EVN chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số
(PetroTimes) - Liên quan đến chủ đề năm 2021 “chuyển đổi số” của EVN, ông Trần Việt Anh - Trưởng ban Tổ chức và Nhân sự (TC&NS) Tập đoàn Điện lực Việt Nam có một số trao đổi về vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Ông Trần Việt Anh |
PV: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng chủ đề năm 2021 là chuyển đổi số. Chủ đề này có tạo áp lực lên lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không, thưa ông?
Ông Trần Việt Anh: Chủ đề xuyên suốt năm 2021 của EVN là chuyển đổi số với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, ĐTXD, hỗ trợ người lao động thực hiện công việc nhanh hơn với chất lượng cao hơn. EVN đã xác định, chuyển đổi số là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo và toàn thể CBCNV Tập đoàn, trong đó nhiệm vụ nâng cao nhận thức của CBCNV, đào tạo, chuẩn bị năng lực cho những đối tượng liên quan trực tiếp trong quá trình chuyển đổi số là phải thực hiện trước tiên.
Thực tế, Ban TC&NS đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay. Năm 2017, Tập đoàn đã tập trung triển khai nhiều chương trình đào tạo cho nhóm công nghệ thông tin. Cụ thể, chỉ tính riêng ở cấp Tập đoàn, đã tổ chức 50 khóa học về quản lý dữ liệu, an ninh bảo mật, phát triển phần mềm, Big Data, IoT… Trong giai đoạn 2016-2020, các Tổng công ty cũng dành trung bình 11% chi phí đào tạo hàng năm cho các chương trình phát triển năng lực công nghệ thông tin. Song song với nhóm CNTT, Tập đoàn cũng chú trọng phát triển các nhóm chuyên gia tự động hóa. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 6 lớp chuyên sâu và 4 hội thảo cho ứng viên chuyên gia Tập đoàn trong các lĩnh vực tự động hóa nhiệt điện, thủy điện và lưới điện. Đây là những nhóm chuyên gia được xây dựng với kỳ vọng là nhóm hành động chiến lược trong triển khai các dự án chuyển đổi số của Tập đoàn.
Đối với các cấp lãnh đạo và quản lý, trong năm 2020, Tập đoàn cũng đã mời các chuyên gia quốc tế, các tổ chức tư vấn quản trị nổi tiếng đến trao đổi, tọa đàm về chuyển đổi số, những yếu tố góp phần tạo nên thành công trong dẫn dắt chuyển đổi số, kinh nghiệm triển khai thực tế của các DN trên thế giới…
Từ năm 2018, Tập đoàn đã triển khai hệ thống học trực tuyến E-learning. Chỉ tính riêng năm 2020, đã có 1.361.489 người lượt tham gia học trên E-learning, bình quân mỗi người đã được học 13,98 lượt/năm. Đây là một hình thức đào tạo hiệu quả mà chúng tôi muốn đẩy mạnh trong toàn Tập đoàn. Có thể nói, vấn đề đào tạo đã được chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi xác định vẫn còn nhiều việc phải làm. Áp lực chắc chắn là lớn, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng.
PV: Theo ông, để chuyển đổi số thành công vào năm 2022, nguồn nhân lực đóng vai trò thế nào và chuyển đổi số sẽ làm thay đổi tính chất công việc trong ngành Điện như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Việt Anh: Tôi cho rằng, nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của mọi công việc, không chỉ riêng chuyển đổi số. Và để chuyển đổi số thành công, rất cần có sự tham gia và phối hợp nhịp nhàng của tất cả CBCNV trong Tập đoàn.
Nhiều bài viết cũng như những ý kiến của các chuyên gia, các nhà tư vấn, đều thống nhất với quan điểm này. Ví dụ, ông Phương Trầm - Tư vấn trưởng Chuyển đổi số của Tập đoàn FPT trong phát biểu của mình luôn nhấn mạnh đến vấn đề con người: "Có ba điều cần phải làm. Đầu tiên là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào. Thứ hai là sẵn sàng về phương diện tổ chức. Cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Chúng ta cần đào tạo và phát triển nhân sự. Thứ ba là sẵn sàng về phương diện công nghệ. Điều này cần được phát triển song hành với yếu tố nhân sự".
Để triển khai kế hoạch chuyển đổi số, tư vấn đã chia thành 4 nhóm nhân lực liên quan: nhóm lãnh đạo, nhóm quản lý, nhóm chuyên gia, nhóm người lao động. Như tôi đã nói ở trên, lĩnh vực đào tạo đã được chuẩn bị và triển khai cho cả 4 nhóm này. Trong giai đoạn tới, EVN sẽ tổ chức đào tạo chuyển đổi nhận thức và đào tạo chuyên sâu với những chương trình được thiết kế riêng cho từng nhóm và đảm bảo chuẩn bị năng lực phục vụ các mục tiêu chuyển đổi số cụ thể.
Tập đoàn đã xác định, 5 lĩnh vực lớn chuyển đổi số: sản xuất điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng và VT&CNTT. Quá trình chuyển đổi số cụ thể là chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành số hóa, các hoạt động thủ công, chưa tự động sẽ thành tự động, áp dụng công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ, lạc hậu, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng suất lao động. Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã xác định, thứ tự ưu tiên của chuyển đổi số là từ các công việc nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ chi phí ít đến chi phí nhiều, từ hiệu quả cao đến hiệu quả thấp... Do đó, tôi tin rằng, người lao động sẽ được hỗ trợ nhiều để nâng cao hiệu quả công việc của mình sau quá trình chuyển đổi số.
