Nhiều rủi ro từ giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 giả mạo
Khi nhu cầu về vắc xin Covid-19 tăng lên trong khi chương trình tiêm chủng triển khai chậm trễ, ngày càng nhiều “chợ đen” trực tuyến mua bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả mạo xuất hiện.
Giấy xét nghiệm Covid-19 giả xác nhận âm tính. Ảnh: mainstreetfamilycare.com |
Do tính chất phi tập trung của hệ thống chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ, các giấy chứng nhận tiêm chủng mang biểu tượng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), được đánh giá là cách đơn giản nhất mà các nhà chức trách có thể theo dõi những người đã được tiêm chủng.
Nhưng theo báo cáo mới nhất của Check Point Software, những sản phẩm được rao bán như giấy chứng nhận tiêm vắc xin giả với giá 20 USD/tờ, hoặc giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 “mua hai tặng một” cùng những chế phẩm được quảng cáo là vắc xin Covid-19 với giá 1.000 USD/liều đang được bán tràn lan trên nhiều trang web đen trực tuyến.
Check Point cho biết, lượng quảng cáo rao bán giấy tiêm chủng giả đã tăng 300% kể từ tháng Giêng. Có thể thấy, sau khi nhiều quốc gia công bố cho phép cấp hộ chiếu vắc xin để kích cầu du lịch sau đại dịch, nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngày một gia tăng.
Các thông tin trên giấy chứng nhận tiêm chủng không được lưu trữ trong bất kỳ cơ sở dữ liệu tập trung nào và có thể được tìm kiếm dễ dàng. Do đó, các hacker có thể nhanh chóng tìm kiếm các thông tin của những người đã được tiêm chủng trước đó để làm giả giấy tờ và cung cấp cho người mua một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi ngày càng nhiều các biến chủng có độ lây lan nhanh xuất hiện tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại các nước như Mỹ và một số quốc gia châu Âu, hộ chiếu vắc xin giả sẽ làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh nếu như không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer-Biontech tại bệnh viện Favoriten, Áo. Ảnh: AFP |
Nhưng đáng lo ngại hơn, ông Oded Vanunu - chuyên gia nghiên cứu của Check Point khuyến cáo, bên cạnh những rủi ro dịch tễ, việc mua bán các thẻ tiêm chủng hoặc Covid-19 âm tính bằng các phương tiện không chính thức là cực kỳ rủi ro, vì tin tặc quan tâm nhiều hơn đến thông tin và danh tính của cá nhân để khai thác.
Theo ông Vanunu cho biết ”Tội phạm mạng đang tìm cách lợi dụng sự quan tâm của công chúng về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nhiều người dân Mỹ tỏ ra nghi ngờ công dụng của vắc xin và lảng tránh việc tiêm phòng. Điều này đã tạo ra lỗ hổng cho tội phạm khai thác thông tin cá nhân để tiến hành các hoạt động lừa đảo trục lợi”.
Mặc dù hiện nay Việt Nam chưa triển khai cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19, tuy nhiên trong tương lai, khi nhu cầu du lịch và dịch chuyển quốc tế bùng nổ trở lại và nguồn cung vắc xin còn hạn chế, thị trường “chợ đen” cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng giả hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Trước mắt, theo một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết, hiện có 95% người tiêm vắc xin Pfizer được bảo vệ, với vắc xin của AstraZeneca có 81% được bảo vệ sau tiêm mũi 2, như vậy còn 5-19% người đã tiêm chưa được bảo vệ khỏi Covid-19 có thể vẫn mang mầm bệnh
“Tổ chức Y tế Thế giới đang xây dựng khuyến cáo và các nước sẽ thực hiện theo điều lệ y tế quốc tế. Khi số lượng người được tiêm nhiều hơn và có khuyến cáo chung, Việt Nam sẽ thực hiện theo khuyến cáo này" - chuyên gia này chia sẻ.
Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 có một mục đích rất quan trọng, chúng cung cấp cho các bác sĩ trên khắp thế giới thông tin về liều vắc xin được tiêm đầu tiên để có thể dễ dàng nắm bắt được tình trạng dịch tễ của người dùng. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên mua bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả để bảo vệ sức khỏe bản thân, đồng thời tránh bị đánh cắp danh tính hoặc trở thành mục tiêu cho các âm mưu lừa đảo.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp