Lỗ hổng quản lý kinh doanh xăng, dầu: Bao giờ lấp đầy?
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu bị phát hiện gây hoang mang dư luận. Hơn bao giờ hết, người dân và những DN chân chính cần giải pháp mạnh mẽ, khả thi từ phía cơ quan quản lý Nhà nước nhằm sớm lấp lỗ hổng trong khâu kiểm tra, giám sát cũng như chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh xăng, dầu.
Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang thực hiện kiểm tra tại một cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn. |
Chồng chéo quản lý
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/3, đề cập đến trách nhiệm quản lý liên quan đến hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu bị phát hiện gần đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết: Hoạt động kinh doanh xăng, dầu hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm phạm pháp luật cũng như nhiều cơ quan quản lý. Cụ thể, riêng mặt hàng xăng, dầu có nhiều cơ quan cùng trách nhiệm quản lý như Công an, Hải quan, Biên phòng, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương. “Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu quy định: Bộ Công Thương chỉ có chức năng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối” – ông Trần Duy Đông khẳng định.
Thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên lập đoàn kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu. Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, trong năm 2020, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý hơn 4.500 vụ việc liên quan đến xăng, dầu. Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Thay đổi đo lường làm sai lệch kết quả, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe, bán xăng, dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực, bán xăng, dầu không phù hợp với quy chuẩn, xăng, dầu lậu, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, khi kiểm tra lấy mẫu có xác định số tồn nhưng khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu là vi phạm thì không thể thu hồi số xăng, dầu vi phạm vì lý do khi chưa có kết luận giám định thì không có căn cứ tạm giữ ban đầu. Trong khi đó quá trình bán hàng của DN là liên tục nên khi có kết quả, tiếp tục làm việc với DN thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn trong quá trình xử lý tang vật.
Sửa chính sách mới xử lý triệt để vi phạm
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Bùi Ngọc Bảo cho rằng, theo quy định, 1 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu chỉ có 1 đầu mối và thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng hệ thống cửa hàng đại lý của mình. Việc báo cáo quyết toán do cơ quan thuế thực hiện và chịu trách nhiệm, cơ quan QLTT chỉ phối hợp với cơ quan thuế trong việc dán tem cột bơm. Do vậy, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thuế trong việc xác định gian lận thương mại của các đại lý kinh doanh xăng, dầu thông qua kê khai hóa đơn và niêm phong dán tem cột bơm.
Để ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong kĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, Tổng cục QLTT đề xuất các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Mặt khác, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân nhằm phát hiện, tố giác, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để chặn đứng vấn nạn xăng, dầu lậu, giả phải chấn chỉnh những chệch choạc của cơ quan phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại từ cơ sở, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, cần xác định rõ cơ chế giám sát, cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, phải công khai minh bạch thông tin kết quả kiểm tra xử lý vi phạm cho mọi người dân đều biết, giám sát và thực hiện.
Về phía Bộ Công Thương, hiện, Bộ đang soạn thảo, đề xuất sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch và xử lý được các vấn đề còn vướng mắc như: Hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu, vấn đề an toàn, chất lượng xăng, dầu. Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo bổ sung lĩnh vực xăng, dầu hàng không vào Nghị định sửa đổi nhằm quản lý thị trường xăng, dầu chặt chẽ hơn.
Trong tháng 2/2021, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả lớn chưa từng có với tang vật thu được là gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt. So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu, làm xăng giả này có quy mô lớn và nghiêm trọng hơn nhiều lần. Tính từ tháng 8/2020 đến thời điểm bị phát hiện, các đối tượng tuồn ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Theo Kinh tế & Đô thị