PV: Vẫn còn nhiều người “mơ hồ” về chuyển đổi số, vậy Tập đoàn sẽ đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Việt Anh: Thực ra, chuyển đổi số là khái niệm còn khá mới không chỉ đối với EVN mà còn với người dân Việt Nam. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã đưa quan điểm đầu tiên là "Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số" và “Người dân là trung tâm của chuyển đổi số”.
Khi những người lãnh đạo/quản lý, người triển khai, người tiếp nhận kết quả của quá trình chuyển đổi số biết đến và nhận thức đúng về mục tiêu chung, về lợi ích của mình khi được hưởng những thành quả của chuyển đổi số, tôi tin rằng, họ sẽ cảm thấy bớt rào cản, cùng chung tay góp sức vào quá trình này. Đó cũng là nội dung chính chúng tôi dự kiến sẽ truyền đạt tới CBCNV Tập đoàn. Ban Tổ chức & Nhân sự sẽ phối hợp với Ban Truyền thông và các Ban chuyên môn xây dựng nội dung và phương thức truyền đạt phù hợp với từng nhóm đối tượng, giúp họ nhận thức tốt nhất. Bên cạnh các kênh truyền thông, hệ thống E-learning sẽ là công cụ triển khai sâu rộng, nhanh và tiết kiệm nhất; cùng với đó là việc tổ chức xen kẽ các cuộc hội thảo và những cuộc thi, tạo không khí sôi động và tăng tính tương tác bổ trợ cho các hoạt động đào tạo trực tuyến.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu chuyển đổi số quá nhanh dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc, điều này không phù hợp với chính sách chung là đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động? Ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Ông Trần Việt Anh: Tôi không nghĩ vậy. Xã hội đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn và chúng ta đang trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đứng trước bất kỳ cuộc cách mạng nào câu hỏi này cũng được đặt ra, nhưng như chúng ta đã biết, nhiều công việc sẽ mất đi, nhưng đồng thời nhiều việc mới được tạo ra. Song song với quá trình tự động hóa và chuyển đổi số, lãnh đạo Tập đoàn luôn chỉ đạo kịp thời kế hoạch bố trí, sắp xếp lại lao động và đào tạo chuyển đổi ngành nghề. Đương nhiên, quá trình này luôn là thách thức rất lớn đối với những người làm trong lĩnh vực tổ chức nhân sự. Nhưng Tập đoàn luôn giải quyết ổn thỏa các vấn đề về lao động, minh chứng rõ nét nhất là quá trình triển khai mạnh mẽ các TBA không người trực những năm vừa qua.
PV: Lĩnh vực đào tạo chuyên gia, đào tạo công nhân bậc thấp sẽ được chú trọng như thế nào trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với lộ trình chuyển đổi số, thưa ông?
Ông Trần Việt Anh: Như tôi đã nói ở trên, những chuyên gia được coi là nhóm hành động chiến lược triển khai các dự án chuyển đổi số. Do đó, nhóm này được tách riêng và có chương trình đào tạo riêng. Chúng tôi hiện đang phát triển song song hai nhóm chuyên gia: chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ (như sản xuất, đầu tư, kinh doanh….) và chuyên gia về công nghệ thông tin. Để xây dựng được các dự án chuyển đổi số ứng dụng vào quá trình quản lý, hai nhóm chuyên gia này cần kết hợp chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc đào tạo và phát triển chuyên gia nội bộ, Ban TC&NS cũng xây dựng các quy chế thu hút hoặc thuê các chuyên gia bên ngoài để kịp thời triển khai các dự án cấp bách.
Đối với nhóm công nhân nói chung, qua quá trình triển khai E-learning, chúng tôi đã tạo cho họ thói quen học tập và thi sát hạch trên phần mềm. Các bài giảng E-learning đã giúp họ có cơ hội học, ôn thi mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và minh bạch hóa các nội dung thi. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện phần mềm E-learning để người lao động bên cạnh việc học có thể tra cứu các tài liệu trực tiếp liên quan đến công việc hàng ngày của họ như quy trình an toàn, quy trình vận hành, tài liệu kỹ thuật thiết bị…
Tôi cho rằng, các tài liệu, bài giảng trên phần mềm E-learning là kho tri thức vô tận đối với mọi người. Khi chúng ta đã xây dựng được văn hóa học tập, khai thác trên E-learning thì mỗi người đều có thể tự học, tự phát triển bản thân mà không có giới hạn và không phụ thuộc vào lãnh đạo hay tổ chức. Khi đó EVN sẽ trở thành một tổ chức học tập tốt.
PV: Xin cảm ơn ông!
Một số định hướng trong chuyển đổi số tại EVN trong thời gian tới: - Xây dựng hạ tầng nền tảng, cấu trúc dữ liệu dùng chung trong toàn Tập đoàn, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nhằm mục tiêu hoàn thành cấu trúc dữ liệu năm 2022; - Ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý và khai thác vận hành hiệu quả thiết bị đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải và phân phối với mục tiêu: + Chuyển đổi các trung tâm điều khiển nhà máy điện và các trạm biến áp thành trung tâm điều khiển số + Chuyển đổi các trạm biến áp 110kV-220 kV thành các trạm biến áp số + Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh điện năng + Nâng cao năng lực quản lý dự án trong lĩnh vực đầu tư xây dựng + Nâng cao năng lực quản trị nội bộ, gồm lĩnh vực quản trị nhân sự, quản trị văn phòng, tài chính kế toán… + Nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông, ứng dụng các nền tảng công nghệ số trong khai thác và triển khai các dịch vụ ứng dụng CNTT. |
Minh Anh