Lật tẩy 70 công ty ma dùng chiêu xuất "giả" để... hoàn thuế "thật"
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các 4 Cục thuế phía Nam báo cáo tình trạng một loạt doanh nghiệp khai xuất hàng giả, hoàn thuế thật chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Theo đó, hai doanh nghiệp lớn đã bị điều tra, xác minh có hành vi vi phạm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT là Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức và Công ty CP TM Sài Gòn Tây Nam.
Ngoài ra, quá trình mở rộng điều tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 70 doanh nghiệp, trong đó có một số công ty ma (không có thật, công ty được mua lại, được thuê… không có người đại diện pháp luật) để thực hiện hành vi phạm pháp.
Các doanh nghiệp chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đều lợi dụng việc xuất khẩu linh kiện điện tử |
Tổng cục Thuế yêu cầu: Bốn Cục Thuế địa phương phía Nam bao gồm Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và TP HCM báo cáo gấp về hoạt động của một số doanh nghiệp có hành vi lợi dụng hoàn thuế giá trị gia tăng có rủi ro cao.
Trước đó, ngày 27/10/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4569/TCT-TTKT về việc hoàn thuế có rủi ro cao đối với các hoạt động xuất khẩu linh kiện điện tử gửi Cục Thuế tỉnh Tây Ninh, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Cục Thuế tỉnh Long An, Cục Thuế TP.HCM đề nghị các đơn vị này thực hiện một số nội dung quản lý rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Các công ty bị xác định có hành vi vi phạm hoàn thuế cần kiểm tra là Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam; Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh và các công ty có liên quan.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/11/2020 nhưng đến ngày 22/2/2021 mới chỉ có báo cáo của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai.
Về nội dung hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng linh kiện điện tử, thời gian qua Tổng cục Thuế nhận được báo cáo của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Tài chính về kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của một số doanh nghiệp tại địa bàn khu vực phía Nam.
Cơ quan Hải quan nêu kết quả điều tra xác minh, xác định Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức và Công ty CP TM Sài Gòn Tây Nam đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Ngoài ra, tham gia đường dây này có 70 doanh nghiệp liên quan đến vụ án, trong đó có một số doanh nghiệp ma (không có thật), một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.
Tổng cục Thuế cho biết: Cuối năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03 - Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án trên.
Tổng cục Thuế yêu cầu, Cục Thuế Tây Ninh, Đồng Nai căn cứ vi phạm của Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam và Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh xử lý thu hồi hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Hai Cục Thuế Tây Ninh, Đồng Nai được Tổng cục Thuế yêu cầu trực tiếp kiểm tra, xác minh các doanh nghiệp liên quan bán hàng cho Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam và Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh và các Công ty liên quan (gồm Công ty TNHH TMDVXNK Văn Nguyện, Công ty TNHH TMDV Điện tử Văn Nghĩa; Công ty TNHH TMDVXNK Phú Trung, Công ty TNHH TMDVXNK Kim Hoa, Công ty TNHH TMDVXNK Nam Thành Phát...)
Đồng thời hai Cục Thuế trên phải trao đổi với Cục Thuế TP HCM để tiến hành thu hồi số tiền hoàn thuế của các công ty trên.
Tổng cục Thuế yêu cầu ba trong bốn Cục Thuế nghiêm tục thực hiện thanh, kiểm tra hoàn thuế VAT rủi ro cao. Trường hợp cơ quan Thuế xác định công ty nào có rủi ro cao về hoàn thuế vi phạm pháp luật với mục đích trốn thuế phải kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ để cung cấp thông tin bổ sung hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để đề nghị khởi tố.
Về thông tin vi phạm, Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2017-2019, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức lập 501 tờ khai xuất khẩu linh kiện điện tử (xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia…) với giá trị gần 5.200 tỷ đồng, đã nhận tiền hoàn thuế gần 260 tỷ đồng.
Công ty Sài Gòn Tây Nam (trụ sở Tây Ninh) đã xuất khẩu linh kiện trị giá hơn 1.600 tỷ đồng và nhận tiền hoàn thuế hơn 75 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, đối chiếu tại Hồng Kông (Trung Quốc), 3 lô hàng xuất khẩu của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức không được đưa vào dữ liệu hải quan, cơ quan thuế đặc khu này. Hai công ty được khai báo nhập hàng vào Campuchia, cơ quan Thuế nước bạn cũng không có dữ liệu nhập khẩu.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã phát đi cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp lớn phía Nam kê chênh hàng cùng loại giữa xuất khẩu so với hàng nhập khẩu để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.
Cụ thể thời gian qua Tổng cục Thuế nhận được báo cáo của một số Cục Thuế về việc hoàn thuế có rủi ro cao tại một số doanh nghiệp có hàng nhập khẩu (linh kiện điện tử, máy tính) có mẫu mã và đặc tính kỹ thuật giống nhau. Khi nhập khẩu, các doanh nghiệp khai báo giá trị rất thấp, nhưng khi xuất khẩu, một số doanh nghiệp khác lại khai báo giá trị rất cao và chênh lệch khoảng hơn 50 lần.
Cơ quan Thuế cho hay, đặc điểm dễ nhận thấy là các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thường có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất có trọng lượng chỉ vài kg đến vài chục kg nhưng giá khai báo lên vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Phần lớn các công ty liên quan đến vụ án là doanh nghiệp không có thật, một số doanh nghiệp do đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội", Tổng cục Thuế thông báo.
Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng linh kiện điện tử đều không có địa chỉ đăng ký kinh doanh, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế...
Theo Dân trí