Để hàng Việt thâm nhập sâu thị trường Mỹ...
(PetroTimes) - Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hàng hóa Việt Nam đang có những lợi thế nhất định để thâm nhập sâu thị trường Mỹ. Thực tế, Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó có Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM): Muốn xuất khẩu tốt phải hoàn thiện sản phẩm
Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt - Mỹ không chỉ mang tính bổ sung cho nhau mà ngày càng thể hiện tính gắn kết trong các chuỗi cung ứng hàng hóa. Đáng lưu ý, Mỹ đang có nhu cầu cao về các sản phẩm của Việt Nam như: Găng tay y tế không bột, đồ gỗ - nội thất, sản phẩm công nghệ cao, nông sản nhiệt đới... Sự phát triển của Việt Nam tác động tích cực đến thị trường Mỹ cả về xuất khẩu nguyên liệu và cung ứng sản phẩm tiêu dùng. Mặc dù vậy, thị trường Mỹ rất khó tính, yêu cầu doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu tốt phải hoàn thiện sản phẩm theo hướng chất lượng cao, bảo đảm các quy định về nguồn gốc xuất xứ, môi trường...
Ông C. Matthew - Luật sư Công ty Luật quốc tế Dentons: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý
Mỹ là một thị trường tiêu thụ lớn, là đối tác thương mại của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý. Đặc biệt, Mỹ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian gần đây. Mỗi giai đoạn và đối tác khác nhau, Mỹ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại khác nhau nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Mỹ có xu hướng gia tăng giám sát với các mặt hàng và quốc gia có thặng dư thương mại lớn, tăng nhanh bất thường trong thời gian ngắn...
Thời gian qua, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu vào Mỹ khi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất hàng xuất khẩu gia tăng, tận dụng sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và khoảng trống thị trường mà đối tác trước đó của Mỹ bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng quá mức sẽ khiến các mặt hàng này đối diện với nguy cơ khởi kiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, rất khó cạnh tranh, thậm chí phải từ bỏ thị trường vì mức thuế phòng vệ thương mại Mỹ áp dụng thường rất cao.
Bà Nguyễn Bá Thiên Thư - Trưởng đại diện Công tyRegistrar Corp: Tuân thủ các quy định U.S. FDA
U.S. FDA là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Chính phủ Mỹ với hai vai trò chính: “Người gác cổng” và “cảnh sát”.
Trong vai trò “người gác cổng”, FDA thực hiện cấp giấy phép cho những bộ phận quyết định về dược phẩm, thiết bị y tế, phụ gia thực phẩm... phù hợp với thị trường. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, thường dành cho sản phẩm đầu vào của công nghiệp tiêu dùng của công chúng.
Còn đứng trên vai trò “cảnh sát”, FDA được quyền đặt ra các quy định và thực hiện thanh tra việc tuân thủ các quy định đó; đồng thời phát hành những thư cảnh cáo, kết hợp với hải quan bắt giữ, khởi tố tội phạm.
Theo quy định của Mỹ, các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, kho bãi, nơi lưu trữ sản phẩm phải thực hiện đăng ký số. Để xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ, các doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc cần phải tiến hành đăng ký số FDA theo quy định; đồng thời, tuân thủ những quy định ghi nhãn mới và Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) của FDA.
Doanh nghiệp Việt chào hàng, tìm cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ |
Ông Nguyễn Hữu Tín - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP HCM (ITPC): Nắm bắt “thời cơ vàng”
Mỹ là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế đối tác hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Đây là thành tựu từ những nỗ lực thúc đẩy hợp tác cởi mở, năng động, đi vào thực chất của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau.
Việt Nam vẫn đang tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cùng có lợi với Mỹ. Phía Mỹ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng đầu tư, kết nối thị trường hai nước.
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, trong khi nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn ứng phó với dịch bệnh bùng phát khó lường. Nắm bắt được “thời cơ vàng” đó để đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường Mỹ, sẽ là một trong những cơ hội để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.
Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) xét về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ trong năm 2020. Điều đáng lưu ý, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ vẫn đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2021, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 22,2 tỉ USD. Trong đó có rất nhiều mặt hàng có kim ngạch nổi trội như: Nội thất, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử... |
Thanh Hồ (ghi)