70 năm ngành Công Thương Việt Nam
Bài 3: Để làm tốt việc tham mưu - quản lý ngành điện
(PetroTimes) - Là đơn vị mới thành lập sau khi Bộ Công Thương tái cơ cấu lại tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước thời kỳ hội nhập song Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (ĐL & NLTT) đã có sự kế thừa và gắn liền với quá trình phát triển của ngành điện cách mạng Việt Nam.
Trong giai đoạn 2016-2020, Cục ĐL & NLTT đã được Bộ Công Thương giao triển khai và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đơn cử như công tác xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Xây dựng kế hoạch về việc phân bổ ngân sách Trung ương cho Chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020; Xây dựng dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2020 - 2030 có xét đến năm 2045 (Tổng sơ đồ 8).
Cục ĐL & NLTT đã tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho Dự án NMNĐ Thái Bình 2. |
Hay trong công tác tham vấn chính sách, Cục ĐL & NLTT đã xây dựng, trình Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng phê duyệt nhiều văn bản chính sách về phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam (các quyết định, thông tư liên quan đến điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối...) nhằm tạo nền tảng quan trọng cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện năng. Từ đó, cả nước đã thu hút hàng tỷ USD, phát triển gần 16.000 MW điện năng lượng tái tạo, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện, giảm lượng điện chạy dầu giá cao, hướng phát triển ngành điện Việt Nam theo hướng bền vững. Đó là chưa kể sự phát triển năng lượng tái tạo đã phần nào giảm phát thải khí nhà kính, đem đến hy vọng một bầu trời xanh và không khí trong lành hơn cho nhân dân.
Nhờ những chủ trương đúng đắn, hiệu quả, sự đồng hành cùng các doanh nghiệp năng lượng, cho đến nay, hệ thống nguồn và lưới điện đã không ngừng được hoàn thiện. Gần 70 năm qua, từ chỗ chỉ có 5 nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ, với tổng công suất nguồn 31,5MW, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất đặt nguồn toàn hệ thống đã đạt trên 61.000 MW, hệ thống lưới điện các cấp điện áp đã phủ khắp cả nước, có liên kết khu vực, đứng thứ 23 trên thế giới về quy mô hệ thống điện.
Về thực hiện nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, Cục đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các văn bản, đề nghị các cơ quan liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thực hiện. Nhờ đó đến năm 2019, Ngân hàng Thế giới đã đánh giá xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm và tiếp tục đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-4 và nhóm 4 nước tốt nhất của các nước tham gia hiệp định CPTPP, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế; duy trì vị trí thứ 2 trong khu vực ASEAN về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành Điện.
Trong công tác quản lý các dự án theo hình thức BOT, Cục ĐL & NLTT tiếp tục quản lý và theo dõi 20 dự án NMNĐ đầu tư theo hình thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với tổng công suất khoảng gần 27.000MW, trong đó có nhiều dự án đã đưa vào vận hành, đóng góp đáng kể về sản lượng cho hệ thống điện quốc gia.
Đối với lĩnh vực nhiệt điện, thời gian qua, Cục đã tập trung giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư, kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án (đặc biệt là các dự án trọng điểm như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu...). Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhiệt điện: Hợp tác, trao đổi với các tổ chức nước ngoài về công nghệ trong lĩnh vực nhiệt điện; hợp tác với METI Nhật Bản để nghiên cứu phát triển điện khí sử dụng LNG tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực thủy điện, Cục đã tổ chức quản lý toàn diện theo phân cấp và các Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện và giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện; Chủ trì, phối hợp tốt với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ xử lý các vấn đề đối với các dự án thủy điện được nghiên cứu, đầu tư tại nước ngoài (như Lào, Campuchia).
Đến nay, có tới 11/12 huyện đảo đã có điện. |
Trong lĩnh vực điện nông thôn, thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư Chương trình mục tiêu Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo thực hiện giai đoạn 2016-2020 đạt chất lượng và hiệu quả, đề xuất các cơ chế chính sách, phương thức thực hiện; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận động, tìm nguồn vốn tài trợ cho các dự án phát triển lưới điện nông thôn và điều phối Chương trình Cấp điện nông thôn; chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả…
Theo báo cáo của EVN, cho đến nay, ngành điện đã quản lý và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, 1 thành phố đảo; đã đưa điện tới 100% số xã-phường với tỷ lệ số hộ dân có điện trong cả nước đạt 99,54%. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt cung cấp điện mà còn đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ về bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân cũng như chương trình nông thôn mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị về quốc phòng – an ninh; tạo điều kiện cho mọi người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần và mang lại niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Không chỉ đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, Cục cũng đã tham mưu cho Bộ Công Thương nhiều văn bản nhằm tái cơ cấu ngành điện, đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ ngành điện; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế ngành điện đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như đã triển khai hoá đơn điện tử, cung cấp dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 trên môi trường mạng và các tiện ích khác…
Trong giai đoạn tới, trên cơ sở kế thừa các kết quả đạt được của ngành điện, Cuc ĐL&NLTT sẽ tiếp tục đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, quyết tâm hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao là quản lý lĩnh vực điện lực, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công Thương giao phó.
Có thể thấy rằng, chỉ sau gần 5 năm thành lập, Cục ĐL&NLTT đã triển khai tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp công lớn vào thành tích chung của Bộ Công Thương giai đoạn 2016-2020.
Tùng Dương