc lâu dài và sâu như ở nhiều nước khác.
Ví dụ ở Pháp, các ngành kinh doanh sản phẩm không thiết yếu như du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí…(60% tổng số doanh nghiệp) gần như bị đóng cửa từ tháng 3/2021. Các số liệu thống kê cho thấy những ngành này mất khoảng 80% và 51% doanh thu lần lượt trong đợt giãn cách xã hội lần 1 và lần 2 năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam dựa trên xuất khẩu. Do dịch được kiểm soát tốt nên nhiều doanh nghiệp đã bứt phá, tiếp tục xuất khẩu tốt. Ngoài việc phải chú ý đến sự mất cân đối cán cân xuất nhập khẩu với một số thị lớn thì hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng tốt trong những tháng vừa qua.
4 tháng đầu năm 2021 còn ghi nhận tốc độ tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây (tổng kim ngạch đạt gần 104 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ 2020).
Rõ ràng, tuy nhu cầu trên thị trường quốc tế suy giảm, nhưng vẫn có và khi không bị tác động quá mạnh của dịch thì doanh nghiệp Việt có thể chủ động tận dụng cơ hội để tiếp cận các thị trường nước ngoài. Số hóa quy trình kinh doanh giúp tăng đáng kể cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp nước ta còn có thể tận dụng nguồn đầu tư nước ngoài, đến từ sự dịch chuyển sản xuất từ một số nước đến Việt Nam. Số liệu vốn FDI trong Quý 1/2021 cho thấy điều này (hơn 10 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020).
Nhìn về phía trước thì chúng ta đang có một số tiền đề rất đáng mừng. Đó là năng lực đổi mới sáng tạo ngày một tăng, tốc độ chuyển đổi số nhanh, có sự thích ứng tốt để chinh phục thị trường mới với những mặt hàng và nhu cầu mới, cũng như khả năng củng cố thị trường cũ bằng cách làm mới. Xu thế sản xuất tại Việt Nam (Make in Vietnam) đang được Chính phủ ưu tiên, và đây là nền tảng để nước ta có những doanh nghiệp sản xuất mạnh, có những ngành công nghiệp chủ lực bứt phá trong môi trường mới.
Có nhiều ý kiến, Việt Nam nên đổi từ cách dập dịch sang cứu kinh tế và chấp nhận sống chung với dịch? Ông nghĩ những nguy cơ phải đối mặt là gì?
Sống chung với dịch thế nào là một câu hỏi mà rất nhiều nước đặt ra, kể cả những nơi làm chủ sản xuất vắc xin và có tỉ lệ tiêm chủng cao. Ngưỡng miễn nhiễm 70% trong cộng đồng chưa hẳn đã giúp đặt dấu chấm hết của dịch bệnh.
Cho đến nay, ngay cả những chuyên gia hàng đầu cũng không chắc chắn dịch sẽ kéo dài đến bao lâu, vắc xin giúp miễn dịch được bao lâu, và tác động từ sự xuất hiện các biến thể mới thế nào. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có vắc xin cho trẻ em, tâm lý dè chừng với vắc xin của người dân khắp nơi, và khi được tiêm vắc xin thì khả năng nhiễm và lây truyền bệnh vẫn còn.
Điều chắc chắn là ảnh hưởng của dịch còn tiếp tục một vài năm nữa và không quốc gia nào có thể đóng cửa nền kinh tế mãi. Kinh tế suy giảm có thể ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng, phúc lợi xã hội và sức khỏe của người dân trong trung và dài hạn.
Do vậy cần phải chuẩn bị tâm lý, tìm cách sống chung với dịch một cách an toàn, thông minh. Đó là phải tìm cách tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, tạo thói quen phòng dịch, làm việc từ xa… Cần tiếp tục nâng cao mạnh mẽ năng lực, trang thiết bị cho hệ thống y tế, bệnh viện. Lúc đó sự lựa chọn không phải là một trong hai, mà là một mô hình linh hoạt cho cả hai.
Kế hoạch dần dần mở cửa kinh tế của Chính phủ Việt Nam với chính sách "hộ chiếu vắc xin" bị đe dọa bởi sóng lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam nên cân nhắc bài toán này ra sao?
Đây là một phương án được nhiều quốc gia thúc đẩy và sử dụng như một giấy thông hành. Hôm 21/5, các nước trong khối EU đã đạt được thỏa thuận về hộ chiếu vắc xin điện tử cho phép người dân di chuyển, du lịch giữa các quốc gia. Ở châu Á, Singapore cũng bắt đầu thử nghiệm hộ chiếu vắc xin.
Trên thực tế, khi đã được tiêm thì xác suất bị nhiễm thấp hơn, nguy cơ bị bệnh nặng thấp hơn, và khả năng lây truyền cũng ít hơn. Do vậy di chuyển với hộ chiếu vắc xin đưa đến độ an toàn cao hơn.
Kết hợp với thời gian cách ly phù hợp thì đây là một điều kiện thuận lợi mở cửa trở lại nền kinh tế, cho phép lực lượng chuyên gia đi lại thúc đẩy thương mại và đầu tư. Có dòng khách quốc tế cũng giúp ngành du lịch, kinh doanh khách sạn,…lấy lại dần nhịp độ.
Theo tôi, đây cũng là phương án nên cân nhắc vì giúp mở cửa thông thương như tôi nói ở trên.
Nhiều tổ chức quốc tế vẫn nhận định khả quan về tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021, theo góc nhìn của ông thì như thế nào?
Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam tăng trưởng lần lượt là 6,6% và 6,5% trong năm 2021, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt. Đây là mức phục hồi tăng trưởng cao mà chỉ ít quốc gia được dự báo trong nhóm này, xuất phát từ sự năng động nội tại của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đà tăng xuất khẩu, và sức hút đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp đang hướng sự dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ mới.
Ở góc độ cá nhân, tôi lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Chúng ta đang có một Chính phủ hành động, quyết liệt duy trì ổn định vi mô, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch, và nỗ lực tìm cách thiết kế một môi trường kinh doanh an toàn. Chính sách linh hoạt của Chính phủ trong môi trường quốc tế tăng khả năng nắm bắt các cơ hội đến từ các thị trường mới, dòng dịch chuyển sản xuất.
Ba yếu tố quan trọng cần đặt làm trọng tâm để đảm bảo tính bền vững của tăng trưởng trong năm nay gồm: Tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng logistics, kích hoạt các chuỗi và vùng động lực quốc gia trong vai trò cụm kết nối cạnh tranh, và khai thông các cơ chế để khuyến khích hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Dân trí