Xung đột Palestine - Israel: Cục diện mới
(PetroTimes) - Quyết định của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) mở cuộc điều tra chính thức về các tội ác bị cáo buộc xảy ra tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đã sinh ra một “nhân tố lớn mới” trong cuộc chơi chính trị giữa Palestine-Israel, và khiến chính phủ Israel rùng mình đến mức họ đã từ bỏ kế hoạch phá hủy các ngôi làng của người Palestine ở Bờ Tây.
Trưởng công tố của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda |
Ngày 3/3, Trưởng công tố của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda cho biết, bà đã mở một cuộc điều tra chính thức về các tội ác bị cáo buộc xảy ra tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Trong một tuyên bố, bà Bensouda nói: "Hôm nay, tôi xác nhận văn phòng công tố của ICC bắt đầu cuộc điều tra liên quan tới tình hình tại Palestine". Trước đó, vào năm 2019, bà Bensouda từng tuyên bố đã có "cơ sở hợp lý" để mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh đối với các hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza cũng như hoạt động định cư của Israel ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng từ năm 1967.
Chính quyền Palestine đã hoan nghênh quyết định của ICC, ca ngợi đây là động thái "cần thiết và khẩn cấp" về các tội ác xảy ra trên lãnh thổ Palestine. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nêu rõ: "Các tội ác của các nhà lãnh đạo Israel đối với người dân Palestine đang diễn ra một cách có hệ thống và phổ biến, khiến cuộc điều tra này trở nên cần thiết và cấp bách". Ông al-Maliki nêu rõ: "Việc ICC tiến hành điều tra về các hành vi phạm tội của Israel là bước đi vốn đã được chờ đợi từ lâu, nhằm đạt được công lý cho người Palestine... Chúng tôi hy vọng có những hoạt động điều tra nghiêm túc ở cấp quốc tế nhằm đem lại công lý cho các nạn nhân Palestine".
Phong trào Hồi giáo Hamas cũng hoan nghênh quyết định của ICC. Người phát ngôn của Hamas ở Gaza Hazem Qassem nói với Reuters rằng: "Đó là một bước tiến trên con đường thực hiện công lý cho những nạn nhân của chúng ta... Sự phản kháng của chúng tôi là chính đáng, nó nhằm để bảo vệ mọi người. Luật pháp quốc tế chấp nhận sự phản kháng một cách chính đáng".
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjnamin Netanyahu đã lên án quyết định của ICC và thề sẽ hành động nhằm "hủy bỏ quyết định thái quá này". Theo một thông báo của Văn phòng Thủ tướng, ông Netanyahu cho rằng, việc mở cuộc điều tra là "cuộc tấn công" chống lại Israel.
Bộ Ngoại giao Israel ngày 3/3 tuyên bố quyết định mở cuộc điều tra chống lại Israel vượt quá quyền hạn của Tòa án, làm lãng phí công sức của cộng đồng quốc tế bởi một thể chế thiên vị, mất hết tính hợp pháp. Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi kêu gọi các nước đồng minh của Tel Aviv không hợp tác trong cuộc điều tra này. Theo ông, ICC không có thẩm quyền điều tra Israel vì nước này không phải là một thành viên của tòa án này. Trong động thái tương tự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington kịch liệt phản đối quyết định của ICC. Ông Ned Price cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì cam kết mạnh mẽ với Israel và an ninh của nước này, bao gồm việc phản đối các hành động không công bằng nhằm vào Israel. ICC không có thẩm quyền trong vấn đề này".
Cũng trong ngày 3/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã tổ chức cuộc họp tham vấn 3 bên với người đồng cấp Jordan Ayman Safadi và người đồng cấp Palestine Riyad Al-Malki tại thủ đô Cairo, trong đó tập trung giải quyết vấn đề Palestine và các giải pháp nối lại tiến trình đàm phán nhằm xây dựng một nhà nước Palestine độc lập. Tại cuộc họp, ba nhà ngoại giao này đã nhất trí phối hợp để đạt được nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, đảm bảo việc thành lập nhà nước Palestine độc lập có đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem. Cũng trong khuôn khổ cuộc họp trên, các ngoại trưởng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng động lực để đạt được bước tiến mới trong tiến trình hòa bình Israel - Palestine. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng kêu gọi Israel ngừng tất cả các hoạt động định cư trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine vì những hoạt động này vi phạm luật pháp quốc tế và tước đi cơ hội đạt được giải pháp hai nhà nước.
