Dân đầu tư “phát hoảng” với HSX: Nhà giàu mới được chơi cổ phiếu tốt?
Sau khi ông Lê Hải Trà - tân CEO HSX nêu giải pháp nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu, giới đầu tư đã phản ứng tiêu cực, cho rằng quy định này chỉ dành cho "nhà giàu", đi ngược chủ trương Chính phủ.
Ngày 26/2, ông Lê Hải Trà chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX).
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán đang tăng nóng, sàn HSX xảy ra tình trạng quá tải trong tiếp nhận và xử lý lệnh giao dịch. Việc sàn này có tân CEO sau 4 năm vị trí này bị bỏ trống được kỳ vọng có thể thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý, khắc phục lỗi hệ thống, tránh gây thiệt hại thêm cho nhà đầu tư và thị trường.
Và không phải chờ đợi lâu, trong ngày 2/3, trao đổi với báo chí về vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên HSX và các giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Trà dẫn ý kiến của các chuyên gia cho biết, việc tăng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu là một trong những giải pháp giảm được số lệnh nhỏ vào hệ thống, từ đó trực tiếp làm giảm áp lực lên hệ thống xử lý của HSX.
Theo khẳng định của ông Trà, vấn đề nâng lô giao dịch đã được HSX tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả. Các thị trường phát triển hơn chúng ta như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này.
"Theo tính toán của HSX, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp", CEO của HSX khẳng định.
Nhiều nhà đầu tư hiện nay là dân văn phòng, sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng để đầu tư chứng khoán |
Quay cuồng xử lý cổ phiếu lẻ
Ngay sau phát ngôn trên của người điều hành HSX, cộng đồng nhà đầu tư lập tức có một phen xôn xao đến… nháo nhác.
Thông tin được chia sẻ dồn dập trên mạng xã hội, tại các diễn đàn đầu tư, các hội nhóm Zalo, Facebook. Hầu hết các nhà đầu tư đều sửng sốt và bày tỏ sự lo lắng với hoạt động giao dịch trong thời gian tới.
"Choáng thực sự, thế này thì nhỏ lẻ sống làm sao?!" - chị Nguyễn Hoàng Yến, một nhà đầu tư ở Hà Nội cảm thán. Theo chia sẻ của chị Yến, ngay sau yêu cầu nâng lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu/lệnh giao dịch, chị Yến đã mắc kẹt với những lô cổ phiếu lẻ và không biết phải xử lý như thế nào.
"Tôi có 90 cổ phiếu VIC và 70 cổ phiếu VJC vẫn đang bị kẹt lại. Nếu nâng lô cổ phiếu lên 1.000 thì không biết số phận của những lô 500 cổ phiếu MWG, 800 cổ phiếu GAS của tôi chẳng lẽ cũng kẹt lại tương tự. Tin này khác gì ép tôi phải bán thôi, đừng vào lại thị trường nữa?" - chị Yến bức xúc.
Một số nhà đầu tư ví von "cả thanh xuân chỉ để đi xử lý lô lẻ". Việc bán ra lô lẻ với nhà đầu tư là cả một vấn đề đau đầu, vì không phải ai có 30 cổ phiếu cũng tìm được "đối tác" có 70 cổ phiếu để giao dịch. Hơn nữa, nếu bán cho công ty chứng khoán, họ phải chấp nhận mức giá rất thấp, thậm chí không bán được.
Hiện tại, trên thị trường có những nhà đầu tư có số vốn chỉ từ vài chục triệu đồng, thậm chí dưới 10 triệu đồng. Để phân bổ rủi ro, nhà đầu tư thường chia ra 2 đến 3 mã, mỗi mã chỉ ở mức vài trăm đơn vị. Theo đó, khi nâng lên lô 1.000 cổ phiếu, các nhà đầu tư này có thể sẽ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi.
Quy định dành cho… nhà giàu, đi ngược mục tiêu của Chính phủ?
"Đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động. Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi!
Giải pháp tăng lô lên 1.000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư" - đây là ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán SSI nêu trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại không đồng ý với quan điểm này. Một tài khoản đã bình luận, logic này rất phi lý, tựa như việc "hiện tại có quá nhiều xe nên để giảm ùn tắc giao thông thì nên cấm xe máy, chừng nào mở rộng đường mới cho đi" vậy.
Một số nhà đầu tư cho rằng, trong khi đề án của Chính phủ về phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam muốn mở rộng số lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường lên đến 3%-5% dân số thì quy định này có thể sẽ gạt nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi thị trường và làm nhụt chí nhà đầu tư.
Giả sử với những cổ phiếu lớn có thị giá cao như VNM, GAS, VHM, thậm chí là RAL, VCF, VJC mỗi một lần "đi lệnh" của nhà đầu tư phải có sẵn hàng trăm triệu đồng.
Chẳng hạn cổ phiếu VCF tính theo giá tham chiếu phiên 3/3 là 230.500 đồng mỗi cổ phiếu, giá tham chiếu RAL ở phiên này là 215.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VJC là 137.700 đồng/cổ phiếu… Như vậy, những nhà đầu có vốn ít không thể nào tiếp cận những mã cổ phiếu này.
Nói cách khác, việc nâng lô giao dịch tối thiểu như trên sẽ khiến hoạt động giao dịch chứng khoán trở thành cuộc chơi của… nhà giàu!
Bên cạnh đó, điều này cũng được cho là đang đẩy nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn ít phải lựa chọn những cổ phiếu có thị giá thấp, được gọi là "cổ phiếu rác" với mức độ rủi ro cao trên thị trường.
Thực tế, trên thế giới, để khuyến khích nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán, nhiều quốc gia đã giảm lô tối thiểu với các lệnh giao dịch cổ phiếu.
Chẳng hạn, hồi tháng 10/2018, Nhật Bản đã giảm lô tối thiểu từ 1.000 cổ phiếu xuống còn 100 cổ phiếu. Tương tự, ở Singapore cũng đã hạ lô cổ phiếu tối thiểu từ 1.000 xuống còn 100 để nhà đầu tư nhỏ lẻ tiếp cận tốt hơn những cổ phiếu có thị giá cao.
Thậm chí, tại Italia còn cho phép nhà đầu tư giao dịch với đơn vị 1 cổ phiếu mỗi lệnh. Còn với thị trường Anh và Mỹ, nhà đầu tư còn có thể mua một phần của một cổ phiếu.
Theo Dân trí