Người dân phố cổ Hà Nội: Vẫn ngóng chờ một cuộc sống “tử tế”
(PetroTimes) - Gần đây, câu chuyện về giãn dân phố cổ lại bắt đầu được hâm nóng trở lại khi Hà Nội tái khởi động đề án tưởng chừng đã nguội lạnh. Có thể coi là một tín hiệu mừng, là động lực để người dân phố cổ kiếm tìm một cuộc sống mới được "tử tế" hơn. Tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được nhất là bài toán mưu sinh hậu giãn dân.
Bám trụ mưu sinh
Đằng sau vẻ sầm uất, đông đúc của 36 phố phường thì hàng nghìn hộ dân phố cổ Hà Nội đang phải sống trong những căn nhà chật chội chưa đến 10m2. Họ phải sống qua nhiều năm với điều kiện nhà ở xuống cấp trầm trọng, ngột ngạt và bí bách ẩn sâu trong những con ngõ sâu hun hút. Hàng trăm nghìn người dân luôn trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu, không biết gia đình mình có thuộc diện buộc phải di dời không hay được ở lại theo Đề án giãn dân phố cổ. Mặt khác, phần lớn cuộc sống mưu sinh của họ qua nhiều thế hệ đã gắn chặt ở phố cổ nên có tâm lý đi cũng dở, ở không xong. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, bán hàng ăn vỉa hè lâu năm ở gần chợ Đồng Xuân, bày tỏ: “Nhà tôi mấy đời đều buôn bán ở đây, cũng chỉ đủ miếng ăn. Nếu di dân về khu nhà cao tầng thì không khác nào chặn đường sinh kế của người dân, không còn cơ hội kiếm sống”.
Cả gia đình bà Tâm sống nhớ quán nước đầu ngõ |
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, trú tại số nhà 17 Hàng Buồm cho biết, hầu hết các hộ dân sống trong các ngõ đều chỉ có diện tích từ 6 đến 8m2, điều kiệu sống rất tối tăm, chật hẹp, ẩm thấp, chất lượng nhà xuống cấp trầm trọng. Có nhiều hộ phải sống “chui rúc” 4, 5 người qua nhiều thế hệ vô cùng khó khăn. Bởi vậy chuyện di dời, tái định cư là mong mỏi của rất nhiều người.
“Gia đình tôi có 4 người, cả nhà sống nhờ vào việc bán trà đá. Nơi ở chật chội, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải sử dụng chung như tắm giặt, nấu nướng với các hộ xung quanh. Chồng tôi thì về hưu, tôi cũng chỉ biết mưu sinh nhờ quán nước chè đầu ngõ. Muốn đi lắm nhưng điều kiện kinh tế chưa cho phép”, bà Tâm chia sẻ.
Cảnh sinh hoạt chung quen thuộc của người dân phố cổ |
Nhà ông Hải ở 35 Hàng Bạc rộng chừng 9m2 nhưng có tới 7 nhân khẩu, 3 thế hệ chung sống. Chật chội là vậy nhưng ông Hải chưa có ý định chuyển gia đình đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây ông còn có đồng ra đồng vào nhờ buôn bán vặt. Ông Hải cho biết, nếu Nhà nước có chính sách di dời cụ thể, ông và nhiều người dân mong muốn được nhà nước mua lại nhà với giá hợp lý, tạo điều kiện làm ăn khi chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Ông Cao, ở phố Thuốc Bắc thì cho hay, hơn 20 năm qua, gia đình ông vẫn sống trong căn nhà chỉ rộng 10m2. “Mọi việc sinh hoạt cá nhân đều phải xuống sân tập thể của ngõ”, ông Cao nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, còn rất nhiều hộ dân phải gạt điều kiện sống sang một bên để bám trụ mưu sinh, kiếm bữa ăn qua ngày. Như trường hợp gia đình anh Bách trú tại phố Hàng Khoai, điều kiện sống cũng chật hẹp chỉ 8m2 là nơi trú ngụ cho 4 nhân khẩu. Nhưng bởi nhiều lý do, cả nhà vẫn phải cố gắng bám trụ mưu sinh. “Ai chẳng mong muốn ở một nơi rộng rãi, tử tế. Nhưng nếu chuyển đi, tôi cũng không biết làm gì để sống”, anh Bách băn khoăn.
Còn vợ chồng ông Thành đã gần 30 năm sống dưới gầm cầu thang chung trong con ngõ nhỏ hẹp tại số 33 phố Hàng Vải. Nơi được gọi là “nhà” này chưa đầy 3m2, cả gia đình sống nhờ vào việc bán trà đá. Nơi ở hẹp đến nỗi chỉ đủ để kê được tấm phản làm giường chung cho cả vợ chồng ông cùng người con gái vào mỗi buổi tối. Mỗi khi nhà có khách, bạn bè đến chơi ông phải mời xuống quán nước gia đình.
Ngôi nhà "bao diêm" chật chội, xuống cấp của ông Xuân |
"Tận cùng” ở khổ thì phải nhắc đến trường hợp nổi tiếng của ông Hoàng Văn Xuân (59 tuổi) ở 44 Hàng Buồm, với một diện tích ở thấp kỷ lục khoảng 5m2. Ông nhận mình không phải “khổ nhất” phố cổ mà là khổ nhất… Việt Nam. Căn nhà nằm trong phần ngõ chật hẹp, tối đen và sâu hun hút, thực chất nó chỉ là cái gác xép nhỏ làm chỗ chui ra chui vào khỏi mưa nắng. Ông Xuân không thể thoải mái sinh hoạt như bình thường vì trần chỉ cao có 1,2m. Khi nhắc đến chuyện tái đinh cư, nét mặt ông Xuân đượm buồn, bởi đằng đẵng 20 năm qua vẫn không có phương án nào khả thi. “Báo, đài đã nhắc đến trường hợp của tôi khá nhiều. Thậm chí bên nước ngoài họ cũng đưa tin, chụp ảnh nhiều lắm. Vẫn không giải quyết được gì ngoài cái tiếng người đàn ông ở nơi chật chội nhất Việt Nam”, ông Xuân bộc bạch.
