"Chiến binh tốt nhất là người không nổi giận"
(PetroTimes) - Một cuộc thi thơ tầm quốc gia vừa khép lại, không có giải Nhất, chỉ có giải Nhì được trao cho một nhà thơ người dân tộc thiểu số. Nhưng ngay lập tức, dư luận bùng lên phê phán rằng bài thơ ấy quá kém cỏi, và việc trao giải cao nhất cho một bài thơ kém cả về ý tứ, ngô nghê về ngôn từ như thế được dư luận coi là một sự xỉ nhục nền thi ca nước nhà. Dẫn đầu cho những con sóng dư luận dữ dội đó lại là những nhà thơ, và chỉ vài nhà phê bình văn học tham gia.
Được sự phân công của tòa soạn báo, phóng viên Chuột Bạch vội đi tìm chị Ngan, cũng là một nhà thơ, đang có phản ứng dữ dội với trình độ của Ban Giám khảo cuộc thi thơ trên các status mà chị đăng liên tiếp trên mạng xã hội, để thực hiện ngay một cuộc phỏng vấn về vấn đề nóng.
PV Chuột Bạch: Thưa chị, điều gì khiến chị nổi giận với kết quả cuộc thi thơ vừa qua?
Chị Ngan: Tôi không tin nổi trình độ của Ban Giám khảo một cuộc thi thơ tầm quốc gia mà lại yếu đến như thế. Họ đã chọn một bài thơ quá tầm thường về nghệ thuật và nội dung để trao giải Nhì. Trong bài thơ ấy, hoàn toàn không tìm ra được vẻ đẹp, trí tuệ hoặc tư tưởng mới nào. Việc đăng bài thơ ấy lên một tờ báo chuyên về văn học cũng là sự ưu ái quá đáng rồi. Nay lại trao giải cho bài thơ ấy thì thật sự là một điều xấu hổ cho chất lượng thơ nước nhà.
PV Chuột Bạch: Vậy theo chị thì bài thơ nào trong số các bài thơ dự thi xứng đáng nhận giải thưởng hơn bài được giải Nhì đó?
Chị Ngan: Tôi không phải là thành viên Ban Giám khảo, nên không thể trả lời câu hỏi này được.
PV Chuột Bạch: Các bài thơ dự thi được đăng lần lượt trên tờ báo chuyên về văn học mà chị thường được gửi biếu trong 2 năm qua. Chị có đọc hết chúng không?
Chị Ngan: Thú thực là tôi chỉ đọc có vài bài thôi. Nhưng nhất định rằng việc trao giải Nhì cho bài thơ đó là không chấp nhận được! Nếu không có thơ chất lượng, thì cuộc thi không có giải thưởng cũng có sao đâu!
PV Chuột Bạch: - Cảm ơn chị. Những ý kiến của chị mới đăng trên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều người hưởng ứng, phê phán nặng nề Ban Giám khảo cuộc thi. Vậy theo chị, điều gì khiến mọi người bất an đến vậy?
Chị Ngan: Đó là niềm tin yêu bị lung lay! Những “đại diện” của thơ nước nhà đang đứng trong “phiên chợ” náo loạn, “kiếm củi ba năm thiêu trụi trong một giờ”.
PV Chuột Bạch: Thưa chị, tại sao số đông nhà thơ lại cần tìm đến một số đại diện thơ ca nào đó để gửi niềm tin yêu? Và khi một đại diện nào đó được đưa ra, thì họ lại xông vào phê phán?
Chị Ngan: Không thể trách được số đông các nhà thơ và công chúng đang nổi giận kia, vì họ đang chờ đợi, hy vọng đón nhận tinh hoa thơ mới xuất hiện sau 2 năm tờ báo văn học uy tín của nước nhà phát động cuộc thi thơ. Khi điều đó không thỏa mãn được họ thì họ “giận cá chém thớt” mà thôi.
PV Chuột Bạch: Nếu chị là Trưởng Ban Giám khảo, chị sẽ hành động ra sao trong tình huống này?
Chị Ngan: Tốt nhất là hội ý các thành viên Ban Giám khảo, và tìm ra lời giải thích thỏa đáng cho công chúng.
PV Chuột Bạch sau khi cảm ơn chị Ngan, tìm đến nhà hiền triết, thuật lại sự tình và xin chỉ giáo. Nhà hiền triết ung dung vuốt chòm râu bạc, mà rằng:
Dù Ban Giám khảo hay ông trời nào đó có đưa ra lời giải thích, thì công chúng và đám đông các nhà thơ sẽ tiếp tục không hài lòng và lại ném đá dữ dội hơn. Điểm mấu chốt gây nên sự ồn ào phản đối ở trường hợp này, đó là do Ban Giám khảo đã dám chọn một giọng thơ khác với số đông để trao giải. Khi thấy khác, đám đông phản ứng, đó là chuyện đương nhiên. Điểm thứ hai gây nên phản ứng, đó là đám đông ấy đang thiếu thốn chất thơ thực sự trong chính mình, không tự sáng tạo được gì hay hơn nữa, nên kỳ vọng những gì bên ngoài khiến mình thỏa mãn. Khi không thỏa mãn được từ cái bên ngoài đó, họ tìm cách đổ lỗi cho người khác. Lời khuyên của ta, đó là mỗi người hãy để vấn đề bên ngoài tự sinh ra ấy, tự chết đi, và hãy đào sâu trong chính mình, tìm tòi sáng tạo những vần thơ thực sự từ trái tim mình, sẽ có an yên, sẽ có thơ hay cho mình, không cần nổi giận với ai cả. Lão Tử nói: “Chiến binh tốt nhất là người không nổi giận”.
PV Chuột Bạch: Dạ, con xin cảm ơn người!
Việt Châu