Các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Palestine và Israel đã đình trệ từ năm 2014. Phía Palestine không chấp nhận Mỹ bảo trợ các cuộc đàm phán với Israel kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến thành phố này vào tháng 5/2018. Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ. Tuy nhiên, động thái này của Israel không được cộng đồng quốc tế công nhận. Người dân Palestine luôn coi Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Michael Sfard, luật sư nhân quyền Israel, cho biết ICC không thể "trốn tránh" nghĩa vụ điều tra và thậm chí truy tố các quan chức Israel vì chính sách định cư bất hợp pháp ở Bờ Tây. Và điều đó có nghĩa là Israel không còn có thể phớt lờ các nước châu Âu, bao gồm Đức, Anh, Pháp, Hà Lan và các nước Scandinavia, những nước đã nhiều lần kêu gọi Tel Aviv chấm dứt chính sách chiếm đóng.
Sfard nói: “Nếu không theo đuổi vụ việc, ICC có thể sẽ bị phá hủy. Cho đến nay, hầu hết các cuộc điều tra và xét xử của ICC đều tập trung vào các bị cáo gốc Phi. Và các nước châu Phi phản đối việc ICC tự coi mình là một Tòa án thế giới, một Tòa án của "các đế quốc thực dân nơi người da trắng thông trị người da đen và da màu". Ông Sfard giải thích, nếu ICC từ bỏ việc điều tra Israel, điều đó sẽ gây ra "hiệu ứng domino giữa các nước trong thế giới đang phát triển. Vì vậy, đây là một vấn đề tồn tại của ICC".
Khi một cuộc điều tra được tiến hành, không biết liệu có bất kỳ lệnh bắt giữ nào được ban hành hay không. Và những lệnh này sẽ nhắm vào các chỉ huy cao nhất của quân đội và chính trường Israel. Nếu không có lệnh bắt giữ nào được đưa ra, cuộc điều tra này có thể khiến hoạt động ngoại giao của Israel sẽ trở nên đặc biệt khó khăn. Ông Sfard nói, khó có khả năng Israel có thể ngăn chặn cuộc điều tra bằng sức mạnh chính trị, bởi vì điều đó sẽ càng đẩy thể chế này dựa vào chân tường. Do đó, ông kết luận rằng đây là một bước phát triển lớn trong chính sách đối đầu giữa Israel và Palestine. “Tôi nghĩ rằng một nhân tố lớn mới vừa xuất hiện trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine: ICC, với công tố viên và các thẩm phán. Và nhân tố này sẽ tồn tại ít nhất một thời gian và sẽ không hành xử theo cách giống như các nhân tố chính trị, các quốc gia trên thế giới ... và Israel có ít khả năng gây áp lực lên ICC”.
Vụ kiện của ICC "sẽ có tác động hạn chế rất lớn đối với Israel" theo thời gian. Mới đây, Israel đã ngừng kế hoạch phá hủy Al Khan al Ahmar, một ngôi làng ở Bờ Tây. Ông Sfard nói rằng trong tháng tới, việc Israel đối xử với người Palestine ở Bờ Tây và Gaza có thể sẽ "rất thận trọng". Và mặc dù cứ vài năm Israel lại thực hiện một "cuộc tấn công vào Gaza ... thì bây giờ các tướng lĩnh Israel sẽ suy nghĩ lại".
“Tôi nghĩ rằng người Palestine chưa bao giờ có loại lá bài này, có thể hạn chế Israel. Nó cũng sẽ đẩy ý tưởng thôn tính xuống cuối danh sách ưu tiên… Tất nhiên, trên thực tế, việc thôn tính đang diễn ra liên tục. Nhưng hành động thôn tính chính thức mà Thủ tướng Israel Netanyahu muốn cách đây vài tháng ... giờ đây dường như đã biến mất”, ông Sfard kết luận.
Vận chuyển khí đốt từ Isarel đến Gaza đạt được thoả thuận quốc tế |
HĐBA thảo luận mở về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine |
Mỹ đồng ý bán "Chim ăn thịt" F-22 cho Israel |
H.Phan