Cận cảnh "đại công trường" xây dựng đường vành đai 2 gần 10.000 tỷ đồng
Tuyến đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (Hà Nội) có chiều dài hơn 5km, hiện đã hoàn thành khoảng hơn 60% khối lượng công việc. Công nghệ thi công MSS chạy trên (đà giáo di chuyển phía trên dầm) lần đầu tiên được áp dụng thi công một dự án ở Việt Nam.
Dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) được khởi công tháng 4/2018 bao gồm tuyến đường bộ trên cao và mở rộng dưới thấp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư.
Với công nghệ lần đầu tiên được áp dụng thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, sau khi hoàn thiện một nhịp, tiếp đó hệ thống khuôn ván và đà giáo được vươn tới nhịp tiếp theo, và tiếp tục thi công tới khi hoàn thiện.
Trao đổi với PV, anh Đào Văn Hiệp, Quản lý công trường thi công Dự án vành đai 2 trên cao cho biết, hiện tại dự án đã hoàn thiện được từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng, sản lượng đạt được khoảng 60% khối lượng công việc.
Số lượng công nhân trên công trường từ 200-300 người, chia ca kíp triển khai để thi công đồng loạt.
Dự kiến đến tháng 5/2022 sẽ hoàn thiện đoạn cầu Mai Động - chợ Mơ. Từ đoạn chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng đang cố gắng triển khai, dự kiến đến tháng 6/2023 sẽ hoàn thành toàn tuyến.
Với đặc thù của Dự án đường Vành đai 2 trên cao là vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông phía dưới, điều kiện mặt bằng thi công chật chội, lại nằm trên tuyến phố đông đúc, do đó công nghệ thi công MSS chạy trên (đà giáo di chuyển phía trên dầm) là phương án lựa chọn tối ưu để thi công.
Khu vực gầm cầu dưới thấp thu gọn diện tích lại làm nơi tập trung vật liệu, công nhân xử lý sắt thép kỹ thuật...
Kết cấu mặt cắt ngang công trình là dầm dạng hộp rỗng, bề rộng từ 19-35m, chiều cao dầm chủ H=2,687m, chiều dài nhịp dài nhất là 45m và ngắn nhất là 30m. Tại khu vực Ngã Tư Vọng, chiều cao tính từ đáy dầm đến mặt đất tự nhiên khoảng 23m, độ dốc dọc cầu là 5%.
Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và đã giải quyết rất tốt giữa việc vừa thi công vừa đảm bảo giao thông cho tuyến đường. Công nghệ MSS có thể thi công với khẩu độ dầm vượt nhịp lớn từ 30-45m, anh Đào Văn Hiệp cho biết thêm.
Đoạn từ chợ Mơ đến Ngã Tư Vọng đã dựng lên hàng loạt trụ bê-tông cốt thép, chuẩn bị đổ thanh dầm. Đây là dự án được kì vọng sẽ là tuyến vành đai giảm ùn tắc giao thông tại khu vực đường Trường Chinh, Đại La, Minh Khai... nhiều năm qua.
Theo Dân trí