Còn nhiều vướng mắc
Theo ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng Ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, có 2 đối tượng thuộc diện di dời, gồm đối tượng bắt buộc (là cư dân sống ở khu vực di tích, trường học...), đối tượng thứ hai là tự nguyện, đang sống tại các nhà cũ xuống cấp, diện tích ở dưới 5m2. Tuy nhiên việc rà soát, giải quyết gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, diện bắt buộc nằm trong các di tích thì việc xác định ranh giới rất khó do số lượng di tích trong quận Hoàn Kiếm tương đối nhiều (190 di tích), qua nhiều năm diện tích lấn chiếm, cơi nới, sử dụng rất nhiều. Bên cạnh đó, có những di tích có tên trong danh mục quản lý nhưng khi kiểm tra thực tế lại không còn nên thiếu cơ sở để yêu cầu hộ dân di dời. Do đó, cần phải xác định rõ ranh giới tồn tại hiện hữu của di tích để áp dụng.
Khu nhà ở thương mại phục vụ dự án giãn dân phố cổ ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên khá khang trang nhưng chưa thu hút được người dân |
Đối với diện tự nguyện, cơ bản đã có thống kê tại các phường nhưng có nhiều lý do khiến người dân không mặn mà. Thứ nhất, chính sách tái định cư, trước đây thành phố áp dụng chính sách như nhà ở xã hội nhưng gần đây lại là nhà ở thương mại phục vụ tái định cư. Thứ hai, đa số người dân lo lắng kế sinh nhai hậu tái định cư bên quận Long Biên ra sao...
Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt chỉ có KĐT Việt Hưng (Long Biên) là nơi tái định cư của người dân sau khi di dời khỏi phố cổ và dự án này chưa xây dựng. Quận đã điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng, thêm tầng hầm. Cụ thể, tầng hầm từ 1 được nâng lên 2 hầm; chiều cao từ 12 tầng lên thêm 1 tầng lửng. Đồng thời, có khu chợ tại tầng đế để phục vụ nhu cầu kinh doanh của bà con, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại KĐT Việt Hưng, một số hạng mục như nhà trẻ mẫu giáo, di chuyển trạm biến áp N19 đã hoàn thành xong, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, đối với khu tái định cư tại quận Long Biên. Còn khu chung cư ở phường Thượng Thanh không phải là khu nhà thuộc Đề án giãn dân phố cổ.
Qua tìm hiểu, nhiều gia đình đã đồng ý nhận nhà nhưng sau đó đều ngán ngẩm, lại quay trở lại khu phố cổ để sinh sống. Anh Đức, ở phố Nhà Chung, cho biết: “Điều kiện ở thì hơn phố cổ rất nhiều thế nhưng ở đó chúng tôi không thể nào buôn bán được, bị mất nguồn thu nhập. Bởi vậy chúng tôi chưa muốn di chuyển đi”. Cũng tại quận Long Biên, khu tái định cư 67 Đức Giang đã đón các hộ dân ở số 42-44 Hàng Bạc về ở từ năm 2009. Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ gia đình đã phải bán nhà đi nơi khác do không tìm được công việc tại nơi ở mới. Ông Nguyễn Duy Linh chia sẻ: “Khi chuyển đi thì chính quyền có hứa tạo sinh kế cho người dân, nhưng chưa thể thực hiện. Những người còn trong độ tuổi lao động làm thuê mướn nghề nghiệp không ổn định. Cuộc sống vô cùng bấp bênh”.
Có thể thấy còn nhiều bất cập trong cơ chế chính sách tái định cư. Do đó, việc di dời các hộ dân ra khỏi khu phố cổ có quá nhiều trường hợp với những chính sách khác nhau nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có gần 150.000 dân, đã giảm cơ học được 20.000 hộ so với thời điểm năm 2019, hiện nay còn khoảng trên 470 hộ dân bắt buộc, và gần 4.000 hộ dân tự nguyện. Cùng với những giải pháp mà UBND quận Hoàn Kiếm đang triển khai thì nhiều hộ dân đã tự chuyển nhượng nhà cho nhau hoặc bán cho “chủ thầu” mua gom các hộ cùng số nhà, nhưng đây mới chỉ là giải pháp tình thế bởi không dễ gì đạt được thỏa thuận với nhiều hộ cùng một lúc. Nhất là khi tới đây, nhiều chủ đầu tư sẽ phải từ bỏ vì quy hoạch phân khu nội đô không xây thêm nhà cao tầng.
Trước mắt, UBND quận Hoàn Kiếm tính toán phương án đảm bảo việc làm cho 40% số dân phố cổ đang kiếm sống nhờ kinh doanh vỉa hè. Cụ thể, sẽ tạo điều kiện cho các hộ đang kinh doanh ở phố cổ đến nơi giãn dân tiếp tục được kinh doanh tại các khu vực kiốt, khu vực chợ dân sinh để đảm bảo cho cuộc sống. Khu giãn dân này được quy hoạch bố trí phố buôn bán theo từng ngành, loại hàng hóa. Toàn bộ diện tích tầng 1 của các tòa nhà là kiốt để người dân kinh doanh. Đồng thời Hà Nội xem xét thực trạng khi không có sinh kế thì người dân sẽ tìm mọi cách quay trở lại nơi cũ, tiếp tục nghiên cứu thêm phương án tạo điều kiện để người dân làm ăn.
Minh Châu