Đầu tư cổ phiếu: Tập trung vào chất lượng thay vì chỉ số VN-Index
Theo ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital, trung bình 10 năm qua VN-Index tăng 9%/năm, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng 10-15%/năm là động lực chính của sự tăng giá dài hạn của TTCK.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital , chia sẻ tại hội thảo “Chiến lược đầu tư khi kinh tế phục hồi” do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors - VWA) tổ chức |
Nhìn lại chặng đường phát triển của TTCK Việt Nam trong 14 năm qua, ông Phúc nhận định mức 1.200 điểm vẫn là mốc thị trường chưa thể chinh phục được. Nhưng đấy không phải tín hiệu quá tiêu cực cần chú ý đến trên thị trường, mặc dù chỉ số VN-Index không thay đổi nhiều nhưng mức định giá của của thị trường đã biến đổi lớn.
Diễn biến chỉ số VN-Index trong 10 năm qua. |
Cụ thể, mức P/E của thị trường đã giảm từ 40 lần (năm 2007) xuống còn 17-18 lần ở thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng khoảng 2,5 lần so với 14 năm trước, năm nay cũng là năm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh.
Trong 10 năm qua, VN-Index tăng trung bình 9%/năm, bằng với mức tăng EPS. Trên thế giới S&P500 cũng tăng trung bình 9%/năm trong 100 năm qua (tăng cao nhất trong các kênh tài sản tài chính bao gồm vàng, bạc, trái phiếu, tiền gửi, ngoại tệ, hàng hóa khác).
“Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 10-15%/năm là động lực chính của sự tăng giá dài hạn của TTCK” - Tổng giám đốc SGI Capital cho hay.
Nhưng TTCK không tăng đều 9%/năm. Trong 10 năm 2011-2021, VN-Index có 3 năm giảm (2010,2011,2018) và 7 năm tăng. Thị trường có nhiều lần giảm 20-40% và tăng 30-50% chỉ trong vài tháng. Đây là một rủi ro và cũng là điểm thú vị của TTCK.
“Hiện định giá Việt Nam đang ở giữa, lãi suất ổn định, tăng trưởng tốt, nhưng chưa có sự bùng nổ dòng tiền từ nước ngoài vào thị trường. Chúng ta đang ở mức giá vừa phải khoảng 17 lần hay thậm chí duy trì tiếp về vùng 14 lần là vùng rẻ” - ông Phúc nói thêm.
Diễn biến định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Theo ông Phúc, VN-Index bị định giá rẻ (P/E 10-14.x) trong các giai đoạn khủng hoảng, bất ổn vĩ mô, tăng trưởng thấp; và được định giá cao (P/E 20-3x) trong các giai đoạn tăng trưởng nhanh, lãi suất thấp, đón dòng tiền mạnh từ thăng hạng thị trường. Trong các giai đoạn tăng trưởng bình thường và ổn định, VN-Index có P/E 15-20.x.
Những cuộc khủng hoảng thường đưa thị trường về mức rẻ lịch sử (P/E 10.x) là thời điểm mua tuyệt vời nhất (ví dụ khủng hoảng COVID 3/2020). Hiện nay, VN-Index đang có P/E 18.x quanh mức trung bình, lợi thế giá rẻ không còn. Triển vọng tăng trưởng tích cực trên một nền lãi suất thấp, vĩ mô ổn định, cộng với khả năng sớm được nâng hạng lên Emerging Market có thể nâng định giá P/E của VN-Index lên mặt bằng mới.
Tuy nhiên, khi mặt bằng định giá chung không còn rẻ, lựa chọn cổ phiếu sẽ quyết định hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, theo thống kê của SGI Capital, trong 3 năm chỉ số VN-Index đều tăng (năm 2014-2016) thì gần 50% nhà đầu tư ở cá nhân ở các công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư cá nhân đều có NAV cuối năm thấp hơn đầu năm, nghĩa là nhà đầu tư vẫn lỗ khi VN-Index tăng.
Tại sao lại như vậy? Câu trả lời nằm ở việc mua đi bán lại rất nhiều của các nhà đầu tư, khi đó các chi phí như giao dịch, thuế, phí margin, đã dẫn đến trung bình các tài khoản trade nhiều lên đến 20-40-50% chi phí.
“Còn đại đa số các nhà đầu tư cá nhân giao dịch ít cũng không dưới 10%/năm, đây là lý do mà tài khoản âm” - ông Lê Chí Phúc cho hay.
Chính vì vậy, theo Tổng giám đốc SGI Capital, lời khuyên cho các nhà đầu tư để có lợi nhuận tốt trên TTCK, nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến chỉ số VN-Index mà nên chú trọng vào tìm cổ phiếu tốt, để đi cùng doanh nghiệp.
"Công việc chính của mọi nhà đầu tư nằm ở hai quyết định: lựa chọn thời điểm, và lựa chọn cổ phiếu. Chọn thời điểm tốt giúp giảm rủi ro và mang lại lợi thế, còn chọn cổ phiếu tốt giúp mang lại gia tài" - ông Lê Chí Phúc nhận định.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp