Mục tiêu tăng trưởng 6,5% nhìn từ GDP quý 1
Mức tăng trưởng GDP quý I/2021 thấp hơn kịch bản nên chắc chắn các quý tiếp theo phải "gánh" để đạt mục tiêu cuối cùng là 6,5% trong năm nay.
Trong bức tranh kinh tế quý I cho thấy nhiều điểm sáng về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp, của nhiều ngành kinh tế chủ chốt, song con số tăng trưởng kinh tế 2021 vẫn là "ẩn số" khó đoán định khi mà dịch COVID-19 chưa được khống chế. |
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam thông tin, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Mặc dù kết quả tăng trưởng GDP chưa cao như kỳ vọng nhưng đây là con số chấp nhận được trong bối cảnh dịch bệnh.
Kết quả tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý 1/2020. Theo đó, hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; hoạt động xuất, nhập khẩu hồi phục mạnh mẽ, cán cân thương mại hàng hóa quý 1/2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD; có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng...
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho rằng, kết quả quý I/2021 sẽ là động lực cho quý tiếp theo để tăng trưởng kinh tế Việt Nam bứt tốc, nhất là khi Việt Nam đã tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19, các ngành kinh tế quan trọng đang có dấu hiệu phục hồi, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt.
"Quý I tăng trưởng GDP thấp nên quý tiếp theo phải "gánh" phần tăng trưởng của quý I. Hy vọng nền kinh tế Việt Nam sớm tìm được lối ra cho sản xuất trong nước", ông Hiếu kỳ vọng.
Về lạm phát, bà Vũ Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, lưu ý dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1/2021 tăng chỉ 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ bởi Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh. Theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%.
Trong bức tranh kinh tế quý I cho thấy nhiều điểm sáng về triển vọng phục hồi của doanh nghiệp, của nhiều ngành kinh tế chủ chốt, song con số tăng trưởng kinh tế 2021 vẫn là "ẩn số" khó đoán định khi mà dịch COVID-19 chưa được khống chế. Vẫn có những điểm cần lưu ý trong bức tranh kinh tế - xã hội quý 1 như: vẫn xuất hiện những ca lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng; hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như trước khi có dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh;...
Với mức tăng trưởng quý 1 như hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Hương, trong những quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân và thực hiện những giải pháp đồng bộ.
Theo đó, trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực thi chính sách tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tăng cường phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động mua, bán hàng hóa trực tuyến góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEPT để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và nâng cao giá trị của hàng hóa xuất khẩu nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế; tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ.
Các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tích cực tìm kiếm cơ hội, đối tác kinh doanh mới. Doanh nghiệp với vai trò động lực quan trọng nhất kinh doanh cần phát huy tối đa tinh thần đổi mới sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng lợi thế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần bổ sung gói hỗ trợ hiệu quả như xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hết năm 2021.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp