Cần thêm hỗ trợ cho khu vực tư nhân
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần có thêm những can thiệp về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi khu vực tư nhân.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụng, cũng như khó huy động vốn trên thị trường vốn. |
Theo FiinPro, so với cuối năm 2019, giá trị danh mục chứng khoán đã tăng 16,6% và danh mục này gia tăng chủ yếu được phân bổ vào trái phiếu chính phủ (186/277 nghìn tỷ đồng), trái phiếu các tổ chức tín dụng khác (66/277 nghìn tỷ đồng) và trái phiếu doanh nghiệp (24/277 nghìn tỷ đồng), tương ứng với mức tăng lần lượt là 31%, 46,6% và 8,5%.
Kinh doanh trái phiếu được cho là một trong những nghiệp vụ mang lại thu nhập cao cho các ngân hàng trong năm 2020, song dẫn đầu về nhóm phát hành trái phiếu vẫn là bất động sản và ngân hàng. Theo đó, sân chơi của thị trường vốn này vẫn chỉ dành cho một nhóm doanh nghiệp lớn, trong khi khu vực tư nhân ít có cơ hội, kể cả ở kênh tín dụng.
Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn của bong bóng thị trường, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, có tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” đang xuất hiện và đối tượng thua thiệt vẫn đang là các doanh nghiệp nhỏ, sức chống cự các cú sốc kém.
Nhận định về kinh tế Việt Nam trong quý I/2021, WB cho rằng, kế hoạch gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đợt hai - Tổng quy mô của gói hỗ trợ này ước tính khoảng 115 nghìn tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD) được thông qua và thực hiện tốt kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình duy trì hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch vốn vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp